Doanh nghiệp

Tìm cách kéo giảm tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài

12/10/2016, 07:39

Tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay...

12

Thị phần vận tải biển tuyến quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vẫn đạt thấp, chưa tương xứng tiềm năng - Ảnh: Thiện Anh

Thoát Danh sách đen, chủ tàu hưởng lợi

Đây là thành công vượt bậc của Đội tàu biển Việt Nam hoạt động trên các tuyến quốc tế. Theo Cục Hàng hải VN, khi thực hiện quyết liệt Đề án “Đưa đội tàu biển Việt Nam ra khỏi danh sách đen của TOKYO MOU - Hiệp định Hợp tác liên Chính phủ về kiểm tra Nhà nước cảng biển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, đội tàu biển Việt Nam từ vị trí một quốc gia có tỷ lệ lưu giữ cao nhất hàng năm đã có sự cải thiện đáng kể về vị trí trong danh sách. Đặc biệt, trong các năm từ 2012 - 2014, tỷ lệ tàu biển bị lưu giữ ở nước ngoài đã giảm từ 6,76% (53 tàu) xuống còn 3,55% (26 tàu). Năm 2015, Việt Nam chỉ còn 20 tàu bị lưu giữ ở nước ngoài, tương đương 2,77%.

Theo ông Võ Duy Thắng, Trưởng phòng An toàn - An ninh hàng hải (Cục Hàng hải VN), với tỷ lệ tàu bị lưu giữ thấp như vậy, đội tàu biển Việt Nam đã chính thức ra khỏi Danh sách đen, bỏ qua Danh sách xám và vào thẳng Danh sách trắng của TOKYO MOU từ đầu năm 2015. Việc này đã làm tăng uy tín đội tàu biển trong nước, giảm nguy cơ tổn thất tài chính và giảm ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác của các chủ tàu.

Đồng tình quan điểm, theo đại diện Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), khi uy tín đội tàu Việt Nam hoạt động trên các tuyến quốc tế tăng lên, chính các chủ tàu cũng được hưởng lợi, tần suất kiểm tra tàu cũng sẽ được giảm bớt nên sẽ tiết kiệm thời gian. Vì vậy, việc duy trì trong Danh sách trắng hoặc xám là rất cần thiết.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng gần 600 chủ tàu có tàu chạy tuyến quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có 33 chủ tàu sở hữu đội tàu có tổng tải trọng trên 10.000 tấn. Trong số 33 chủ tàu này có 25 chủ tàu thuộc các tập đoàn lớn như: Vinalines, Petro - Viet Nam, Petrolimex... Tuy nhiên, thực tế đội tàu biển Việt Nam mới chỉ đảm nhận được vận tải nội địa, còn đối với vận tải hàng xuất nhập khẩu và quốc tế mới chỉ đảm nhận được không quá 12% - quá nhỏ so với tiềm năng.

Xây dựng Đề án duy trì đội tàu trong Danh sách trắng

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công vừa chủ trì cuộc họp bàn giải pháp để duy trì đội tàu biển Việt Nam trong Danh sách trắng của TOKYO MOU. Thứ trưởng Công yêu cầu nâng cao chất lượng kiểm tra tàu. Cục Đăng kiểm VN tiếp tục thực hiện đăng kiểm tốt, không để xảy ra sai sót. Lực lượng sỹ quan phải kiểm tra thật nghiêm, kiên quyết không cho tàu ra khơi nếu chưa đáp ứng đủ các điều kiện an toàn. Các chủ tàu cũng cần giáo dục các thuyền viên chấp hành nghiêm các quy định, bảo đảm chế độ cho người lao động.

Hiện, Cục Hàng hải VN cũng đang xây dựng Đề án “Duy trì Đội tàu biển Việt Nam trong Danh sách trắng - xám của TOKYO MOU”, trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo, huấn luyện, sát hạch để đảm bảo chất lượng thuyền viên, năng lực quản lý của chủ tàu, công tác đăng kiểm, kiểm tra của các cảng vụ...

Theo ông Võ Duy Thắng, vấn đề hiện nay là làm sao để không bị tái nằm trong Danh sách đen, nhất là trong bối cảnh các chủ tàu còn khó khăn về tài chính, tiếp tục nợ nần, hoạt động vận tải biển chưa có nhiều khởi sắc... dẫn đến việc duy tu bảo dưỡng tàu không đảm bảo, cộng thêm các yếu tố an ninh trên biển nên nguy cơ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài tăng trở lại.

Còn theo ông Nguyễn Vũ Hải, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, nếu không quyết liệt các giải pháp sẽ rất dễ quay trở lại Danh sách đen. Lỗi nhiều nhất là liên quan đến tình trạng kỹ thuật của tàu. Bên cạnh đó, có nhóm liên quan đến lỗi thiết kế của tàu. Lỗi này cũng không chỉ các tàu trong nước thiết kế, mà có cả các tàu nước ngoài thiết kế như ở Nhật Bản. Ông Hải cũng đưa ra con số 22 (trên 4%) con tàu bị lưu giữ ở nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2016 đang rất lo ngại. Tuy chưa đến ngưỡng bị tái Danh sách đen, nhưng cũng cần có những giải pháp mạnh để hạn chế việc tàu biển bị lưu giữ.

Danh sách 22 tàu bị lưu giữ trong 9 tháng đầu năm 2016

Tàu Dong An của Công ty CP Hàng hải Đông Đô; Tàu Vinalines Glory của Vinalines; Tàu Great Ocean của Công ty CP Hàng hải - Dầu khí Hải Âu; Tàu Ha Trung 98 của Công ty Vận tải sông biển Hà Trung; Tàu Vinalines Ocean của Vinalines; PVT Athena của Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương; Hoang Hai 68 của Công ty Vận tải biển Hoàng Hải; Tàu Vinalines Trader của Vinalines; Tàu Dai Duong Queen của Công ty Đóng tàu Đại Dương; Tàu Royal 08 - BLC của Công ty CP Dịch vụ hàng hải phía Nam; Tàu Trung Dung 09 của Công ty Vận tải biển Trung Dũng; Tàu Thanh Cong 02 của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ vận tải biển Phú Tài; Thanh Cong 45 của Công ty Thương mại Thành Công; Hai Phong 05 của Công ty Thương mại - Vận tải Hải Phòng; Nam Phuong 02VT của Công ty Nam Thịnh; Aquamarine của Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế; Minh Trương 08 của Công ty CP Vận tải và Thương mại Minh Tuấn; Thu Bon 01 của Công ty CP Thương mại vận tải biển Thu Bồn; Tan Binh 139 của Công ty Tân Bình; Vissai VCT 02 của Công ty CP Viet Cement Terminal; Dai Duong Queen của Công ty Đóng tàu Đại Dương; Vosco Sunrise của Công ty CP Vận tải biển Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.