Bà Đinh Thị Mỹ Anh phản ánh với lãnh đạo Bộ Tài chính về những bất cập khi nộp thuế, khai hải quan |
Nơm nớp lo phạt thuế
Theo bà Đinh Thị Mỹ Anh, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Apatit Lào Cai, từ tháng 1/2014, doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu phải lấy mẫu phân tích hàng hóa mất 15 ngày. Kết quả phân tích hàng hóa này thường thay đổi so với số liệu doanh nghiệp đã khai khi thực xuất, nên thông thường, doanh nghiệp phải nộp bổ sung thuế. “Nộp bổ sung thuế là đúng, nhưng doanh nghiệp còn phải nộp tiền phạt vì chậm thuế, trong khi rõ ràng đây là quy trình của Nhà nước, doanh nghiệp đâu có chậm trễ. Ngoài ra, lệ phí mở tờ khai có 20 nghìn đồng, nhưng quy định mới bắt buộc nộp qua ngân hàng khiến doanh nghiệp mất tới 26 nghìn đồng phí cho ngân hàng nữa, trong khi trước đây chỉ cần dán tem là xong”, bà Mỹ Anh phản ánh.
"Theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, năm 2015, phải cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế của doanh nghiệp còn 171 giờ/năm. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, cần sự chung tay, nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư đất nước”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Bà Phạm Thị Loan, Giám đốc Công ty Việt Á coi biểu thuế hiện hành như một ma trận, khiến doanh nghiệp nơm nớp lo sợ không biết áp vào mã thuế nào, liệu có bị truy thu thuế không? Như mặt hàng cáp quang và hộp cáp quang ngành điện và viễn thông mà Việt Á đã nhập khẩu đã có mã định danh là 0%, nhưng hải quan sau thông quan quy sang 3% với cáp quang; 20% với hộp mã cáp quang và truy thu thuế doanh nghiệp trong 5 năm. “Khi nhập khẩu, tổ chức đấu thầu, bán hàng, doanh nghiệp căn cứ vào mã thuế đã khai, nhưng sau thông quan, lại bị áp mã cao, khiến doanh nghiệp lao đao, phá sản. Khi khiếu nại thì lại được hướng dẫn gửi về chỗ đã ra quyết định xử phạt. Thật vô lý khi người khiếu nại lại gửi đơn cho người bị khiếu nại”, bà Loan bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam thừa nhận, doanh nghiệp luôn cảm thấy nặng nề khi làm thủ tục thuế, hải quan. “Nhiều doanh nghiệp chưa mong giảm thời gian kê khai thuế, chỉ mong đừng bị phạt”, bà Cúc cho hay. Theo bà Cúc, thực tế từ chuyến khảo sát 16 doanh nghiệp tại 8 địa phương gần đây cho thấy, gần như toàn bộ chi cục thuế, hải quan địa phương đều tự ý bổ sung thêm một số tờ khai, thủ tục khác ngoài quy định mà Bộ Tài chính hướng dẫn. Ví dụ như thủ tục hoàn thuế, chỉ cần mẫu 05 nhưng các cơ quan thuế lại thêm vào đó bảng kê số liệu hoàn thuế cả quý, cả năm; đã thực hiện hải quan điện tử nhưng vẫn có những bản kê tay. Ngay các công văn về thuế giữa các chi cục trong cùng một Cục Thuế cũng đã rất khác nhau.
Chung tay cải cách
Tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp, như vấn đề doanh nghiệp khiếu kiện lần một tại Cục Thuế không thỏa đáng, có thể khiếu kiện lần hai ở Tổng cục Hải quan và khiếu kiện tiếp tại Bộ Tài chính. Nếu doanh nghiệp vẫn chưa đồng thuận, Bộ Tài chính sẵn sàng xin ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan để giải quyết đúng pháp luật. “Nếu kết quả cuối cùng, cơ quan chức năng sai, thì sẽ phải bồi hoàn cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Anh Tuấn khẳng định.
Về vấn đề biểu thuế nhập khẩu, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, Bộ Tài chính đang đề nghị bổ sung vào chương trình 2015 thuế suất thuế nhập khẩu, để đáp ứng thực tế hiện nay và những thách thức đặt ra. Còn vấn đề sử dụng các văn bản phi pháp quy, các văn bản do vụ trưởng, vụ phó ký, hoặc chỉ đạo thông qua các email, Thứ trưởng khẳng định không phải là căn cứ để xử lý doanh nghiệp. Các văn bản mà các chi cục địa phương tự ý bổ sung ngoài quy định của ngành Tài chính cũng cần phải cắt bỏ ngay để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Tổng cục Thuế tiếp tục đơn giản hóa, xóa bỏ các thủ tục rườm rà, phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Hiện số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử chiếm 85%, Tổng cục Thuế phấn đấu hết năm 2014, 90% doanh nghiệp sẽ kê khai thuế điện tử.
Hải Quỳnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận