Y tế

Tôn vinh 200 người mang dòng máu "khác biệt" sẵn sàng hiến tặng

16/12/2023, 14:18

Sáng 16/12, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức gặp mặt 200 người hiến máu hòa hợp (phenotype) tiêu biểu năm 2023.

Tự hào khi biết mình mang dòng máu "khác biệt"

Có mặt tại lễ gặp mặt tri ân những người hiến máu hòa hợp, chị Lê Thị Thu Phương, giảng viên trường ĐH Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ, chị tham gia hiến máu tình nguyện từ khi còn là sinh viên năm nhất đại học. Tính đến giờ cũng khoảng 20 lần tham gia hiến máu. Nhưng với chị Phương, chỉ đến năm 2020, chị mới biết trong dòng máu nhóm O của mình có chứa những kháng nguyên đặc biệt, phù hợp để hiến máu hòa hợp (phenotype).

Tôn vinh 200 người mang dòng máu "khác biệt" sẵn sàng hiến tặng

 - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Thu Phương (đứng thứ 2 từ trái qua, hàng đầu) tại buổi gặp mặt người hiến máu hòa hợp.

"Dù công tác trong ngành y tế, nhưng thực sự tôi cũng chưa được nghe giải thích nhiều về hiến máu hòa hợp. Khi đi hiến máu, chỉ biết rằng mình mang nhóm máu O, có thể thích hợp truyền cho các bệnh nhân không cùng nhóm máu. Sau đó được giải thích dưới nhóm máu O vẫn còn phân chia nhiều dạng khác nhau, như vậy có thể phù hợp truyền cho những bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh phải thường xuyên truyền máu", chị Phương cho biết.

Từ khi biết mình có thể hiến máu hòa hợp, giúp cho nhiều bệnh nhân mắc tan máu bẩm sinh, chị Phương chia sẻ: "Tôi luôn sẵn sàng đến viện hiến máu bất kỳ khi nào bệnh nhân cần và bệnh viện gọi".

Có lần đang đứng lớp, chị nhận tin có cháu nhỏ mắc tan máu bẩm sinh rất cần đường truyền máu hòa hợp nhóm O rezo. Khi tan tiết dạy, chị Phương vội vã sang Viện Huyết học để kịp thời hiến máu cứu bệnh nhân.

"Thực sự khi biết mình mang dòng máu nhóm O "khác biệt", tôi thấy mình có ý nghĩa hơn, có đóng góp với mọi người nhiều hơn và từ đó cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với các cháu nhỏ mắc bệnh lý máu. Trước đây tôi từng đi lâm sàng tại đây, gặp nhiều cháu nhỏ mắc bệnh bị quá tải sắt, biến dạng xương, gan to, lách to… thường xuyên cần đến truyền máu hòa hợp, rất thương", chị Phương chia sẻ thêm.

Cùng tham gia hiến máu tình nguyện 15 năm, ông Nguyễn Bá Lợi (56 tuổi, ở Đông Anh) nhưng đến cuối năm 2019 mới biết mình mang dòng máu phù hợp để hiến máu hòa hợp. Cũng từ đó, chưa bao giờ ông từ chối khi nhận lời đề nghị "đến viện để hiến máu giúp bệnh nhân đang chờ máu" cho dù quãng đường từ nhà tới viện gần 30km.

Ông Lợi vẫn nhớ lần đúng ngày 29 Tết, khi mọi người đều cố gắng hoàn thiện nốt công việc trong ngày cuối năm để chuẩn bị đón năm mới, ông nhận được điện thoại thông báo có bệnh nhân cần máu. Sau ca sáng, ông vội xin phép lãnh đạo nghỉ ca chiều để kịp vào viện hiến máu. Đó là một buổi chiều trời mưa rét, ông Lợi vội bắt chuyến xe buýt và ăn tạm chiếc bánh nhỏ để kịp tới viện hiến máu.

"Nếu không được nhận truyền máu hòa hợp, bệnh nhân đó chắc phải ở lại viện đón Tết vì phải chờ máu. Trước kia, tôi vẫn suy nghĩ hiến máu cứu người luôn là việc cần làm. Khi biết dòng máu của mình thực sự có giá trị với nhiều bệnh nhân thường xuyên phải truyền máu, tôi càng sẵn sàng với việc làm này. Tôi sẽ hiến máu đến khi nào hết tuổi thì thôi", ông Lợi chia sẻ.

Nhiều bệnh nhân phụ thuộc truyền máu cả đời

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chia sẻ truyền máu hòa hợp phenotype giúp hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu hồng cầu giữa người cho và người nhận. Hạn chế được việc sinh kháng thể bất thường hệ hồng cầu. Hạn chế việc điều trị thải sắt đối với nhóm bệnh nhân tan máu bẩm sinh cần truyền máu thường xuyên. Hạn chế bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch. Nhờ đó, mang lại hiệu quả về xã hội và kinh tế cho người bệnh sống phụ thuộc vào truyền máu, giúp họ sống có chất lượng, giảm chi phí do giảm số lần vào viện và giảm số lần truyền máu.

Đặc biệt, Thalassemia là bệnh bẩm sinh di truyền, không chữa khỏi, liên tục tan hồng cầu, đời sống hồng cầu ngắn, luôn trong tình trạng thiếu máu. Bệnh nhân phụ thuộc truyền máu cả đời.

Với bệnh nhân thể nặng muốn điều trị tốt phải 2 tuần truyền máu một lần, người khỏe là truyền máu 1 lần/tháng. Một năm có 3 nghìn bệnh nhân, mỗi lần truyền ít nhất 12 đơn vị máu nên nhu cầu truyền máu rất lớn.

Bệnh nhân truyền máu nhiều sẽ sinh kháng thể bất thường. Vì thế, bệnh nhân tan máu bẩm sinh có nguy cơ khi truyền máu cao nhất. Nếu truyền lần đầu gặp máu không hòa hợp không sao, lần sau gặp hồng cầu không giống họ sẽ sinh kháng thể. Nếu có kháng thể mà tiếp tục truyền hồng cầu không có kháng nguyên vào thì sẽ phản ứng tan máu, truyền máu không có hiệu quả, có thể gây ra tình trạng phản ứng mạnh như bất đồng nhóm máu ABO. Hơn nữa có thể gây sốc, muộn là tan máu trong lòng mạch, gây suy thận. Ở giai đoạn muộn hơn nữa máu không vào được thừa lượng sắt trong hồng cầu truyền vào lại tích tụ trong người. Vì thế, truyền máu là lựa chọn rất quan trọng và quyết định chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên. Nhờ đó, khi có những bệnh nhân cần truyền máu hòa hợp phenotype, viện có thể gọi người hiến máu phù hợp theo danh sách.

Năm 2023, viện đã cung cấp 2.681 đơn vị máu hòa hợp phenotype phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân trong viện và một số bệnh viện khác.

Tháng 6/2021, Hội Truyền máu Quốc tế công nhận có tới 43 hệ nhóm máu hồng cầu với 376 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Mỗi hệ thống nhóm máu gồm 1 hoặc nhiều kháng nguyên, phức tạp nhất là hệ nhóm máu Rh với trên 50 kháng nguyên.

Việc phát hiện ra các nhóm máu khác nhau của hệ hồng cầu đã giải thích được các trường hợp tai biến truyền máu mặc dù đã có phù hợp về nhóm máu hệ ABO.

Công tác truyền máu an toàn cũng thêm một bước tiến nhờ việc các nhà khoa học đã đề cập đến việc thực hiện xét nghiệm hòa hợp giữa người cho và người nhận.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.