Phần lớn các quán karaoke trên địa bàn Hà Nội không đảm bảo điều kiện PCCC. Trong đó, nhiều quán vi phạm kích cỡ biển hiệu, không có lối thoát hiểm, thiếu cảnh báo cháy tự động... Hầu hết vi phạm quy định PCCC Sau vụ cháy kinh hoàng tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy khiến 13 người chết, TP Hà Nội đã tiến hành tổng kiểm tra 1.204 quán karaoke trên toàn địa bàn. Riêng quận Cầu Giấy đã đóng cửa toàn bộ 88 quán, khi rà soát xong, quán nào đủ điều kiện mới được phép hoạt động trở lại. Sáng 8/11, trao đổi với PV, bà Trần Hải Yến, Phó chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, địa bàn phường Yên Hòa có 16 quán karaoke. Theo chỉ đạo của quận và thành phố, UBND phường đã yêu cầu tất cả tạm dừng hoạt động để kiểm tra, rà soát. Kết quả cho thấy, cả 16 quán đều không đảm bảo an toàn về PCCC. Trong đó, một số cơ sở không có lối thoát nạn thứ hai; Hệ thống chữa cháy tự động không đảm bảo. Riêng với 10 quán treo biển hiệu không đảm bảo kích cỡ, phường đã tiến hành tháo dỡ. “Hiện, phường đã giao công an, dân phòng chốt trực tại trước cửa toàn bộ 16 quán, nếu phát hiện quán nào cố tình hoạt động lén lút sẽ xử lý nghiêm”, bà Yến nói. |
||
Quán karaoke trên đường Nguyễn Khang, Hà Nội tháo gỡ biển quảng cáo tấm lớn không đạt chuẩn. Ảnh: Tạ Tôn |
Trong khi đó, khi PV liên hệ với bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch phụ trách văn xã phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, nơi có tuyến đường Trần Thái Tông tập trung rất nhiều quán karaoke (trong đó có quán karaoke 68 vừa xảy ra cháy làm 13 người chết) để tìm hiểu thông tin, dù bà Ánh có mặt tại trụ sở làm việc nhưng bà Ánh từ chối tiếp PV với lý do “bận đi họp”.
Có sự cố, chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm
Theo bà Trịnh Thị Dung, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, đến nay quận đã kiểm tra xong toàn bộ 88 quán karaoke trên địa bàn, hiện đang tổng hợp số liệu. Dù chưa thể công bố thông tin cụ thể, song bước đầu cho thấy, vi phạm phổ biến nhất là về kích thước biển hiệu, không có lối thoát hiểm, thiếu bình bọt chữa cháy, cảnh báo cháy tự động...
Bà Dung cho biết, giải pháp hiện tại quận đang áp dụng là đình chỉ hoạt động tất cả các quán không đủ điều kiện, khi khắc phục xong mới cho hoạt động tiếp. Từ trước ngày 30/9, trong số 88 quán trên địa bàn, có 9 quán chưa có giấy phép nhưng vẫn hoạt động, quận đã chỉ đạo dừng ngay. “Tuy nhiên, có quán vẫn hoạt động lén lút, quận đã chỉ đạo địa phương bố trí lực lượng canh gác không cho hoạt động, nếu phát hiện sẽ cắt điện. Còn sau khi thực hiện việc rà soát, trường hợp nào không có khả năng hoàn thiện, quận sẽ động viên chủ cơ sở chuyển ngành nghề kinh doanh”, bà Dung nói và khẳng định, nếu nơi nào có quán không đủ điều kiện vẫn hoạt động thì chủ tịch UBND phường đó sẽ phải chịu trách nhiệm.
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, ngoài việc phối hợp với các quận, huyện, Cảnh sát PCCC còn chủ động thành lập nhiều đoàn kiểm tra độc lập để rà soát. Đến thời điểm này, lực lượng kiểm tra đã làm việc tích cực để tổng hợp số liệu báo cáo thành phố sớm nhất. “Sau khi chúng tôi tổng hợp cụ thể, chính xác mới báo cáo thành phố và đề xuất giải pháp khắc phục, xử lý. Bởi, trong số hơn 1.200 cơ sở, mặc dù vi phạm nhiều nhưng không phải cơ sở nào cũng vi phạm nghiêm trọng. Có những cơ sở chỉ vi phạm lỗi nhỏ. Còn những cơ sở vi phạm nghiêm trọng cần đình chỉ hoạt động thì phải đình chỉ ngay”, Đại tá Tuấn Anh cho biết.
Chủ karaoke lo sốt vó nếu bị tạm dừng
Trao đổi với PV, anh N.A.K., chủ một cơ sở kinh doanh karaoke trên phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng cho biết, đang rất lo lắng trước thông tin thành phố có thể tạm dừng toàn bộ hoạt động karaoke từ nay đến cuối năm.
Theo anh K., để đầu tư một cơ sở kinh doanh karaoke, chủ đầu tư phải bỏ vốn rất lớn. Đơn cử như quán của anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho 10 phòng hát. Riêng tiền mặt bằng hàng tháng phải trả vài chục triệu đồng, chưa kể các chi phí khác. “60% vốn đầu tư là vay ngân hàng, chưa kể tiền thuê mặt bằng, mỗi tháng số tiền lãi ngân hàng là nỗi lo lớn. Cá nhân tôi ủng hộ chủ trương siết chặt quản lý các điểm kinh doanh karaoke của thành phố nhưng cơ sở nào làm sai, vi phạm về an ninh trật tự, PCCC thì cần xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ để yêu cầu cơ sở đó khắc phục những sai phạm, thiếu sót. Còn những cơ sở đảm bảo đầy đủ những quy định thì vẫn nên cho hoạt động bình thường”, anh K. kiến nghị.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí sáng 8/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, thành phố chỉ dừng cấp phép mới chứ chưa quyết định dừng hoạt động toàn bộ quán karaoke như thông tin lan truyền gần đây.
Kinh doanh karaoke phải đáp ứng nhiều điều kiện Theo quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009), chủ cơ sở muốn được cấp giấy phép kinh doanh karaoke phải đảm bảo các điều kiện như: Phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ, đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ. Địa điểm hoạt động karaoke trong khu dân cư phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề. Còn theo Thông tư số 47/2015 của Bộ Công an, chủ cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke phải trang bị bình chữa cháy; Tường, vách ngăn và trần treo của đường thoát nạn, lối thoát nạn, buồng thang thoát nạn, các gian phòng tập trung đông người được thiết kế bằng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt là vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Hệ thống âm thanh, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện và việc bố trí thiết bị này trong công trình phải bảo đảm các yêu cầu an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vị trí lắp đặt biển quảng cáo không che kín cả nhà và các công trình, các lối thoát nạn, ban công...Huy Tuấn |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận