Thời sự

Tọa đàm: Cách nào đổi mới quản lý kinh doanh vận tải khách?

02/06/2017, 14:16

Làm rõ những thông tin mới nhất sửa đổi Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô...

unnamed

Chiều 2/6, tọa đàm trực tuyến Đổi mới quản lý kinh doanh vận tải khách diễn ra tại Báo Giao thông với các khách mời đến từ Bộ GTVT, CSGT, Hiệp hội vận tải và các doanh nghiệp taxi, vận tải khách liên tỉnh...

Tại tọa đàm, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết những điểm mới nhất trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải ô tô; khẳng định chủ trương sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải theo hướng cải cách thủ tục nhưng siết chặt tiêu chuẩn, quản lý an toàn.

Các khách mời thảo luận về các vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều như Cách nào quản lý xe hợp đồng, xử lý xe khách trá hình, xe dù, bến cóc; Quản lý Uber, Grab, taxi... Nên hay không bổ sung quy định về các hành vi vi phạm buộc phải rút giấy phép kinh doanh (các vi phạm nghiêm trọng như lập bến trái phép; liên tục vi phạm luồng tuyến, dừng đỗ được thiết bị giám sát hành trình ghi lại; có tỷ lệ các chuyến chạy cùng lịch trình trên 70%...).

Khách mời tham gia tọa đàm gồm:

1. Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT

2. Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng - Vụ Vận tải Bộ GTVT

3. Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

4. Ông Trần Văn Trường – Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT

5. Ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội.

6. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội

7. Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN

8. Ông Nguyễn Trí Dũng – TGĐ Công ty CP xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines

Quý vị độc giả có câu hỏi muốn gửi tới các khách mời xin gửi email về địa chỉ bandoc@baogiaothong.vn hoặc gửi vào phần bình luận ngay dưới bài viết.

DSC_1379

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chủ trì buổi toạ đàm trực tuyến. Ảnh: Tạ Tôn

Sửa quy định về vận tải, người dân cũng quan tâm, góp ý

Thưa Thứ trưởng, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT phải hoàn thiện ngay để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ GTVT đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ như thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hiện nay, vận tải đường bộ vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu các phương thức vận tải tại Việt Nam. Trong vận tải đường bộ, vận tải hành khách là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm.

Gắn liền với vận tải hành khách có rất nhiều vấn đề, trong đó có hạ tầng, tổ chức… Thời gian qua, Bộ GTVT, các Bộ, ngành địa phương đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, nên cả hạ tầng và tổ chức vận tải đều có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít bất cập và còn xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến vận tải khách, gây tổn thất về người và của.

Như chúng ta biết, vận tải hành khách là loại hình kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, trong quản lý nhà nước phải có luật, dưới luật là nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện. Hiện nay, chúng ta đã có Nghị định 91, Nghị định 93 và tiếp tục sửa đổi, thay thế bằng Nghị định 86. Nghị định 86 được ban hành năm 2014, qua gần 3 năm triển khai cũng bộc lộ một số bất cập và đang tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho hợp lý hơn.

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao nghị định vừa được thực hiện lại phải sửa đổi. Tôi xin chia sẻ thêm, ở tất cả các nước đang phát triển, kể cả các nước đã phát triển, họ vẫn thường xuyên phải cập nhật lại để xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý phù hợp, phản ánh sát với thực tế và hoạt động hiệu quả hơn.

Thời điểm năm 2008, chúng ta nhìn nhận chỉ có 5 loại hình vận tải khách đường bộ gồm: taxi, xe buýt, vận tải khách du lịch, vận tải theo hợp đồng, vận tải tuyến cố định. Tuy nhiên, tất cả các loại hình trên về bản chất vẫn là vận tải hành khách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Chúng tôi cũng tìm hiểu công tác vận tải khách ở nhiều nước trên thế giới. Ở hầu hết các nước, lúc đầu họ cũng như chúng ta, nhưng sau một thời gian phát triển, khi hành lang pháp lý của họ chặt chẽ hơn, kết cấu hạ tầng không phải gồng mình trước lượng hành khách quá lớn như ở ta, người ta phải thay đổi, có những nước chỉ còn taxi, buýt, tàu điện, mà không còn vận tải tuyến cố định hay hợp đồng nữa.

Nói riêng Nghị định 86, về điều kiện kinh doanh vận tải, quá trình thực hiện, có những mặt được và những mặt chưa được. Trước sự phát triển ngày càng cao của xã hội, nhiều vấn đề quy định tại Nghị định không còn phù hợp với thực tiễn. Chúng ta phải thừa nhận, nhiều khi sự phát triển của xã hội nhanh hơn các quy định tại các văn bản pháp luật. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao Bộ GTVT sơ kết việc thực hiện Nghị định 86. Từ thực tiễn đưa ra giải pháp để xử lý, sửa đổi những vấn đề mà xã hội quan tâm. Trên cơ sở kết quả đánh giá, sơ kết để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, sát với thực tế cuộc sống.

DSC_1365ok

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: "Chúng ta phải thừa nhận, nhiều khi sự phát triển của xã hội nhanh hơn các quy định tại các văn bản pháp luật". Ảnh: Tạ Tôn

Thời gian qua, Bộ GTVT đã sơ kết, đánh giá và tổ chức nhiều cuộc hội thảo ở 3 miền để lấy ý kiến rộng rãi, đồng thời mời các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước tham gia góp ý. Nhiều hội nghị góp ý còn có cả những người dân bình thường đến dự và đưa ra ý kiến góp ý trực tiếp. Sau khi sơ kết và tập hợp ý kiến, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cho phép sửa đổi Nghị định.

Sau khi Chính phủ đồng ý, Bộ GTVT tiến hành thành lập Ban soạn thảo, biên tập để xây dựng dự thảo. Về quy trình, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến, đóng góp trực tiếp, đăng trên trang điện tử của Bộ.

Chưa nghị định nào chúng tôi nhận được nhiều ý kiến tham gia như sửa đổi Nghị định 86 lần này. Là cơ quan soạn thảo, chúng tôi nghiêm túc tiếp thu tất cả những ý kiến này, đồng thời phân nhóm các vấn đề để nghiên cứu, sửa đổi. Tất cả ý kiến đóng góp đều được tiếp thu và phân nhóm. Về căn cứ, chúng tôi bám sát vào hành lang pháp lý và các quy định hiện hành, trong đó có Luật Giao thông Đường bộ 2008 và một số luật liên quan như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã,... để bổ sung dự thảo Nghị định. Một số ý kiến đóng góp vượt quá quy định như Luật Giao thông Đường bộ chưa cho phép, phải sửa đổi từ luật mới có thể đưa vào được, chúng tôi tiếp thu nhưng chưa thể đưa ngay vào sửa đổi lần này.

Mới nhất, Bộ GTVT đã có Văn bản số 3508 ngày 5/4/2017 gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo sửa đổi Nghị định 86; Sau đó, ngày 12/4/2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp hội đồng thẩm định và đã có văn bản thẩm định Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô.

Tiếp đó, ngày 19/4/2017, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 4195 trình Chính phủ và gửi kèm theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các báo cáo liên quan.

Xe hợp đồng không chấp nhận sử dụng nhiều hợp đồng

Là đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 86, xin ông cho biết những điểm mới được sửa đổi về điều kiện kinh doanh xe hợp đồng?

Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải: Từ năm 2008 trở lại dây, chúng ta đã liên tiếp có 3 Nghị định 91, 93, 86 và sắp tới sẽ sửa đổi Nghị định 86 nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này. Mục tiêu là nhằm tạo ra môi trường kinh doanh vận tải minh bạch và thuận lợi, rạch ròi từng loại hình và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thời gian qua, báo chí cũng quan tâm đến 2 vấn đề xe dù bến cóc, và ứng dụng quản lý xe 9 chỗ ngồi.

Về xe dù bến cóc, hiện nay đã có nhiều chế tài, song thực tế lĩnh vực này cho thấy cần bổ sung quy định để quản lý chặt hơn nữa.

Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT)

Xe hợp đồng, theo định nghĩa của Luật GTĐB thì xe hợp đồng không theo tuyến cố định. Xe tuyến cố định, là chạy từ bến đến bến, có quy hoạch từ trước. Song hiện nay, xe chạy tuyến cố định có hiện tượng lách quy định bằng cách trên xe in sẵn nhiều hợp đồng, khi hành khách lên xe sẽ ghi tên của người đó vào.

Vì vậy dự thảo nghị định bổ sung quy định hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Một chuyến xe, chỉ được ký kết 1 hợp đồng.

Nội dung này đang được quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT.

Bởi nếu như trên một xe 50 chỗ có 50 hợp đồng thì xe ấy khác gì xe tuyến cố định bán vé. Điều này không phù hợp. Khi khách có nhu cầu đi cả gia đình, thì người ta thuê xe hợp đồng và có quy định, thoả thuận rõ về những yêu cầu của chất lượng dịch vụ. Vì vậy, Ban soạn thảo quy định rõ hơn xe hợp đồng là xe có một hợp đồng. Nếu chúng ta không cương quyết thì sẽ có hiện tượng lách luật, dẫn đến tình trạng 1 xe có tới 50 hợp đồng.

Đối với xe hợp đồng từ 8 chỗ trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng phải có thông tin đến Sở GTVT về hợp đồng. Trước đó, quy định xe trên 10 chỗ mới cần báo cáo thông tin về hành trình, tuy nhiên do có hiện tượng nhiều nhà xe đã lách luật, tháo bớt ghế, vì vậy dự thảo quy định xe 8 chỗ trở lên đã phải thực hiện.

Dự thảo nghị định mới bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố); Quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau; không được ấn định hành trình, lịch trình cố định để phục vụ cho nhiều người thuê vận tải khác nhau để chống xe dù, bến cóc.

Xe hợp đồng cũng giống như xe taxi, đưa đón theo nhu cầu của khách. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với những khu vực có mật độ xe dày vì có thể ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, có quy định rằng bổ sung quy định xe hợp đồng được đón, trả khách tại các vị trí không cấm dừng, đỗ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để xác định và công bố các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng tại các đầu mối giao thông, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu dân cư, các địa điểm văn hóa, thể thao, du lịch, trung tâm thương mại, các khu nghỉ dưỡng hoặc chữa bệnh và trên các tuyến đường trong khu vực nội thành, nội thị thuộc các đô thị; quy định về tiêu chí và tổ chức, quản lý các vị trí đón, trả khách cho xe hợp đồng trên địa bàn.

Trong dự thảo cũng điều chỉnh một số quy định về xe hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử: Hiện nay nhiều người gọi xe sử dụng hợp đồng điện tử như Uber, Grab, Vinasun, Mai Linh… là taxi điện tử nhưng chưa chính xác. Bản chất dịch vụ Uber, Grab vào là phần mềm kết nối cung cầu dễ dàng, thuận lợi. Phần mềm công nghê này giúp tỷ lệ xe chạy có khách 90%, trong khi đó taxi truyền thống tỷ lệ có khách 50%; mặt khác hành khách có thể kiểm soát thông tin về xe đảm bảo đi lại cho trẻ em hoặc trong trường hợp mất đồ. Trong Luật GTĐB quy định xe taxi là chạy theo nhu cầu của khách, xe chạy theo đồng hồ tính tiền. Điều này khác với xe được ký kết theo hợp đồng điện tử.

Vấn đề đặt ra là giữa các loại hình này có cạnh tranh bình đẳng không? Tôi xin khẳng định, không có gì là bất bình đẳng bởi trước khi Uber, Grab thì các loại hình này đã có mặt trên thị trường. Xe hợp đồng không thể chuyển sang taxi nhưng xe taxi có thể chuyển sang hợp đồng.

Vấn đề chúng ta băn khoăn là xe sử dụng phần mềm kể trên có đóng thuế không? Bộ Tài chính cũng đã có quy định, hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong dự thảo nghị định sửa đổi NĐ 86, xe hợp đồng sẽ sử dụng hợp đồng điện tử.

Với xe buýt, dự thảo Nghị định quy định UBND tính toán và quy định tần suất thời gian/chuyến để phù hợp với điều kiện cụ thể với từng địa phương thay vì quy định cứng 30 phút/chuyến như hiện nay.

Ban soạn thảo cũng bổ sung quy định Sở Giao thông vận tải thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để phối hợp quản lý.

Xe dù bến cóc, trốn thuế phải xử nghiêm, chính quyền nói không biết là không được

Trong quá trình thực hiện Nghị định 86, đâu là những mặt chưa được và không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho doanh nghiệp cần sửa đổi? Xin mời đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam.

Ong Nguyen Van Thanh - CT Hiep hoi van tai o to VN

Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN: Như Thứ trưởng Nguyễn Đình Thọ đã nói, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định 86, dư luận xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô rất quan tâm.

Hiệp hội vận tải ô tô cũng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu dự thảo và kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi. Bản kiến nghị mà Hiệp hội đã gửi tới gồm 23 vấn đề. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ cần ban soạn thảo xem xét một số trong số 23 kiến nghị đó thì những bất cập sẽ được giải quyết ngay. Do thời gian có hạn nên tôi chỉ xin trình bày 2 nội dung chính.

Thứ nhất, vấn đề xe hợp đồng trá hình. Có thể nói đây là vấn nạn nhức nhối xảy ra trên phạm vi cả nước, diễn ra trong nhiều năm mà chúng ta chưa giải quyết được.

Tất nhiên, tôi đồng tình với ý kiến anh Trần Bảo Ngọc, là trong thông tư đã làm rõ hơn xe hợp đồng là xe có một hợp đồng. Nếu chúng ta không cương quyết thì sẽ có hiện tượng lách luật.

Nhưng tôi cho rằng có thể đi theo hướng quản lý khác như Thứ trưởng Thọ đã nêu rất hay, chúng ta có 5 loại hình rồi mà chẻ ra thì nó phức tạp, nếu gộp vào thì cũng có vấn đề. Theo tôi, quy định càng đơn giản bao nhiêu thì càng dễ quản lý, thanh tra kiểm tra và thực thi dễ bấy nhiêu.

Hai là, lâu nay ta chúng thấy xe hợp đồng trá hình là vấn nạn, tìm cách “trói” lại xử lý nghiêm, đưa ra Nghị định 91, Nghị định 93 rồi Nghị định 86 bổ sung nhiều quy định nhưng rồi vẫn không giải quyết được. Hiện nay đã phát sinh ra nhiều hình thức xe hợp đồng trá hình, xe hợp đồng du lịch nhưng chạy như tuyến cố định, nay còn thêm Limousine rồi Uber nữa, chạy như tuyến cố định.

Yêu cầu của người dân ngày càng cao hơn, người ta không chấp nhận vào bến xe mua vé, nhưng tôi phản đối việc người dân đứng dọc đường bắt xe. Ai phản ánh nhồi khách, bắt khách, tôi hỏi ngay: ‘Vậy anh có vào bến mua vé không?”.

Nhưng với xe hợp đồng, nó đáp ứng được yêu cầu cao của người dân mà ta tìm cách “trói” lại. Phải có cách chuyển về cho Sở GTVT quản lý. Rất nhiều doanh nghiệp người ta thắc mắc Sở GTVT có quản được không, đưa về làm gì? Cần tìm ra hướng những loại hình vận tải nào phục vụ được hành khách hàng ngày một tốt hơn, thuận tiện hơn, văn minh hơn thì tạo điều kiện cho nó phát triển. Theo hướng đó thì sẽ gọn đi, như vậy đòi hỏi xe chạy tuyến cố định và xe hợp đồng phải cạnh tranh chất lượng dịch vụ, giá cả, chất lượng cao, giá cước lớn nhưng không ai phàn nàn.

Theo tôi phải làm theo hướng như thế mới giải quyết được tận gốc xe trá hình chứ không phải cứ luẩn quẩn. Anh vẫn trốn lậu thuế, vẫn có bến cóc xe dù thì phải xử nghiêm. Chứ lâu nay ta chưa xử nghiêm minh. Chính quyền nói không biết gì là không được. Chúng tôi đề nghị là như vậy, rút kinh nghiệm lần sau sửa luật cần sắp xếp gọn loại hình vận tải lại, theo hướng văn bản pháp luật chứ không phải hạn chế loại hình để phục vụ tốt hơn.

Phải quản lý được thuế, hoạt động của Grab, Uber

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN: Nội dung thứ hai là với Uber, Grab, đó là việc người ta áp dụng CNTT, công nghệ cao vào kinh doanh vận tải, ta không ngăn cấm và cũng đừng có ngăn, nhưng vấn đề là phải hướng nó như thế nào để nó phục vụ mục đích. Đó là là kinh tế chia sẻ chứ không phải taxi, nhưng thực sự nó là taxi, chỉ khác mỗi cái là ở hợp đồng. Mà tôi thấy nó văn minh, khách hàng phấn khởi, người dân được lợi vì nó công khai, minh bạch. Thực tế Uber, Grab xuất hiện đã chia sẻ và góp phần hạn chế xe cá nhân, tận dụng phương tiện nhàn rỗi trong dân và hình thành một lại hình vận tải, chứ không phải kinh doanh trên thông tin điện tử.

Hiện số lượng hai loại này gấp đôi xe truyền thống. Nếu hạn chế, người lao động không được bảo vệ mà đến nay nhiều người có dấu hiệu phá sản vì trót vay tiền mua xe giờ không được chạy. Anh em taxi truyền thống nói Uber, Grab trốn thuế lớn, cạnh tranh bất bình đẳng là chỗ này, họ giảm giá nhiều, đưa ra nhiều chiêu khuyến mại... Tôi không bảo vệ taxi truyền thống vì taxi truyền thống có nhiều khuyết tật buộc phải đổi mới.

Ở Nghị định 86, ta đưa vào nhưng ở chừng mực nào đó, phải kiểm tra. Phải quản lý được thuế, doanh thu phải quản lý được. Các doanh nghiệp hiện chỉ kiến nghị điều kiện kinh doanh bình đẳng, đừng có hạn chế nhau, hạn chế taxi truyền thống thì phải hạn chế Grab, Uber, hạn chế xe vào bến thì phải hạn chế xe hợp đồng, không phải bên dễ dãi bên khắt khe.

Bộ Tài chính có trả lời Hiệp hội một văn bản về thuế nhưng chúng tôi không đồng tình. Nhưng ở chừng mực nào đó, Bộ Tài chính thiếu trách nhiệm trong việc này. Cuối cùng, chúng tôi chỉ mong các doanh nghiệp vận tải, các loại hình vận tải nên nghiên cứu lại gọn lại, các điều kiện kinh doanh rõ ràng mạch lạc, minh bạch hơn, đừng thủ tục phức tạp quá, đồng thời bình đẳng về các ràng buộc tiêu chuẩn, đặc biệt thuế.

Khuất duy tiến

Xe hợp đồng Limousin chạy tuyến cố định đang ngày càng nở rộ. Ảnh: Tạ Tôn

Nếu trốn thuế mà bị phát hiện sẽ rút giấy phép ngay

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh. Loại hình nào cũng vậy, kể cả taxi hay xe buýt,…mục đích cuối cùng đều để phục vụ và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Một kinh nghiệm trong vận tải hành khách tại Đức mà chúng ta phải suy nghĩ và lưu tâm: Trước đây, khi người ta phát triển xe ngựa, đồng thời phát triển phương tiện, người ta đã nghĩ đến chuyện: con đường đi như thế nào, cự ly bao nhiêu thì phải có điểm dừng nghỉ. Từ xe ngựa, họ quy định 10 km phải có điểm dừng nghỉ; Đến vận tải ô tô, họ quy định khoảng 60-70km tuỳ cung đường phải có điểm dừng đỗ đón trả khách. Kể cả xe buýt trong thành phố, người ta cũng quy định phải có điểm dừng, đỗ. Khi đã quy định điểm dừng đỗ, các phương tiện vận tải hành khách đều có thể dừng đỗ tại đó và hành khách có thể lựa chọn tuỳ ý. Trong đó, tính kết nối rất quan trọng trong quy định về điểm dừng đỗ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, vấn đề hiện nay là chúng ta rất khó khăn trong việc bố trí điểm dừng đỗ, nhất là tại các đô thị. Kể cả trên cao tốc hay quốc lộ vẫn còn nhiều điểm dừng đỗ chưa phù hợp. Tại các đô thị, ở hầu hết các tuyến đường, khi xe buýt dừng đỗ, đường chỉ có 2 làn thì xe buýt đã chiếm hết một làn đường rồi, thêm người lên xuống nữa nên vô tình gây ùn tắc. Tôi nghĩ, điểm dừng đỗ là vấn đề quan trọng. Chúng ta phải ưu tiên, giành hẳn quỹ đất để xây dựng điểm dừng đỗ cho các phương tiện. Do đó, khi đầu tư các dự án, phải tính trước việc bố trí các điểm dừng đỗ, cho các phương tiện vận tải hoạt động hiệu quả nhất. Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo để nghiên cứu, giải quyết vấn đề này.

Khi quản lý một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách, ngoài kinh doanh, hạ tầng, phương tiện, chất lượng dịch vụ còn vấn đề trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước. Lâu nay, việc quản lý tài chính của chúng ta giữa taxi truyền thống và Uber, Grab chính là vấn đề quản lý về trách nhiệm đóng góp cho nhà nước. Vấn đề này còn mập mờ gây tranh cãi.

Tới đây, chúng tôi đang tính tới việc phối hợp với Bộ Tài chính để quản lý hiệu quả hơn.

Không chỉ Uber, Grab mà tất cả loại xe ứng dụng công nghệ đều phải đăng ký kinh doanh. Các cơ quan chức năng không thể tuần tra xử phạt liên tục, nhưng khi phát hiện được các đối tượng này vi phạm, phải xử phạt nặng. Hiện chúng ta còn đang xử lý chưa thật mạnh tay, chưa đủ sức tính răn đe. Nếu trốn thuế mà bị phát hiện sẽ rút giấy phép ngay.

Sử dụng nhiều biện pháp giám sát xe hợp đồng

Khi tòa án Quận 5 (TP.HCM) yêu cầu Sở GTVT TP.HCM cung cấp dữ liệu về chuyến đi, hành khách của một doanh nghiệp (cụ thể ở đây là Công ty Thành Bưởi) để cơ quan thuế xem xét doanh nghiệp có trốn thuế hay không thì doanh nghiệp cho rằng đây là những thông tin không thể công khai. Xin hỏi, các dữ liệu này có được phép sử dụng để phục vụ công tác quản lý, xác định doanh nghiệp có trốn thuế hay không, có đi đúng hành trình hay không, có chở đúng số lượng khách hay không, có cần cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông để giám sát không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Tôi cho rằng đây là công việc bình thường. Ở đây chúng ta phải xác định có những nguyên tắc mà doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện. Khi đã tham gia doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách, anh phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện, quy định của pháp luật để cơ quan quản lý, kiểm soát. Chẳng hạn TBGSHT chính là công cụ, điều kiện để chúng ta quản lý. Dữ liệu này được trích xuất để cơ quan quản lý nhà nước giám sát mọi hoạt động của phương tiện. Hiện nay những điều chưa quy định thì tới đây, chúng ta cần nghiên cứu các điều kiện khác để quy định, có thể là cả trích xuất thuế, hợp đồng… để kiểm tra, kiểm soát xem doanh nghiệp có thực hiện đúng, đầy đủ các điều kiện kinh doanh hay không. Tôi nhấn mạnh, đây không phải là cơ chế phối hợp mà là công cụ cần phải thực hiện. Trong các Nghị định, Thông tư chúng ta đều đề cập đến điều này.

Ví dụ, hiện chúng ta đã có những quy định rất cụ thể về bảo hiểm, hợp đồng đều đã được quy định tại Luật Bảo hiểm, Luật Lao động về vấn đề này rồi. Còn Nghị định 86 là điều kiện kinh doanh vận tải nên chúng ta không đưa vào một số điều kiện mà các luật khác đã quy định mà đương nhiên các doanh nghiệp buộc phải thực hiện.

Hà Nội đang sẽ xử nghiêm cá nhân thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm vận tải

Về quản lý xe hợp đồng, loại bỏ xe dù bến cóc, Sở GTVT Hà Nội có ý kiến gì không?

Nguyễn Tuyến - Pho truong phong QLVT

Ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội

Ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội: Trước tình trạng xe dù bến cóc, xe khách trá hình diễn biến phức tạp, TP Hà Nội đã yêu cầu Sở GTVT thực hiện các biện pháp xử lý triệt để.

Về cơ chế chính sách, chúng tôi tích cực phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ GTVT) để sửa đổi bổ sung một số quy định trong Nghị định thay thế Nghị định 86.

Chúng tôi đề xuất khi điều chỉnh quy hoạch hành trình các tuyến vận tải thì tránh đi qua các khu vực nhạy cảm.

Ví dụ: Chúng tôi đề xuất Bộ GTVT, một số các xe các chạy từ các tỉnh, TP phía Nam đi các tỉnh Tây Bắc tránh đi qua đường cầu Thanh Trì, qua khu vực Mỹ Đình đi cầu Thăng Long mà đi cầu Đông Trù.

Khi phân tích nguyên nhân chủ quan thì có một bộ phận thiếu ý thức trách nhiệm hoặc xử lý chưa nghiêm, Sở GTVT đang xây dựng để báo cáo Thành phố xây dựng cơ chế trách nhiệm để xử phạt, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6.

Chúng tôi cũng đề xuất UBND Thành phố triển khai hệ thống giao thông thông minh, lắp các camera tại các tuyến đường trọng điểm làm cơ sở xử phạt nguội.Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng đến các việc làm để tạo điều kiện cho hành khách đi lại thuận tiện bằng cách kết nối các bến xe bằng tuyến buýt, cho phép hành khách mang hành lý cồng kềnh hơn so với quy định hiện nay tại Thông tư 63. Hiện nay, Bộ đã đồng ý cho tuyến 21B từ Mỹ Đình - Giáp Bát và nước ngầm được phép như vậy.

Nhân đây tôi cũng xin đề xuất tạo điều kiện cho phép chúng tôi triển khai diện rộng trên các tuyến buýt kết nối bến xe, nhà ga.

Để mang lại tâm lý thoải mái cho hành khách khi đến bến, chúng tôi đề xuất có phòng chờ, wifi, bến xe tạo điều kiện cho hành khách kết nối dễ dàng với taxi, xe buýt.

Đối với các đơn vị vận tải tuyến cố định chúng tôi yêu cầu đầu tư phương tiện, cải thiện thái độ của nhân viên, lái xe với khách, nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều này lý giải vì sao có những chuyến xe rất đông khách, khách sẵn sàng chờ đợi, xếp hàng để được lên như Việt Thanh. Trong khi các xe khách cùng tuyến không có khách.

Hiện chúng tôi cũng tiến hành tuyên truyền để người dân ý thức được việc tại sao nên vào bến để lên xe trong khi không nên đón trả khách giữa đường.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường quản lý, tích cực xử lý qua phần mềm cảnh báo, thiết bị giám sát hành trình một số hành vi vi phạm như dừng đỗ sai quy định, chạy quá tốc độ…, mỗi tháng hàng trăm trường hợp. Nhờ đó, số lượng vi phạm đã giảm.

Tuy nhiên, với thiết bị giám sát hành trình, chúng tôi cũng đề nghị nghiên cứu thêm phần mềm để làm sao giám sát được hành trình phương tiện, để cảnh báo cơ quan quản lý nhà nước về các xe chạy sai hành trình, luồng tuyến. Thời gian qua có hiện tượng các xe chạy từ phía Nam lên bến xe Mỹ Đình sai hành trình, luồng tuyến. Nếu chúng ta có phần mềm cảnh báo sẽ dễ dàng xử lý nghiêm.

Xây dựng phần mềm để đối chứng, xử phạt xe vi phạm

Việc công khai số liệu thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT) xe khách để người dân biết hiện được thực hiện ra sao, thưa bà?

ba Hien

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Hiện nay, hệ thống giám sát của Tổng cục Đường bộ VN thực hiện giám sát hơn 586 nghìn phương tiện. Tới nay cũng đã công khai dữ liệu xử lý vi phạm. Cụ thể, hàng tháng đều có thông tin về xử lý vi phạm, mức độ vi phạm của từng địa phương, địa bàn nào vi phạm nhiều nhất...

Liên quan tới giám sát xe hợp đồng, trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN sẽ xây dựng phần mềm để đối chứng với dữ liệu TBGSHT, làm cơ sở đưa ra chế tài xử phạt. Cố gắng thực hiện theo phương thức xử phạt nguội bởi như chúng ta đã biết hiện lực lượng thanh, kiểm tra có hạn. Ngoài TBGSHT là công cụ giám sát xử lý vi phạm, còn có hệ thống camera giám sát vi phạm trên các tuyến đường, thực hiện nghiêm ngặt việc cân kiểm soát tải trọng cố định… Đấy là những nỗ lực hướng tới việc xử lý vi phạm công khai, minh bạch.

Theo bà, nên lắp camera giám sát trên các tuyến đường hay trên xe?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Trong thời gian tới, đơn vị quản lý đường bộ, CSGT cần tăng cường lắp camera giám sát trên các tuyến đường. Về phía DN, chúng tôi khuyến khích triển khai hoạt động lắp camera giám sát cho các phương tiện của mình. Việc này chưa đưa vào quy định vì còn cân nhắc đến khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Hiện nay, vẫn còn nhiều DN mới chỉ thực hiện giám sát chất lượng dịch vụ vận tải bằng con người, cử cán bộ thanh tra trên tuyến. Nếu lắp camera giám sát thì tốt hơn rất nhiều.

Không nên phân biệt xe cố định hay hợp đồng

Là doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì với cơ quan quản lý, đóng góp sửa đổi Nghị định 86 lần này?

Ông Nguyễn Trí Dũng – TGĐ Công ty CP xe khách Phươ

Ông Nguyễn Trí Dũng – TGĐ Công ty CP xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines

Ông Nguyễn Trí Dũng – TGĐ Công ty CP xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines: Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên kinh doanh vận tải theo hình thức tuyến cố định. Không chỉ Phương Trang, mà tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định, rất ủng hộ sửa đổi các quy định để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Theo đó, thay vì chỉ xử phạt lái xe như hiện nay thì phải xử phạt các doanh nghiệp vận tải. Đây là xử lý cái gốc chứ không phải chỉ xử lý các lái xe điều khiển phương tiện.

Về xử lý trốn thuế, tôi rất đồng ý các ý kiến chúng ta vừa trao đổi. Vì nếu ta không làm được việc này, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng.

Về quản lý tuyến cố định và xe dù bến cóc, thời gian vừa qua cũng có nhiều vấn đề đặt ra, được dư luận quan tâm, nhất là nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh hơn. Và việc điều chỉnh là cần thiết để phù hợp với sự từng giai đoạn phát triển.

Theo tôi cần áp dụng công nghệ mới có thể giải quyết được bản chất vấn đề. Bất kể kinh doanh bằng loại hình gì, các xe vẫn cần lắp định vị GPS, lắp thêm camera để nâng cao khả năng quản lý. Đây là cơ sở để chúng ta tiến tới liên thông giữa bộ GTVT, Bộ Tài chính để quản lý doanh thu, để đảm bảo các chế độ chính sách, nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh bình đẳng, đảm bảo nộp đầy đủ, không ai trốn thuế.

Chúng tôi là doanh nghiệp chuyên hoạt động theo tuyến cố định, chịu đủ các loại thuế, phí. Trong khi đó, với việc lách luật bằng xe hợp đồng, xe đó có thể vào thành phố lấy khách khắp nơi nhưng không nộp thuế. Vì vậy, cần áp dụng công nghệ để kiểm tra giám sát các doanh nghiệp này, đảm bảo nộp thuế đầy đủ. Chúng tôi không quan trọng là loại hình vận tải như thế nào, miễn là nộp thuế đầy đủ, bình đẳng để cạnh tranh và phục vụ hành khách tốt hơn.

Áp dụng công nghệ mới quản lý chặt chẽ được

Trong thời gian qua UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo mạnh mẽ xử lý xe dù, bến cóc trên địa bàn, lực lượng CSGT TP. Hà Nội đã triển khai thế nào, kết quả ra sao. Theo ông, còn khó khăn vướng mắc gì khi thực hiện các Văn bản QPPL về quản lý vận tải hay xử lý vi phạm hay không? Theo ông để xử lý dứt điểm xe hợp đồng trá hình thì cần bổ sung quy định gì?

Thieu ta Nguyễn Mạnh Hùng

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng – Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội: Thời gian qua các lực lượng chức năng của Thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, trong đó có lực lượng Công an thành phố.

Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã mở nhiều đợt cao điểm xử lý xe dù bến cóc, xe ô tô chở khách vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã xử lý trên 4.000 trường hợp vận tải hành khách vi phạm, tước giấy phép lái xe 51 trường hợp, giữ 3.916 bộ giấy tờ để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính. Các lỗi vi phạm phổ biến là không có hợp đồng, không có danh sách hành khách, dừng đỗ sai quy định…

Quá trình xử lý, lực lượng công an cũng gặp một số khó khăn. Theo đó, nhiều nhà xe lách quy định, dùng xe hợp động vận chuyển khách như tuyến cố định, khi xử lý cảnh sát cũng chỉ lập biên bản được lỗi dừng đỗ, còn rất khó để chứng minh vi phạm khác.

Người dân hiện nay vẫn hiểu là được phép làm những gì pháp luật không cấm nên doanh nghiệp vận tải đang lợi dụng làm những việc không đúng quy trình nhưng cũng không nằm ngoài quy định. Nay, việc sửa đổi Nghị định 86 thì phải lấy hạt nhân là quản lý, hạ tầng, quy hoạch và chất lượng phục vụ người dân. Không cứ phải 5, 6 hay 7 loại hình vận tải mà phải nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ. Quy luật cạnh tranh là bình thường, miễn sao Nhà nước quản lý được.

Có cạnh tranh lành mạnh nhưng mà cái người ta áp dụng công nghệ tiên tiến, phục vụ người dân tốt hơn mà Nhà nước quản lý được, thu thuế được thì chúng ta đang trong quá trình thực hiện như Uber, Grab. Chẳng như vào lúc cao điểm, tắc đường chúng ta đổ cho là nhiều xe cá nhân, rồi cấm taxi lưu thông tại một số tuyến đường, trong khi Uber, Grab không bị ảnh hưởng gì. Hay quy định màu, phù hiệu khống chế từng địa bàn để đảm bảo việc thông tuyến tốt nhất... Đó là góc độ CSGT mong muốn.

Còn xây dựng hệ thống điện tử như trang bị camera giám sát là mục tiêu chúng tôi mong muốn. Hiện nay, CSGT vẫn đang lấy sức người làm thay khoa học. Hiện tại có hơn 400 camera lắp ở các ngã tư, chúng tôi đã khai thác những hình ảnh đó, ứng dụng xử phạt qua hình ảnh và bước đầu đã tác động được tới ý thức của người tham gia giao thông.

Thời gian tới, chúng tôi mong có sự kết nối chia sẻ thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của Bộ GTVT, để từ đó chúng tôi có cơ sở, căn cứ xử phạt; thống kê nơi nào, đơn vị nào thường xuyên có hành vi gây mất an toàn cho hành khách, nâng cao tuyên truyền DN không vì lợi ích trước mắt gây mất an toàn và trật tự ATGT nói chung.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Trước đây, chúng ta thường dùng hợp đồng giấy. Để tiện lợi hơn, gần đây chúng ta ứng dụng hợp đồng điện tử. Về giá trị pháp lý thì cũng tương tự như hợp đồng văn bản. Hiện chúng ta mới đang ứng dụng thí điểm hợp đồng điện tử và đây là vấn đề tất yếu.

Đặc biệt, như đồng chí Hùng nói, khi đưa các thiết bị đó vào ứng dụng, chúng ta phải có các bộ phận, trung tâm để quản lý để giảm bớt nhân lực trực tiếp. Rất nhiều nước phát triển đang ứng dụng tốt vấn đề này. Có nhiều nước chỉ có 4,5 người quản lý giao thông, còn lại toàn bộ là quản lý qua thiết bị nhưng rất hiệu quả.

Nếu Hà Nội lắp đến 2.000 camera thì chắc chắn không ai dám vi phạm. Chỉ với lượng camera giám sát hiện nay, hàng loạt xe biển xanh, đỏ vi phạm bị phát hiện và xử phạt. Hành xử của người dân khi tham gia giao thông cũng có ý thức và thận trọng hơn.

Tại sao dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 lại không quy định số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải?

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT): Về quy định số lượng xe tối thiểu của đơn vị kinh doanh vận tải hiện có 2 ý kiến:

Ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ quy định về số lượng xe tối thiểu (quy mô) đối với đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Việc quy định quy mô nhằm đảm bảo có đủ điều kiện để đơn vị kinh doanh vận tải duy trì bộ máy quản lý, điều hành và bộ phận an toàn giao thông, tăng năng lực cạnh tranh của đơn vị vận tải góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải có thêm thời gian để thực hiện đầu tư phương tiện đáp ứng quy định này.

Ý kiến thứ hai, đề nghị dự thảo Nghị định không quy định về số lượng xe tối thiểu đối với đơn vị kinh doanh vận tải.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với ý kiến thứ 2 là bỏ quy định về quy mô số lượng xe tối thiểu nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải; phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014, Luật đầu tư năm 2014. Việc thực hiện lộ trình quy mô quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP đối với các đơn vị vận tải này là không khả thi, gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Bộ Tư pháp nhất trí với giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc bỏ quy định quy mô, số lượng phương tiện vận tải. Việc quy định số lượng tối thiểu phương tiện vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải là không cần thiết, hạn chế cạnh tranh, tạo rào cản gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trên thực tế, quy mô của đơn vị kinh doanh không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dịch vụ kinh doanh vận tải, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông. Vì vậy, việc đưa ra điều kiện này tạo ra rào cản và phân biệt một cách bất hợp lý giữa các đối tượng kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, hiện nay, khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 đã quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải "Bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh". Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo thêm về vấn đề này để Chính phủ xem xét, quyết định.

Nội dung này, Bộ Giao thông vận tải đã tiếp thu và tại Tờ trình Chính phủ Bộ GTVT đề nghị là 1 trong 6 nội dung có ý kiến khác nhau để xin ý kiến thành viên Chính phủ.

Việc bỏ quy định đầu xe tối thiểu có gì mâu thuẫn với chủ trương xây dựng các doanh nghiệp vận tải lớn có thương hiệu, gắn "sao" cho doanh nghiệp vận tải không? Chúng ta có đặt ra mục tiêu cụ thể nào về nâng cao chất lượng phục vụ của doanh nghiệp không, thưa bà?

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Quy định DN phải đăng ký thực hiện tiêu chuẩn dịch vụ vận tải hành khách đã ban hành từ năm 2015. Theo đó, phải công khai minh bạch chất lượng của DN kinh doanh vận tải khi đăng ký khai thác tuyến. Ví dụ: Có 5 nhà xe cùng khai thác tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, với mức vé 300.000đ/chiều. Để tạo được sự khác biệt về chất lượng, các DN vận tải sẽ phải niêm yết các dịch vụ mà hành khách sẽ được hưởng như: nước uống, khăn lạnh, có dịch vụ vận chuyển hàng hóa hay không… Qua đó, khách hàng được lựa chọn và quyết định hãng xe có chất lượng tương xứng với giá tiền đã trả.

Vậy còn vấn đề bùng phát Uber, Grab, có quy định nào hạn chế số lượng loại xe này?

Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải: Việc quy hoạch vận tải được quy định tại điều 6 khoản 1 của Luật GTĐB năm 2008, trong đó quy định quy hoạch GTVT đường bộ gồm quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch giao thông và vận tải đường bộ. Điều 6 này quy định các đơn vị UBND cấp tỉnh thực hiện các quy hoạch này và đã được các địa phương đã thực hiện thời gian qua.

Vừa qua, căn cứ vào báo cáo của Bộ GTVT, và ý kiến của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo nêu rõ, yêu cầu UBND TP trực thuộc TW chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch phương tiện vẫn tải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương theo quy định tại khoản 1 điều 6.

Đối với Dự thảo nghị đinh thay thế nghị định 86, tại điều 38 khoản 5, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh chúng tôi cũng đã đưa vào. Vì vậy số lượng Grab, Uber cũng do các địa phương cùng tham gia quy hoạch.

pv Báo QĐND

Phóng viên Cát Huy Quang - Báo QĐND

Nhà báo Cát Huy Quang - PV Báo Quân đội nhân dân đặt câu hỏi: Khi ban hành Nghị định 86 trước đây mọi người đều kỳ vọng sẽ triệt tiêu được xe dù, bến cóc, tuy nhiên thực tế không phải vậy, xe dù bến cóc vẫn còn khá nghiêm trọng, thậm chí nhiều nhà xe lách luật, dù là xe hợp đồng nhưng gom khách lẻ chạy như tuyến cố định. Vậy Nghị định 86 sửa đổi tới đây có dẹp được xe dù, bến cóc, xe trá hình lách luật hay không? Tôi cho rằng để làm được điều này cần thực hiện 3 việc: Siết chặt quản lý thuế, chế tài chặt chẽ, xử phạt nặng và ứng dụng công nghệ vào quản lý.

Địa phương quản lý tốt sẽ không bao giờ hình thành bến cóc, xe dù

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trả lời: Tôi rất đồng tình với câu hỏi của anh và sẽ nghiên cứu để tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 86. Phải thừa nhận, Luật Giao thông Đường bộ 2008 chưa đưa được hết các vấn đề của thực tiễn hiện nay. Chẳng hạn như thiết bị giám sát hành trình trước đây chưa có. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều thiết bị mới như camera để theo dõi lịch trình, dừng, đỗ của phương tiện mà trước đây không có. Tất cả những vấn đề này chúng tôi đều tính hết để đưa vào Nghị định.

Liên quan đến vấn đề bến cóc, xe dù mà anh nói, tôi đã trực tiếp đi vi hành nhiều nơi, nhiều thời điểm và thực sự rất trăn trở. Tại sao bến cóc, xe dù vẫn tồn tại và bị lợi dụng như thời gian qua? Tìm hiểu thì có rất nhiều nguyên nhân. Trước đây, chủ yếu ở các tuyến đường dài. Nhưng nay, lượng xe chạy tuyến này đã giảm rất nhiều sau khi có hàng không giá rẻ xuất hiện. Xe dù bến cóc cũng ít.

Trong khi đó xe chạy trong khoảng 300km trở lại rất lớn, nếu kết nối hàng không, đường sắt tốt, lượng xe cũng giảm nhanh. Mình chưa có kết nối tốt nên lượng khách giảm nhiều. Họ buộc phải nghĩ ra chiêu trò để thu hút khách, tạo lợi nhuận.

Theo quy định bình thường, nếu tôi và các anh mà làm khác là sẽ vi phạm. Nhưng có những quy định chúng ta chưa bao quát hết được, dẫn đến việc lách luật. Lách luật thì từ thực tế chúng ta nghiên cứu, do vậy nên chăng, tới đây, vấn đề cần lưu tâm là thuế. Tới đây, chúng ta cần phải phối hợp chặt để quản lý chặt về thuế thì bến cóc xe dù sẽ giảm.

Thứ nữa là các cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt quản lý. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước ở đây là ai, cần phải xác định rõ. Ở địa phương chỉ có sở GTVT, địa phương có phòng chỉ có 1 người quản lý... Ở Bộ GTVT có Tổng cục Đường bộ.

Câu hỏi đặt ra: Ai quản lý? Nếu quản lý tốt sẽ không bao giờ hình thành ra bến cóc xe dù. Vì chúng ta quản lý chưa tốt nên để xảy ra tình trạng đó. Nhưng không thể đổ hết cho địa phương được mà do quy định của chúng ta chưa rõ. Với quy định mới, chúng ta phải giao cho địa phương quản lý bến đỗ để địa phương có trách nhiệm hơn.

Tới đây, tất cả các xe hợp đồng phải giám sát bằng TBGSHT. Theo chu kỳ trong 1 tháng mà anh vi phạm 30% của lần xuất hiện là tôi có thể xử lý được. Đây cũng là hình thức răn đe và giúp địa phương quản lý. Khi chuyển dữ liệu giám sát hành trình cho cơ sở, họ hoàn toàn có thể dễ dàng xử lý. Trong khi chờ sửa Luật Giao thông đường bộ chặt chẽ, chúng tôi cố gắng dự thảo nghị định bám sát thực tiễn nhất.

Sửa đổi Nghị định 86, doanh nghiệp vẫn tiếp tục lách luật được không?

Nhà báo Sỹ Lực - Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Trong lần sửa Nghị định 86, Bộ đã rất nghiêm túc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Trong dự thảo lần này, Bộ có đưa ra điểm mới là xử lý xe trá hình dựa trên lộ trình lặp đi lặp lại của phương tiện. Nếu người ta đổi địa điểm đón trả khách khoảng vài trăm mét thì người ta có thể lách luật, liệu nghị định mới có thể xử lý được không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ trả lời: Nghị định 86 lần này chú trọng đưa về địa phương giám sát quản lý. Tuỳ từng khu vực có hướng dẫn thông tư. khu vực nào cấp phường, xã quy định điểm dừng đỗ. Nếu anh vi phạm, tôi phát hiện được ngay chứ không phải thích chỗ nào đỗ cũng được. Thẩm quyền xử phạt thuộc cấp xã, phường. Đây là vấn đề gắn liền với an ninh trật tự. Bộ GTVT sẽ giao tiêu chí để quy định điểm đỗ tại các đô thị mật độ đông, không để xã phường quy định tràn lan.

Các Sở GTVT sẽ có kế hoạch giao chính quyền địa phương xác định điểm dừng đỗ. Kể cả xe hợp đồng, xe buýt muốn đón khách cũng phải đỗ đúng điểm. Đồng thời, tới đây cần có quy định cụ thể về điểm dừng đỗ như thế nào, diện tích, thời gian dừng ra sao…

Hiện, trên các tuyến đường cao tốc vẫn đang có rất nhiều xe dừng đón sai quy định. Nếu cắm hệ thống camera và xử phạt vài lần, không xe nào dám dừng đón nữa. Không cần thanh tra mà do chính quyền địa phương xử phạt. Nghị định 86 sau khi ban hành sẽ có thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể những vấn đề này.

Ông Nguyễn Tuyển - Phó phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hà Nội bổ sung: Trên thực tế Hà Nội có xử lý các đơn vị vận tải trên cơ sở hình ảnh của thiết bị giám sát hành trình. Trong trường hợp hành trình của đơn vị vận tải lặp đi lặp lại, hiện chưa đủ cơ sở để thu phù hiệu đơn vị này trong 1 tháng vì cần phải xác định họ có đón trả khách sai quy định không. Theo tôi, phải có sự kết hợp giữa các cơ quan chức năng, kết hợp việc sử dụng giám sát hành trình cùng với việc sử dụng hình ảnh từ các camera để đảm bảo xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải: Về việc nhà xe có thể lách quy định đón trả khách lặp lại trên 30%. Nếu điểm đón trả khách được quy định rộng trong cả vùng như 1 quận thì sẽ rất tiện cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, quy định này sẽ có vướng ở chỗ, ví dụ nhà tôi ở Thuỵ Khuê nhưng đón khách ở Hoàng Hoa Thám, hay ở các địa chỉ khác ở quân Tây Hồ. Rõ ràng, địa chỉ của họ khác nhau nhưng có địa điểm gần nhau. Điều đó có nghĩa nếu nhà xe ở quận nào không thể đón được người ở quận đấy thì sẽ rất khó và thiệt thòi cho nhà xe.

Hiện nay, các doanh nghiệp hay sử dụng văn phòng để đón trả khách. Tuy nhiên, quy định không được lặp đi lặp lại, nếu dịch chuyển vài trăm mét so với văn phòng thì sẽ ảnh hưởng đến trật tự ATGT, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người khác. Vì vậy nhà xe sẽ không thể thực hiện được. Nếu thực hiện thì Sở GTVT có thể dựa trên ảnh của các camera để xử phạt các đơn vị vận tải này.

Về câu hỏi của nhà báo Sỹ Lực về việc có nên báo cáo thông tin về hành khách khi ký hợp đồng với nhà xe? ông Trần Bảo Ngọc cho rằng: Một hợp đồng cho 1 chuyến xe phải có đầy đủ thông tin về địa chỉ, tên tuổi, CMND… Khi đi xe thì phải mang theo đầy đủ hợp đồng. Còn gửi thông tin về Sở thì chỉ cần quan tâm đến các vấn đề như số lượng người, tên tuổi...

Sở sẽ căn cứ vào danh sách những người trên xe đã ký hợp đồng để kiểm tra. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng thông tin gửi về Sở đầy đủ như vậy không cần thiết bởi nhà xe không thể hoàn thiện được vì trước khi lên xe đã ký hợp đồng...

Buổi tọa đàm kết thúc sau gần 3 tiếng thảo luận về những vấn đề nóng nhất trong quản lý vận tải khách hiện nay. Đã có nhiều thông tin và thông điệp được đưa ra và ghi nhận trên tinh thần đổi mới để quản lý và kinh doanh vận tải hiệu quả hơn; Đảm bảo quyền lợi của hành khách và sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.