Xã hội

Thượng tướng Võ Trọng Việt nói về quản lý súng sau vụ Yên Bái

29/08/2016, 07:52

Là khẳng định của Thượng tướng Võ Trọng Việt trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông sau vụ nổ súng tại Yên Bái...

11

Thượng tướng Võ Trọng Việt nói về quản lý súng sau vụ nổ súng ở Yên Bái

 Cuộc trao đổi này cũng làm rõ những điểm mới trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai sắp tới.

Nể nang, thiếu giám sát dẫn đến hậu quả đáng tiếc

Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Xin ông cho biết, so với Pháp lệnh năm 2011, dự thảo luật có điểm tiến bộ gì?

Luật này so với pháp lệnh có một số điểm tiến bộ. Thứ nhất là quy trình cấp, quản lý, bảo vệ súng và quy trình cấp công cụ hỗ trợ được rà soát lại và quy định chặt chẽ hơn. Thứ hai là quy định nổ súng, so với pháp lệnh, quy định trong luật rõ hơn và sâu hơn, giúp người sử dụng súng vững tâm hơn.

Dự thảo luật quy định về nổ súng trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc nổ súng quy định tại Pháp lệnh. Đồng thời, quy định cụ thể về những trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo và những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo.

Trong vụ việc xảy ra ở Yên Bái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đỗ Cường Minh đã mang theo súng khi vào gặp Bí thư và Chủ tịch HĐND tỉnh. Vậy theo quy định, cán bộ có chức trách được quyền mang theo súng bên mình bất cứ lúc nào không, thưa ông?

Phải xác định rằng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đỗ Cường Minh là đối tượng được cấp súng. Nhưng theo quy định của luật, cấp súng là để đi làm nhiệm vụ, chứ anh không được mang súng về nhà, không được mang súng đi chơi, không được lúc nào cũng mang súng. Cả quân đội, công an và kiểm lâm cũng thế, nguyên tắc là đơn vị cấp súng phải có kho để súng, khi có lệnh của cấp có thẩm quyền mới mở kho cấp súng. Quy trình cấp súng được quy định rất chặt chẽ, cụ thể. Nhưng trường hợp này là do ông Minh sử dụng sai, không chỉ ông ấy mà liên quan đến cả những người ở dưới. Nhưng cũng có cái khó là ông Minh lại là người đứng đầu, nên chắc chắn do có sự nể nang mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Ông cũng nói đã nghiên cứu kỹ hồ sơ của Bộ Công an và kiểm lâm trong vụ việc xảy ra ở Yên Bái, vậy lỗ hổng trong vụ án này nằm ở đâu?

Tôi nghĩ là do quản lý ở chính các đơn vị liên quan. Đối với kiểm lâm trong thời điểm hiện nay, lâm tặc hoạt động rất nhiều, việc trang bị súng khi đi làm nhiệm vụ là lý do chính đáng. Trong đơn vị kiểm lâm, nếu làm theo trình tự cấp súng theo quy định thì Chi cục trưởng không thể mang súng ra ngoài. Ở Tỉnh uỷ, nếu không vì nể nang do quen biết mà kiểm tra theo đúng nguyên tắc thì cũng không ai có thể mang súng vào phòng lãnh đạo. Đây là bài học sâu sắc về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định của luật.

Được cấp súng phải qua trình tự chặt chẽ

Theo quy định trong luật, muốn lấy súng khỏi đơn vị quản lý thì cần thực hiện theo trình tự, thủ tục nào, thưa ông?

Thông thường, muốn lấy súng khỏi đơn vị quản lý phải có quyết định của chỉ huy đơn vị, thủ trưởng cơ quan. Lần này đi kế hoạch thế này, có bao nhiêu người đi và được trang bị súng thế nào. Người chỉ huy đơn vị sẽ ra kế hoạch, cấp dưới làm theo chỉ thị của chỉ huy, xây dựng kế hoạch để chỉ huy phê duyệt, phê duyệt xong, người cấp súng mới cấp cho cán bộ đi làm nhiệm vụ. Việc sử dụng súng cũng phải nêu rõ lấy súng trong khoảng thời gian bao lâu, sau khi hết hạn đó phải nộp súng vào trong kho. Trình tự rất chặt chẽ.

Khi không đi làm nhiệm vụ thì phải để súng trong kho, lúc ấy phải có thủ kho giao nhận hẳn hoi. Muốn lấy súng đi phải có lệnh, nhưng như vụ ở Yên Bái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm là người đứng đầu cao nhất của đơn vị đó nên khó vận dụng theo nguyên tắc, trình tự khi lấy súng ra, bởi chẳng lẽ cấp trên yêu cầu cấp súng mà cấp dưới lại không cho? Trường hợp này, chắc chắn cũng không ai ngờ ông Minh lại lấy súng sử dụng vào việc gây hậu quả nghiêm trọng đến thế.

Thưa ông, theo quy định khi qua cổng bảo vệ để vào cơ quan Tỉnh uỷ hoặc trụ sở các bộ, ngành thì có kiểm tra vũ khí mang theo không?

Cái đó thực chất trong nguyên tắc và quy trình là có, nhưng do chúng ta không thực hiện mà thôi. Qua vụ việc ở Yên Bái, sẽ thức tỉnh các cơ quan công quyền phải thực hiện theo đúng nguyên tắc. Ở các nước trên thế giới quy định rất chặt chẽ, kể cả lãnh đạo vào cơ quan cũng đều phải qua kiểm tra, nhưng ở nước ta thì quy định kiểu “ngoài chặt, trong lỏng”. Quy trình rõ ràng là phải kiểm tra, nhưng chỉ vì quen biết mà bỏ qua. Nếu làm bài bản sẽ không có gì xảy ra, nhưng chỉ cần không bài bản một lần thì sẽ gây hậu quả đáng tiếc.

Vụ việc xảy ra ở Yên Bái gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vậy những người liên quan ở cấp dưới có bị xử lý trách nhiệm?

Thực ra việc xử lý trách nhiệm cũng khó. Thứ nhất, nếu nó xảy ra theo hướng ông Minh là người lợi dụng việc công để làm việc tư, lợi dụng quyền hạn để làm việc công thì chính ông Minh phải chịu trách nhiệm. Nếu cả cơ quan kiểm lâm hôm ấy không có kế hoạch trang bị hay cấp súng cho ông Chi cục trưởng này mà tự ông ấy ra lệnh lấy súng thì rõ ràng ông ấy phải chịu trách nhiệm chứ không phải ai khác. Hiện nay, hồ sơ công an vẫn đang trong giai đoạn điều tra, chưa biết cụ thể thế nào. Sau này, điều tra hoàn chỉnh rồi mới phân ra xem trình tự lấy súng và sử dụng súng thế nào, động cơ, mục đích gì. Từ đó sẽ xác định sai ở đâu, trách nhiệm của ai.

Dự thảo luật có quy định trang bị vũ khí cho cá nhân hay không? Làm nhiệm vụ xong có được phép đem vũ khí về nhà riêng không, thưa ông?

Luật quy định cấp súng cho các lực lượng QĐND, CAND, kiểm ngư, kiểm lâm, lực lượng hải quan ở cửa khẩu và trực tiếp chống buôn lậu... Những đối tượng này được cấp súng rồi thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục Kiểm lâm hay Cục trưởng Cục Hải quan mới có hướng dẫn quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp súng.

"Súng để ở đơn vị chỉ được trang bị cho cán bộ khi đi làm nhiệm vụ như tuần tra kiểm soát, khi đi xác minh vấn đề theo kế hoạch có thể mang súng theo để tự vệ. Còn mang súng đi với mục đích riêng, lợi dụng việc công để làm việc tư là sai quy định”.

Thượng tướng Võ Trọng Việt

Dựa vào thông tư hướng dẫn ấy, về từng đơn vị sẽ có quyết định cấp súng cho những ai. Ai được cấp súng kèm theo phải có giấy phép sử dụng súng. Được cấp phép rồi thì phải kiểm tra về sức khoẻ, phẩm chất của người được cấp súng xem có đủ năng lực để được cấp và sử dụng súng hay không, sau đó mới cấp. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì không cấp.

Khi cấp súng rồi thì anh phải có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, được học, được huấn luyện bài bản, nếu sai phải chịu trách nhiệm.

Vũ khí, chất liệu nổ vốn rất nguy hiểm nên khi thiết kế luật hay pháp lệnh đều theo hướng quản lý càng ngày càng chặt chẽ. Các đối tượng được cấp súng là người được bồi dưỡng, huấn luyện, tuyển chọn kỹ, chặt chẽ. Trình tự cũng rất đầy đủ, chỉ có điều mình không thực hiện thôi. Chúng ta đừng nghĩ rằng, khi có sự việc gì xảy ra gây hậu quả thì đều là do lỗ hổng của luật. Ví dụ như quy định nổ súng về mặt nguyên tắc, lý luận đều rất chặt, nhưng do thực hiện của mình không chuẩn. Vụ việc ở Yên Bái cũng vậy, không phải do hậu quả vụ này mà đổ rằng luật có lỗ hổng, đây là do ý thức, trách nhiệm thực hiện luật chưa tốt.

Việc xử lý trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan được trang bị vũ khí từ trước đến nay được thực hiện thế nào, thưa ông?

Nếu Thủ trưởng hoặc người đứng đầu đơn vị xử lý sai nguyên tắc, tuỳ theo tính chất mức độ sẽ quyết định mức xử lý hành chính hoặc hình sự. Quy định này rất chặt chẽ và nghiêm ngặt trong luật.

Thưa ông, có thực tế hiện nay, tình trạng tàng trữ và sử dụng vũ khí nóng trong dân rất nhiều. Nguyên nhân do đâu và chúng ta phải giám sát thế nào?

Việc này cũng được bàn thảo nhiều trong dự thảo luật. Có hai luồng tư tưởng khác nhau.

Thứ nhất có ý kiến cho rằng, không nên đưa vào luật việc quản lý vũ khí trong dân, đặc biệt là vũ khí của đồng bào dân tộc khi mỗi nhà đều có súng tự tạo, tự chế vì không quản được, đưa vào luật là không thực tiễn.

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, cần đưa tất cả các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào luật để quản lý. Còn việc thực hiện luật không được thì phải giáo dục cho dân, đó là chuyện khác. Quan điểm là luật cần đưa vào và quy định hết. Những gì cấm cũng phải đưa hết vào để toàn dân có ý thức nhận thức, tuân thủ pháp luật.

Trước đây, rất ít trường hợp tội phạm ma tuý sử dụng vũ khí nóng, các băng nhóm tội phạm cũng ít, nhưng giờ sử dụng rất nhiều, tình hình rất phức tạp nên luật càng cần tiếp tục thắt chặt quy định.

Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.