Quán bia Vuvuzela trên đường Nguyễn Khánh Toàn đã được giải tỏa gần xong |
Đất công được cấp phép sử dụng 50 năm
Đất dự án cống hóa mương Nghĩa Đô kết hợp làm bãi đỗ xe trên phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy là đất công, nhưng được chính quyền TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp sử dụng 50 năm. Việc chính quyền đang tổ chức cưỡng chế khiến nhiều chủ doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng vào đây gần như mất trắng, lãng phí xã hội cực lớn.
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến ngày 22/5, việc cưỡng chế 42 công trình vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy vẫn đang được lực lượng chức năng tiến hành. Việc cưỡng chế diễn ra từ 17/5 và sẽ được thực hiện đến khi hoàn tất.
Không chỉ mương Nghĩa Đô mà dự án cống hóa mương Phan Kế Bính, phường Cống Vị, quận Ba Đình cũng đã nhiều năm bị người dân, cử tri lên tiếng khi hàng loạt nhà hàng, thậm chí là nhà kiên cố mọc lên ở đây. Trong khi dự án tại Nghĩa Đô đã được giải tỏa đến nay, các vi phạm tại mương Phan Kế Bính vẫn ngang nhiên tồn tại trước sự án binh bất động của các cấp chính quyền. Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông tại cuộc giao ban báo chí chiều 22/5 liên quan vấn đề trên, ông Trần Xuân Hà, Phó ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội chỉ nói chung chung: “Đối với các vi phạm trên địa bàn thành phố đều được kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật” (?) |
Địa điểm này nằm trong dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô, diện tích khoảng 13.000m2, vốn được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư, xây lắp, thương mại và dịch vụ đầu tư xây dựng bãi đỗ xe với khoảng 185 ôtô và 500 xe máy và các dịch vụ phụ trợ từ năm 2007. Đáng chú ý, khu đất này có mặt tiền gần 1.000m2 mặt đường Nguyễn Khánh Toàn, là vị trí rất đắc địa.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Cù Đức Tố, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư, xây lắp, thương mại và dịch vụ cho biết, hiện ông đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, phản đối việc cưỡng chế. Vào thời điểm năm 2007, doanh nghiệp của ông đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho việc cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô. Nếu theo thời giá hiện tại thì con số này phải là hàng trăm tỷ đồng. “Ngoài việc làm cống, công ty tôi còn bỏ ra gần 6 tỷ đồng làm một con đường 3,5m cho dân đi. Thành phố hứa sẽ hỗ trợ công ty số tiền trên, nhưng từ năm 2008 đến nay vẫn chưa thấy gì, dù Sở Tài chính đã thẩm định”, ông Tố nói và cho biết, sau khi thực hiện cống hóa mương, doanh nghiệp đã xây dựng bãi đỗ xe trên nền cống với quy mô 100 xe ô tô, 500 xe máy cùng các công trình dịch vụ, phụ trợ kèm theo.
Theo ông Tố, toàn bộ khu đất cũng đã được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 50 năm, ghi rất rõ là đất dành cho sản xuất kinh doanh. Từ năm 2007-2012, thành phố thu của công ty 500 triệu đồng, sau đó từ năm 2013 trở đi thu gần 9 tỷ đồng/năm tiền thuế đối với khu đất này.
Lực lượng chức năng cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đường Nguyễn Khánh Toàn |
Doanh nghiệp khóc dở mếu dở
Sau khi được giao khu đất trên nền cống hóa mương thoát nước, ông Tố cùng một số người họ hàng góp vốn đầu tư và chia nhau mỗi người vài ô. Tiếp đó, chủ những ô đất này lại tiếp tục cho thuê lại. “Thời điểm đầu khó khăn nên công ty kêu gọi các nhà đầu tư cùng góp vốn và công ty chuyển nhượng tài sản trên đất cho các nhà đầu tư. Tài sản của tôi thì tôi có quyền chuyển nhượng chứ tôi không bán đất, còn đất tôi vẫn quản lý”, ông Tố lý luận.
Theo ông Cù Đức Tố, các doanh nghiệp đang kinh doanh trên diện tích thuê lại của khu đất nói trên đã đầu tư rất lớn, mới khai thác được 1- 2 năm nên chưa thể lấy lại được vốn, trong đó có những doanh nghiệp đầu tư cả chục tỷ đồng. Điều đáng nói, tất cả đã được Sở KH&ĐT cấp giấy phép kinh doanh. “Bây giờ khi Sở KH&ĐT đòi thu hồi giấy phép đã cấp, có những đơn vị không nộp lại giấy phép. Tình thế này tôi cũng không biết sau này thế nào. Chính quyền cưỡng chế vội vàng như vậy sẽ dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp trên đà phá sản, hàng nghìn người mất việc làm, lãng phí tài sản xã hội”, ông Tố nói.
Tương tự, ông Trần Văn Lộc, đại diện doanh nghiệp đang kinh doanh tại Lô 678, ô số 3 của dự án Cống hoá kênh mương cho biết: “Khi ký hợp đồng 7 năm, từ 2015 với mục đích kinh doanh nhà hàng, tôi đã xem kỹ tính pháp lý của khu đất. Sau đó, tôi lên Sở KH&ĐT xin cấp phép kinh doanh nhà hàng và được chấp thuận. Tiền thuê đất tại 3 lô đất này là 95 triệu đồng/tháng. Đến nay, nhà hàng đã đầu tư gần 8 tỷ đồng. Trước hôm bị cưỡng chế, tôi làm việc lại với chủ đất, chủ đất bảo đây là điều kiện bất khả kháng”, ông Lộc thông tin và cho biết, mong muốn tiếp tục được kinh doanh, bởi dù đầu tư lớn nhưng khấu hao đến nay chưa được 20%.Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, quản lý hoạt động hệ thống Highlands Coffee khu vực Hà Nội (thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dịch vụ cà phê Cao Nguyên) chia sẻ, Highlands Coffee thuê đất tại địa điểm nói trên trong thời hạn 5 năm (từ 2017 đến 2022) và bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 5/2017 đến nay. “Mới hoạt động nên chúng tôi chưa thu hồi đủ vốn, trong khi đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Hơn nữa, nếu bị giải tỏa thì hàng chục lao động tại đây sẽ mất việc làm”, ông Thành cho hay.
Vi phạm pháp luật nghiêm trọng |
Tại buổi giao ban báo chí do Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 22/5, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để vi phạm trật tự xây dựng tại khu đất nói trên diễn ra trong nhiều năm, ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy thông tin, qua thống kê, trong số 42 cơ sở kinh doanh, có 34 cơ sở đã dừng hoạt động, đang di chuyển địa điểm.
Theo ông Hà, hàng năm, quận vẫn xử lý các vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, thời gian qua có rất nhiều cơ sở kinh doanh hoạt động không đúng với nội dung mà Sở KH&ĐT đã cấp phép ban đầu. “UBND quận đã làm việc với các doanh nghiệp, vận động họ chuyển địa điểm kinh doanh mới cho phù hợp. Quá trình giải toả cưỡng chế, quận cũng chưa nhận phản ánh hay phản đối của hộ kinh doanh nào”, ông Hà nói.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận