Cuộc xung đột vũ trang đẫm máu đang diễn ra giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Và một lần nữa, tiến trình hòa bình Trung Đông lại rơi vào vòng luẩn quẩn như nó vốn vậy từ gần 70 năm nay.
Kỳ 1: Vấn đề Palestine – dai dẳng và phức tạp
3.500 năm trước CN, Palestine là đất của người Canaen thuộc dòng Semite. Năm 2000 trước CN, người Hebreux, tổ tiên người Do Thái, đến khai phá vùng này; đến năm 1.200, người Philistines từ đảo Crete đến cư trú và đổi tên thành Palestine. Phần lớn dân số Palestine là người Arab, đạo Hồi được coi là quốc giáo.
Cuối những năm 1910, đế quốc Anh giành được quyền uỷ trị vùng đất Jerusalem và Palestine từ tay Thổ Nhĩ Kì. Tháng 1/1919, Anh ra Tuyên bố Balfour về việc đưa người Do Thái tha phương ở nhiều nơi trên thế giới trở về Palestine thiết lập ở Palestine một Tổ quốc cho dân tộc Do Thái, điều này đã đẩy vùng đất này vào biến động và bạo lực khi người Arab phản đối người Do Thái có chủ quyền tại đây.
Tháng 11/1947, Liên Hợp quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết số 181 quyết định chấm dứt quyền uỷ trị của Anh và chia vùng đất này thành 2 nhà nước: Nhà nước Do Thái chiếm 57,47% diện tích vùng Palestine (14.100km2) với 498.000 người Do Thái, 325.000 người Arab; Nhà nước Arab chiếm 42,53% diện tích với 807.000 người Arab và 10.000 người Do Thái.
Riêng thành phố Jerusalem, với 100.000 người Do Thái và 105.000 người Arab, nằm trong quốc gia Arab sẽ được quốc tế hoá.
Tuy nhiên, ngày 14/5/1948, Hội đồng Dân tộc Do Thái đã tuyên bố thành lập Nhà nước Israel với thủ đô là Jerusalem, bất chấp tinh thần Nghị quyết 181 của LHQ. Biểu thị tình đoàn kết với những người anh em Palestine, các nước Arab đã phản đối hành động này của Israel.
Chính vì vậy, sự nghiệp đấu tranh giành những quyền cơ bản của dân tộc Palestine đã trở thành cuộc xung đột Arab – Israel; vấn đề Palestine đã trở thành cốt lõi của tiến trình hòa bình Trung Đông. Đây là cuộc tranh chấp khu vực kéo dài nhất và nhiều mâu thuẫn nhất trong lịch sử thế giới đương đại.
Cố Chủ tịch PLO Yasser Arafat |
Tháng 5/1964, Hội đồng Dân tộc Palestine (PNC) họp lần thứ nhất ở Đông Jerusalem tuyên bố thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do Al Fatah- tổ chức cách mạng đầu tiên của nhân dân Palestine được thành lập năm 1958, làm nòng cốt. Từ đó, PLO trở thành đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine.
Năm 1975, tại khóa họp 30 của Đại Hội đồng LHQ, PLO đã được mời tham gia LHQ với tư cách quan sát viên. Ngày 15/11/1988, Nhà nước Palestine tuyên bố thành lập nhưng chưa được LHQ công nhận.
Năm 1994, trên cơ sở Hiệp định Oslo ký năm 1993 giữa Chủ tịch PLO Yasser Arafat và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) được thành lập để điều hành một số khu vực thuộc dải Gaza và khu Bờ Tây.
Tuy nhiên, chế độ tự quản cho người Palestine tại những vùng đất nói trên chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ. Cùng với các cuộc vận động ngoại giao, người Palestine đã tiến hành hai cuộc nổi dậy (Intifada) vào năm 1987 và 2000, nhưng đã không chấm dứt được sự chiếm đóng của Israel và triển vọng thành lập một Nhà nước Palestine ngày càng xa vời.
Tháng 9/2010, dưới sự trung gian của Mỹ, các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine được nối lại. Tuy nhiên, sau gần một năm, các cuộc đàm phán đã không thu được kết quả mong đợi. Vấn đề ở chỗ, mặc dù đã rút khỏi dải Gaza (hiện do Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát), song Israel tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Palestine và Israel.
Thất vọng trước hiện trạng bế tắc này, ngày 23/9/2011, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã chính thức trình lên Tổng Thư kí LHQ đơn xin gia nhập LHQ với quy chế quốc gia thành viên đầy đủ và đề nghị công nhận Palestine là một Nhà nước độc lập với đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm 1967.
Trong khi “đợi chờ”, ngày 31/10/2011, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của LHQ (UNESCO) đã chính thức phê chuẩn Palestine trở thành thành viên đầy đủ thứ 195 của tổ chức này. Đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng, là niềm khích lệ lớn đối với người Palestine trong nỗ lực đạt mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Điều đó có nghĩa đa số thế giới ủng hộ quyền của người Palestine trở thành một nhà nước độc lập và là thành viên của cộng đồng thế giới.
Đăng Song
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận