Vận tải

Thủy phi cơ sắp bay hợp pháp

30/08/2016, 08:05

Bộ GTVT đang nỗ lực tạo khung pháp lý cho thuỷ phi cơ hoạt động bằng việc xây dựng một Thông tư riêng.

3

Bộ GTVT đang hoàn tất Thông tư hướng dẫn hoạt động khai thác thuỷ phi cơ, tháo gỡkhó khăn cho doanh nghiệp

Quá nhiều rào cản

Chia sẻ với Báo Giao thông, Tổng giám đốc Hãng hàng không Hải Âu Đinh Thị Thu Trang mở đầu bằng những nỗ lực khai phá thị trường của hãng này. “Mặc dù dịch vụ thuỷ phi cơ đã có mặt từ lâu trên thế giới, song tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Chỉ đến khi Hàng không Hải Âu chính thức ra mắt với ba máy bay thuỷ phi cơ đầu tiên, thị trường Hàng không chung Việt Nam mới chính thức có sự góp mặt của dịch vụ này”, bà Trang nói và cho biết thêm, trên thế giới, ngành Hàng không chung đã có mặt và phát triển từ rất lâu, thậm chí có trước ngành vận tải hàng không công cộng. Hiện nay, tổng số lượng máy bay trên thế giới vào khoảng 370.000 chiếc, trong đó trên 90% là các máy bay trong lĩnh vực hàng không chung, còn lại mới là máy bay thuộc lĩnh vực hàng không công cộng.

Chỉ đạo xây dựng Thông tư riêng hướng dẫn khai thác cho thủy phi cơ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nêu rõ, phải tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động cũng như đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước. Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị phải tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn chỉnh để trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, thông qua trong tháng thời gian sớm nhất.

Điểm khác biệt giữa hàng không chung và hàng không công cộng theo bà Trang là với hàng không chung, khi khách hàng muốn đi đâu, đi vào thời điểm nào hoàn toàn do khách hàng quyết định dựa trên nhu cầu, thay vì phải mua vé máy bay và đi theo lịch trình định sẵn của hãng hàng không. Vậy nên, hàng không chung là ngành Hàng không mang lại rất nhiều tiện lợi cho khách hàng.

“Có thể ví hàng không chung như taxi, còn hàng không vận tải công cộng như xe buýt. Tuy nhiên, cũng chính vì đang đóng vai trò tiên phong, mang tính bứt phá thị trường hàng không nên Hải Âu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt về cơ chế”, bà Trang nói và cho biết, với ba tàu thủy phi cơ hiện có song năm 2015, Hải Âu chỉ khai thác được khoảng 700 giờ bay, chưa bằng mức khai thác tối đa của một tàu bay.

Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cũng nhiều lần thừa nhận, dù cơ quan quản lý nhà nước đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của hàng không chung, kể cả hoạt động bay trực thăng lẫn bay du lịch của Hải Âu. “Những gì trong tầm tay như phương thức điều hành bay, tiêu chuẩn sân bay chuyên dùng, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Hải Âu là doanh nghiệp đầu tiên khai thác bay du lịch bằng thủy phi cơ nên thủ tục pháp lý chưa được khai thông là có thật”, ông Thanh nói.

Tháo gỡ khó khăn

Trong một nỗ lực gỡ khó cho hoạt động thuỷ phi cơ tại Việt Nam, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn tất Thông tư hướng dẫn hoạt động khai thác thuỷ phi cơ, sân bay chuyên dùng trên mặt nước, bãi cất, hạ cánh trên mặt nước.

Thực tế, theo bà Trang, với những quy định rất cụ thể về Giấy chứng nhận đăng ký sân bay chuyên dùng; Giấy chứng nhận khai thác sân bay chuyên dùng; Tài liệu khai thác sân bay chuyên dùng; Quy định về việc ra, vào cảng biển, bến thuỷ nội địa và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác thuỷ phi cơ, sân bay chuyên dùng trên mặt nước, bãi cất hạ cánh trên mặt nước… tại dự thảo Thông tư, phần lớn những khó khăn của Hải Âu đã được tháo gỡ.

“Trước đây, khi chúng tôi xin phép khai thác thủy phi cơ tại các địa phương, do thiếu các hành lang pháp lý, lãnh đạo các địa phương thường phải tổ chức họp rất nhiều cuộc với các sở, ban, ngành. Nếu có sở, ngành nào đó chưa có ý kiến đồng thuận, Hàng không Hải Âu phải tiếp tục thuyết trình, thuyết phục. Với cách làm này, phải mất tối thiểu 6 tháng, có nơi mất cả năm chúng tôi mới xin được chấp thuận. Tuy nhiên, với Thông tư mới của Bộ GTVT, những khó khăn này sẽ cơ bản được tháo gỡ”, bà Trang chia sẻ.

Được biết hiện tại, 2/3 số thủy phi cơ của hãng đã hoạt động hết công suất với mức tăng trưởng hành khách lên tới 60%. Hãng cũng đang lên kế hoạch triển khai lại đường bay mới tại Ninh Bình và Nha Trang, vốn bị đình hoãn suốt một thời gian dài do vướng mắc thủ tục cấp phép.

“Bắt đầu đã có những tín hiệu cho thấy sự phản hồi tích cực của thị trường. Tuy nhiên, để đạt tới điểm hòa vốn, tiến tới có lãi, chúng tôi vẫn còn phải nỗ lực rất lớn. Nếu không nhận được hỗ trợ của Công ty mẹ, Tập đoàn Thiên Minh với nền tài chính vững vàng, Hải Âu khó có thể bay bền bỉ như thời gian qua”, người đứng đầu hàng không Hải Âu nói thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.