Chỉ cần một va chạm nhỏ là tuyến đường Trường Sơn bị ùn tắc làm cho cửa ngõ ra vàosân bay Tân Sơn Nhất tê liệt sáng ngày 20/7 |
Một va chạm nhỏ, cửa ngõ sân bay tê liệt
Sáng 20/7, tuyến đường Trường Sơn ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tê liệt nhiều giờ cả hai chiều. Phương tiện từ ga quốc tế, quốc nội sau khi đón trả khách ra đến đường Trường Sơn bị “tắc” hơn 2km. Kẹt xe còn lan qua cả đường: Hồng Hà, Bạch Đằng khiến các phương tiện ở cả hai hướng vào sân bay đều rất vất vả. Anh Nguyễn Đức Quang và rất nhiều người khác đi trên chuyến bay của Vietjet từ TP.HCM ra Hà Nội lúc 10h, khi đến đầu đường Trường Sơn phải xuống xe ô tô kéo va li đi bộ vào cho kịp giờ. “Tình trạng ùn tắc tại đây đã diễn ra từ lâu, hành khách ra sân bay Tân Sơn Nhất rất khổ sở, nhưng TP vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để”, anh Quang than.
Nguyên nhân của vụ việc ùn tắc nghiêm trọng ngày 20/7, theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP HCM) do có 2 vụ va chạm giao thông xảy ra trên đường Hoàng Văn Thụ, Hồng Hà nhưng chậm xử lý kéo đi làm ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên, lý giải sâu hơn, theo các chuyên gia, hiện nay sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có một lối ra duy nhất là đường Trường Sơn nên chỉ cần một sự cố nhỏ là dẫn đến tê liệt. Dòng xe từ sân bay đi ra đường Trường Sơn khi đến đường Trần Quốc Hoàn bị dồn ứ ngay tại nút giao Lăng Cha Cả.
Các phương tiện khi qua khỏi đường Trần Quốc Hoàn rẽ phải qua Cộng Hòa bị ùn ứ do đoạn đường này chật hẹp. Trong khi đó, các phương tiện khi rẽ trái qua đường Hoàng Văn Thụ để về trung tâm TP gặp dòng phương tiện từ cầu vượt Lăng Cha Cả đổ xuống, từ đường Phạm Văn Hai rẽ phải qua tạo sự giao cắt dẫn đến ùn ứ.
Cấp thiết mở thêm lối ra
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT gần đây, ông Bùi Xuân Cường đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu để mở thêm các cổng ra vào sân bay trên một số đường như: Thống Nhất, Tân Sơn, Quang Trung (Gò Vấp), Trường Chinh, Phạm Văn Bạch (Tân Bình)… Việc mở rộng lối ra cho cửa ngõ Tân Sơn Nhất cũng được tính toán và lên kế hoạch cụ thể. Theo đó, cấp thiết nhất là đường Cộng Hòa (từ Trần Quốc Hoàn đến đường 18E) để khai thông nút giao Lăng Cha Cả. Dự kiến, đoạn này sẽ thi công vào quý IV/2017 và hoàn thành trong năm 2018. Ngay gần đó, đường Phan Thúc Duyện song song với đường Cộng Hòa (đoạn từ Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long và đường số 18E) hiện bề rộng 12m, theo kế hoạch cũng sẽ mở rộng ra 20m để đáp ứng lưu thông. Lúc này, các phương tiện từ sân bay đi về hướng Tân Bình khi đến Phan Thúc Duyện có thể rẽ phải để ra đường Cộng Hòa, giảm áp lực ở nút giao Lăng Cha Cả.
Về lâu dài, đường Phan Thúc Duyện sẽ được kéo dài qua khu vực đất quốc phòng qua Sư đoàn 370, sát mép phía Tây của sân bay Tân Sơn Nhất, tạo thành đường song song với đường Cộng Hòa kéo dài đến nút giao Trường Chinh - Cộng Hòa - Âu Cơ. Tuyến đường này có bề rộng từ 15m - 35m tùy theo vị trí. Đây cũng là tuyến đường được quy hoạch phù hợp với xây dựng thêm nhà ga lưỡng dụng ở phía Nam của sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ GTVT đã cơ bản đồng ý về hướng tuyến, Bộ Quốc phòng sẵn sàng giao đất và đang chờ Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều chỉnh giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Một số dự án khác như: mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh) và đoạn vuốt nối từ đường Phổ Quang, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám… cũng được Sở GTVT phê duyệt từ năm 2016. Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP, vướng mắc hiện nay là việc bồi thường GPMB chậm. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục làm việc với các quận để đẩy nhanh tiến độ GPMB vì các dự án này đều cấp bách.
Đề xuất làm đường trên cao giải cứu ùn tắc sân bay
Mới đây, Liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng), Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và Công ty CP Hạ tầng Đông Á đã đề xuất xây dựng dự án đường trên cao kết nối vào sân bay Tân Sơn Nhất có tổng chiều dài 3.240m. Từ điểm đầu là sảnh nhà ga quốc tế T2, tuyến đường trên cao có hướng tuyến chạy qua trước nhà ga quốc nội T1 ra đường Thăng Long rồi đi dọc tuyến đường này vượt qua đường Phan Thúc Duyện, qua công viên Hoàng Văn Thụ chia làm hai nhánh lần lượt kết nối vào đường Hoàng Văn Thụ và đường Nguyễn Văn Trỗi. Dự án có tổng dự toán ban đầu 2.600 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, ngân sách TP.HCM hỗ trợ cho công tác GPMB khoảng 450 tỉ đồng, phần còn lại (2.150 tỉ đồng) hoàn vốn bằng quỹ đất.
Ông Đầu Khắc Cường, Giám đốc Công ty CP hạ tầng Đông Á cho biết, hiện đang tiếp tục hoàn chỉnh dự án để trình Sở GTVT xem xét. Theo thống kê có khoảng trên 70% lượng phương tiện từ sân bay đi về trung tâm thành phố. Nếu dự án này được triển khai sẽ góp phần giải quyết ùn tắc tại nút giao Lăng Cha Cả, về lâu dài có thể kết nối vào tuyến đường trên cao số 1 của thành phố đang được Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đề xuất đầu tư.
Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2016, Sở GTVT đã đế xuất 13 dự án cải tạo, xây mới các công trình giao thông, nút giao. Hiện, chỉ mới hoàn thiện cầu vượt Trường Sơn và tuyến đường Hồng Hà, Bạch Đằng. Cầu vượt tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) có dạng chữ N gồm 3 nhánh mới đưa vào khai thác nhánh từ Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn, hai nhánh còn lại tiếp tục thi công hoàn thành năm 2018. Dự án cầu vượt thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp gồm hai nhánh cũng mới đưa vào sử dụng nhánh từ Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh. Nhánh từ Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh tiếp tục thi công và đưa vào sử dụng tháng 10/2017. Xa hơn, dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương (Q.12) hiện đang thi công nhánh N1 (trung tâm - An Sương), dự kiến hoàn thành tháng 12/2017. Riêng nhánh N2 (từ An Sương - trung tâm) sẽ thi công và hoàn thành trong năm 2018. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận