Tín dụng đổ vào bất động sản tăng 38,4% so với năm 2016 . Ảnh minh hoạ |
Tín dụng tăng nhanh vào bất động sản
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Cụ thể, đến ngày 25/5, tín dụng tăng 6,53% so với cuối năm 2016. Ngân hàng Nhà nước đánh giá, đây là mức tăng cao so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 5%, cùng kỳ năm 2015 tăng 4,5%).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng đổ vào bất động sản vẫn tăng mạnh, tới 38,4% so với cuối năm 2016.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), có hai nguyên nhân dẫn đến mức tăng trưởng cao như trên. Đó là trong những cuộc họp từ cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải xem xét đẩy mạnh vốn cho vay hỗ trợ nền kinh tế trải đều ra các tháng, tránh tình trạng chỉ tập trung dồn vốn cho các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó là một số ngân hàng sau khi đã tạm “yên tâm” với công tác xử lý nợ xấu của mình trong năm 2016 cũng mạnh dạn tăng cường cho vay trở lại nhằm tăng thị phần cũng như tăng doanh thu, lợi nhuận.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, không có tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào những tháng cuối năm như những năm trước; và mặt bằng lãi suất được giữ ổn định đã đáp ứng tốt cho nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực tiêu dùng quý I/2017 với mức tăng khoảng 29,7% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4% so với cuối năm 2016, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng (cuối năm 2016 chiếm 49,5%).
Bên cạnh đó, một số phân tích cho rằng, thời gian qua đất vùng ven TP. HCM không chỉ tăng giá mạnh mà giao dịch còn diễn ra mạnh mẽ với khối lượng lớn. Do đó, một lượng tiền từ ngân hàng hút vào đây là hoàn toàn có thể.
Ngân hàng Nhà nước sẽ nới chỉ tiêu tín dụng?
Trở lại với câu chuyện tín dụng tăng khá tốt ngay từ đầu năm, câu hỏi đặt ra là nếu tín dụng duy trì đà tăng nhanh như hiện tại thì liệu mức trần tín dụng (18% cho năm nay) có bị vượt qua và nếu vượt qua Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý như thế nào? Theo BVSC, kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra khi xét theo yếu tố mùa vụ thì các năm gần đây, dư nợ tín dụng trong hai quý cuối năm luôn có mức tăng vượt trội (thậm chí đạt hơn 2-3% trong các tháng 11 và 12).
Đối với các Ngân hàng thương mại đã “chót” cho vay nhiều trong 5 tháng đầu năm sẽ đối mặt với hai khả năng: xem xét hãm bớt đà tăng trưởng, siết lại hoạt động cho vay trong ba quý còn lại để vẫn nằm trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước chấp thuận từ đầu năm (đặc biệt đối với nhóm các ngân hàng tốp đầu có quy mô cho vay lớn); hoặc các ngân hàng này có thể sẽ xin Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên mức cao hơn.
Theo đánh giá của BVSC, nhìn tổng thể, diễn biến kinh tế vĩ mô đang có những điều kiện thuận lợi để cơ quan điều hành tiếp tục nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, đặc biệt rủi ro lạm phát đã giảm đi đáng kể sau khi chỉ số CPI lao dốc trong tháng 5 vừa qua.
Bên cạnh đó, diễn biến tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD cũng khá bình ổn bất chấp các thông tin liên quan đến nhập siêu.
“Chúng tôi cho rằng trước áp lực phải hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét nới trần tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống trong năm nay thêm khoảng 1-2%, lên mức 19-20%”, BVSC dự báo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận