Tố cáo qua email |
Trong khi một số nước trên thế giới công khai, minh bạch tiếp nhận những nguồn tin tố giác tội phạm, tin khiếu nại, tố cáo qua các hình thức công nghệ thông tin như thư điện tử, điện thoại hoặc chỉ cần có thông báo, họ giải quyết ngay thì chúng ta vẫn đang băn khoăn về việc này.
Xét cho cùng, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, trong thời điểm ai ai cũng nhắc đến cách mạng công nghiệp 4.0, việc từ chối tiếp nhận tố cáo qua thư điện tử không được hợp lý.
Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền là tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật từ công dân, qua bất cứ hình thức nào, sau đó mới phân loại, xác minh và quyết định có giải quyết tố cáo đó hay không. Nếu xác minh tin tố cáo không có cơ sở, lại là đơn nặc danh thì có thể không giải quyết. Còn đơn dù nặc danh nhưng có cơ sở vẫn cần được xem xét, vì thực tế rất nhiều người lo sợ bị trả thù, không dám đứng chính danh. Quyền được giấu tên khi tố cáo cũng là một quyền của công dân cần được ghi nhận.
Thời đại phát triển, chúng ta cũng phải tiên tiến hơn. Nếu chỉ nhận tố cáo bằng đơn hoặc trực tiếp thì cũng có khó dễ cho công dân muốn tố cáo, từ đó người ta có thể “ngại” và chúng ta mất đi một nguồn tin tố cáo tiêu cực.
Ví dụ, tôi ở TP.HCM, tôi muốn tố cáo một người ở Hà Nội thì làm đơn hay gặp trực tiếp đều rất mất thời gian và phương án gửi tố cáo qua thư điện tử là một xu hướng thích hợp. Cơ quan có thẩm quyền sau khi xem xét có thể xem đây là cơ sở, chứng cứ cho việc giải quyết tố cáo.
Thông tin trên internet, mạng xã hội hiện nay là nguồn tin vô cùng phong phú và nhanh nhạy. Nếu biết tiếp nhận, phân loại, xử lý những thông tin này chúng ta sẽ có rất nhiều nguồn tin tham khảo trong chống tiêu cực. Còn nếu chặn ngay từ đầu bằng việc không tiếp nhận tố cáo qua thư điện tử, tức là chúng ta làm “tắc” nguồn tin ngay từ ban đầu. Như vậy, công tác chống tham nhũng liệu có hiệu quả?
Vì không có nguồn lực? Tôi cho rằng, chúng ta có đủ. Thông tin tố cáo về hình sự đã có cơ quan công an, tố cáo về tham nhũng đã có cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, để bộ phận của cơ quan quản lý đó xem đúng hay không rồi giải quyết.
Vì khó kiểm soát? Tôi cho rằng không khó. Chúng ta có thể kiểm soát được. Như trước kia quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm ai cũng nói khó thực hiện, khó giám sát, nhưng khi ra quy định thì chỉ một thời gian đã “đâu vào đấy”. Vậy, tại sao chúng ta chưa làm cứ kêu khó?
Tôi nghĩ nên mở rộng hình thức tố cáo, chỉ cần có thêm quy định ràng buộc đi kèm. Đây đã là thực tế trong xã hội thì luật không thể không điều chỉnh, chưa kể việc theo nguyên tắc, luật phải luôn “đi trước đón đầu”, lường trước được các tình huống sẽ xảy ra trong cuộc sống.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận