Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn ngay tại hiện trường chiều 5/6 - Ảnh: Tấn Việt |
Đến 16h40 chiều qua (5/6), cả 3 thi thể nạn nhân trên tàu du lịch “ma” Thảo Vân 2 lật chìm giữa sông Hàn (Đà Nẵng) đã được tìm thấy. Trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ lật tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng tại Đà Nẵng nhanh chóng điều tra, khởi tố vụ án, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Những tiếng khóc khản đặc đón thi thể nạn nhân trong nước mắt bên bờ sông Hàn. 3 mạng người trong 2 gia đình của một chuyến du lịch định mệnh. Hơn 20 tiếng đồng hồ sau vụ tai nạn, ngành chức năng Đà Nẵng rất khẩn trương, kịp thời để hạn chế thấp nhất mức thương vong có thể.
Chuyến du lịch định mệnh
Khoảng 20h ngày 4/6, 53 hành khách đến từ 4 đoàn khách của các nhóm gia đình từ Hà Nội, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Bình Định, Thái Nguyên và cả vợ chồng người Malaysia vô tình đặt chân xuống con tàu Thảo Vân 2 (mang số hiệu ĐNa-0016) để tham gia chuyến hành trình định mệnh. Phút chốc con tàu “độ chế” đã chật kín chỗ. Nhân viên tàu kê thêm ghế nhựa để hành khách ngồi chen chân cả hai tầng. Vừa khởi hành từ cầu cảng Sông Hàn cũ, tài công điều khiển đánh lái về phía cầu quay sông Hàn được chừng 10 phút, cú bẻ lái khiến con tàu chao đảo rồi lật úp.
“Tàu chao nghiêng, chúng tôi chưa kịp định thần đã thấy mình bị hất văng xuống mé nước. Cả đoàn nháo nhào ùa sang mạn bên cạnh khiến con tàu mất trọng lượng rồi lật úp”, chị Lưu Phương Thủy (trú Hà Nội) đang chăm sóc con Bảo Hân (8 tuổi) cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng - nạn nhân vụ tàu chìm nhớ lại. Theo chị Thủy, cả đoàn đi 8 người, gia đình chị có 4 người. Riêng cháu nhỏ được chồng bồng trên tay khi tàu chìm nên không bị ngợp nước. Giọng Bảo Hân run rẩy: Sợ lắm, cháu toàn thấy nước cũng không biết sao mình sống sót được. Cháu đưa tay với vội vào chiếc phao, rồi may mắn có người đi canô đến cứu.
Anh Đặng Văn Vương (quê Thái Nguyên) cho biết: Đoàn có 21 người, một nửa là trẻ em. Thấy sông Hàn đẹp, nên ai cũng háo hức đi du thuyền. Chúng tôi được taxi chở đến cảng rồi tự phát ra mua vé. Tàu Thảo Vân 2 chào mời 100.000 đồng/vé, nhưng khi lên tàu chẳng thấy có áo phao. Phía tàu đưa được vài ba chiếc áo phao nhưng đã cũ. “Chúng tôi cũng có phần chủ quan. Khi tàu lật úp ai cũng hoảng loạn. Chưa đầy phút đồng hồ tàu đã chìm, mọi người không kịp hỗ trợ nhau”, anh Vương nói.
Định thần sau giây phút tai nạn kinh hoàng, các hành khách cho biết: Việc tổ chức trên tàu rất lộn xộn. Nhân viên chỉ bán vé rồi “hết trách nhiệm”, không ai ổn định trật tự, hướng dẫn hành khách đảm bảo các quy định an toàn kỹ thuật. “Ai mà biết được tàu này chưa được cấp phép chứ. Thấy nó đậu đỗ, đón khách, mọi người mua vé lên”, anh Nguyễn Thượng Hải (quê Đắk Lắk) kể. 6 người trong đoàn anh Hải may mắn thoát nạn nhưng vụ tai nạn để lại nỗi ám ảnh lớn đặc biệt với trẻ nhỏ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng thăm các nạn nhân vụ chìm tàuđang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng chiều 5/6 |
Tàu "chạy dù"
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tàu ĐNa-0016 (Thảo Vân 2) được “độ chế” từ tàu cá. Chủ tàu hiện tại là ông Võ Quốc Hùng (hiện thuê cơ sở bên quận Sơn Trà, Đà Nẵng) mua lại từ một chủ cũ. Tàu còn hạn đăng kiểm nhưng không đủ các điều kiện để cấp phép hoạt động phục vụ khách du lịch. Tại cuộc họp mới đây nhất của liên ngành (TTGT, Bộ đội biên phòng, Cảng vụ Đà Nẵng, Sở VH,TT&DL, Sở GTVT…) đầu tháng 6/2016, đơn vị chức năng thống nhất ra văn bản cưỡng chế hoạt động “chạy dù” của tàu này. Theo lãnh đạo TTGT Đà Nẵng, ít nhất tàu ĐNa-0016 bị xử phạt 4-5 lần, thậm chí bị đẩy đuổi ra khỏi khu vực đậu đỗ cầu cảng sông Hàn nhưng chủ tàu đối phó, bất chấp pháp luật.
Hãng tàu Thảo Vân có một tàu du lịch chở khách khác số hiệu ĐNa-0484 được cấp phép đúng quy định. Chủ tàu vin vào đây, bán vé vượt số khách và đưa tàu ĐNa-0016 vào “chạy dù”. Trực chiến liên tục tại Sở Chỉ huy tiền phương thống nhất Tìm kiếm - cứu nạn, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ xác nhận tàu Thảo Vân 2 vi phạm hàng loạt quy định hoạt động thủy nội địa: chạy “chui”, chở vượt quá số người quy định; tài công không đủ bằng cấp (cấp 3) theo quy định.
Các chủ tàu du lịch trên sông Hàn cho rằng: Với cỡ tàu ĐNa-0016 mức chở tối đa khoảng 28 khách. Ngay cả tàu “hợp pháp” của Thảo Vân ĐNa-0484 ở lần đăng kiểm đầu tiên cũng chỉ ở mức 20 khách. “Ban đầu tài công chỉ khai nhận chở 36 khách, nhưng kết quả xác minh lên đến 53 hành khách, tính cả nhân viên tàu là 56 khách, gấp 2 lần mức giới hạn tải trọng”, ông Thơ đánh giá.
Đáng kể, Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó tư lệnh Quân khu V cho biết: Theo hồ sơ, tháng 7/2014 chưa đầy 2 năm trước tàu Thảo Vân 2 này khi chở 10 hành khách đã bị chìm trên sông Hàn do đâm va vào trụ cầu dẫn đến phá nước, nhưng không có ai thương vong.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: Trên sông Hàn có 26 tàu du lịch được cấp phép hoạt động. Ngoài Thảo Vân 2 còn 2 tàu khác chưa đủ điều kiện cấp phép. Ghi nhận PV Báo Giao thông khu vực cảng này có chốt quản lý của Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đặt ở phía cửa. Với việc để tàu Thảo Vân 2 lén lút hoạt động chui rõ ràng có trách nhiệm liên đới của nhiều cơ quan chức năng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết: Trước mắt tập trung công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả, sau đó Đà Nẵng sẽ khẩn trương điều tra nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân có liên quan. “Quan điểm của TP là xử lý cương quyết”, ông Thơ nhấn mạnh.
Ngay khi xảy ra tai nạn, lực lượng chức năng Đà Nẵng tạm giữ tài công tàu du lịch Thảo Vân 2 Lê Công Chí (trú tại An Hải Bắc, Sơn Trà, TP Đà Nẵng) để tiếp tục điều tra, làm rõ. Chủ tàu là ông Võ Quốc Hùng bỏ trốn khi sự việc xảy ra.
Khẩn trương khởi tố vụ lật tàu
Trong ngày 5/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN (Bộ GTVT), Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) trực tiếp đến hiện trường Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu, nạn, thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân vụ chìm tàu Thảo Vân 2.
Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng chức năng, ngư dân cùng trên 100 phương tiện tàu thuyền được huy động. Các lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng, sở, ngành chức năng hầu như trắng đêm tại hiện trường, hiệp đồng phối hợp, huy động tổng lực cùng các giải pháp tích cực, khẩn trương nhất tìm kiếm, cứu nạn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, lực lượng vũ trang, Quân khu 5, Công an... đã có những biện pháp cụ thể qua đó giảm thiếu tối đa thiệt hại về người. “Đây là vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng. Điều này chứng tỏ sự coi thường pháp luật của chủ tàu khi người này chở quá tải gấp đôi số lượng du khách lên tàu theo quy định”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ quan trọng là động viên, hỗ trợ tối đa về vật chất và tinh thần cho những nạn nhân, riêng những người đã tử vong cần hỗ trợ đưa thi thể họ về an táng kịp thời", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cơ quan chức năng tại Đà Nẵng nhanh chóng điều tra khởi tố vụ án, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên người nhà 3 nạn nhân còn mất tích trên sông Hàn. Thủ tướng khẳng định các lực lượng sẽ làm hết sức mình, trong thời gian nhanh nhất tìm thấy 3 người mất tích.
Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo sát sao, phân công lãnh đạo Bộ, Ủy ban ATGT Quốc gia trực tiếp có mặt tại hiện trường tìm kiếm cứu nạn.
Tại hiện trường Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá: Nếu không có sự khẩn trương, tích cực của Đà Nẵng chắc chắn thương vong sẽ cao hơn. Trên tàu có đến nửa là trẻ em, tình huống bất ngờ, nguy hiểm nên nếu không kịp thời hậu quả rất lớn.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ việc thực hiện pháp luật đối với tất cả các loại hình kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Kiểm tra quy định pháp luật đảm bảo ATGT đường thủy trên những địa phương có tình hình trật tự ATGT đường thủy phức tạp, triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT đường thủy.
Trực tiếp thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân, Thứ trưởng Thọ đề nghị Đà Nẵng sớm khắc phục hậu quả tai nạn, tạo điều kiện thuận lợi nhất chăm sóc các nạn nhân, thân nhân.
Đà nẵng: Tạm ngừng hoạt động, rà soát vận tải tàu du lịch Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố chỉ đạo ngành chức năng tạm ngưng các hoạt động thủy nội địa, tàu du lịch trong thời gian ngắn để khai thác, rà soát lại việc triển khai các quy định, quản lý Nhà nước, hoạt động các đơn vị. Đồng thời, Đà Nẵng tích cực điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến vụ tai nạn tàu Thảo Vân 2. Thống kê từ Cảng vụ Đường thủy nội địa TP Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày 26 tàu thuyền du lịch sông Hàn đều kín khách, cao điểm có thể lên đến 1.000 -1.500 khách. Các đơn vị tự chủ đăng ký mức giá vé. Mức 100.000 đồng/vé của tàu Thảo Vân được xem là thấp so với mức trung bình trên dưới 200.000 đồng/vé của loại tàu này. Tuy nhiên, giá vé tùy thuộc chất lượng và các dịch vụ đi kèm. X.H- T.V Tàu vừa đổi chủ 10 ngày Theo Cục Đăng kiểm VN, chiếc tàu chở khách du lịch bị lật đêm 4/6 trên sông Hàn vẫn trong thời hạn chứng nhận kiểm định còn hiệu lực và mới được bán cho chủ khác cách đây 10 ngày. Cụ thể, tàu Thảo Vân 2 có số đăng ký hành chính là ĐNa - 0016 được đóng bằng gỗ vào năm 1995, với sức chở tối đa 28 người. Chủ tàu khi đó là Nguyễn Ngọc Lem, địa chỉ tại Tổ 8 An Thị, An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Tàu đã được kiểm tra và cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần gần nhất vào ngày 19/5/2016 và có hiệu lực đến 20/11/2016. Tuy nhiên, chiếc tàu này đã được bán cho chủ tàu khác là Võ Quốc Hùng (chưa rõ địa chỉ) và đã được sang tên, đổi chủ vào ngày 26/5/2016 (10 ngày trước khi xảy ra tai nạn). Hồng Xiêm Thêm tình tiết giật mình về phương tiện Chiều 5/6, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Trần Văn Thọ từ hiện trường vụ lật tàu du lịch sông Hàn cho biết, tàu du lịch Thảo Vân 2 bị lật trên sông Hàn vào đêm 4/6 xuất phát từ bến thủy nội địa đã được cấp phép, tuy nhiên, tàu lại chưa đủ điều kiện để hoạt động du lịch. “Tàu có đăng ký, đăng kiểm còn thời hạn, xuất phát từ bến thủy nội địa đã được cấp phép hoạt động, nhưng tàu chưa được Sở GTVT cấp phép hoạt động du lịch theo quy định”, ông Thọ nói. H.L |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận