Lời ca khúc “Màu hoa đỏ” trên hình ảnh cô gái không phù hợp |
Câu chuyện bài hát cách mạng Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến cùng 20 bài hát karaoke khác bị Sở VH, TT&DL Tiền Giang cấm lưu hành đã dấy lên câu chuyện về quản lý bài hát tại những cơ sở karaoke hiện nay.
Dễ dàng chế một bản karaoke
Lâu nay, trong hoạt động kinh doanh karaoke, cơ quan quản lý Nhà nước hầu như chỉ quan tâm đến giấy phép, điều kiện kỹ thuật như diện tích phòng karaoke, điều kiện cách âm, công tác phòng chống cháy nổ mà hoàn toàn bỏ trống việc quản lý những ca khúc chưa được cấp phép, quản lý hình ảnh trên nền nhạc các ca khúc karaoke. Anh Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Công ty N. chuyên cung cấp và lắp đặt các thiết bị phòng karaoke cho biết, các quán karaoke hiện nay thường hay dùng đầu vi tính hiện đại, kết nối với internet, sẽ tự động cập nhật thêm danh sách bài hát còn thiếu. Khách hàng có thể tùy thích hát những bài hát trên các kênh xã hội như Youtube không qua khâu kiểm duyệt của cơ quan chức năng ngành văn hóa.
Anh Đệ tiết lộ, hiện nay trên mạng có những phần mềm làm karaoke miễn phí như: Walaoke, Karafun, Hifi Karaoke, KMP… Chỉ cần tải phần mềm hát này về máy, kèm theo đó file nhạc không lời, lời bài hát, clip làm nền cho karaoke thì bất kỳ ai cũng có thể tạo cho mình một bản nhạc karaoke tùy thích. Tức là, có thể ghép lời bài hát của ca sĩ bất kỳ vào bất kỳ hình ảnh nào muốn.
Anh Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khu vực phía Bắc cho biết, trước đây các quán karaoke thường sử dụng đầu máy chạy bằng băng đĩa, còn hiện nay các đầu máy karaoke chạy bằng vi tính nên không thể quản lý được về hình ảnh, chất lượng, bản quyền. Đó là thử thách cho các cơ quan Nhà nước.
Chính vì vậy, khi Sở VH, TT & DL tỉnh Tiền Giang ra quân kiểm tra một số điểm kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh và phát hiện 100% điểm được kiểm tra có vi phạm việc lưu hành, phổ biến các bài hát chưa được phép phê duyệt nội dung. Trong đó, nhiều tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến, ca khúc có nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa và bản ghi âm, ghi hình, nhà sản xuất, người biểu diễn vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ lại phổ biến tại các cơ sở karaoke. Riêng bài hát Màu hoa đỏ của cố nhạc sỹ Thuận Yến là bài hát cách mạng nổi tiếng. Tuy nhiên, tại các điểm karaoke trên địa bàn có một số người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi không đóng tác quyền, không xin giấy phép biểu diễn và hình ảnh minh họa trong clip không phù hợp.
Kiểm tra, xử lý khi gặp vi phạm
Có thể thấy, với sự phát triển của internet, việc quản lý hình ảnh trên nền lời bài hát karaoke là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, còn chưa kể đến chuyện vi phạm bản quyền tác giả. Theo anh Nguyễn Hoàng Giang, trước những lỗ hổng trên, cơ quan Nhà nước cần phải vào cuộc. Cụ thể, yêu cầu các chủ quán kinh doanh karaoke ký cam kết không để xảy ra hiện tượng sử dụng hình ảnh trong các bài đi trái lại với quy định của pháp luật, trái lại với thuần phong mỹ tục, hay sử dụng các bài hát chưa được cấp phép.
Ông Trần Văn Minh, Phó chánh thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết, theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar không được phép sử dụng những bài hát chưa được phép phổ biến. Các đơn vị vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.
Hiện nay, Thanh tra Bộ đã có văn bản gửi Thanh tra các Sở VH,TT & DL và Sở VH - TT các tỉnh, thành phố về việc kiểm tra hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Theo đó, Thanh tra Bộ đã nhận được công văn của Cục An ninh văn hóa, Thông tin và Truyền thông (A87) về việc kiểm tra hoạt động của hệ thống kinh doanh karaoke tụ điểm ca nhạc trên cả nước. Hiện tại các Sở VH,TT&DL đã bắt tay vào thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn nhưng chưa có báo cáo cụ thể của các tỉnh, thành phố.
“Thanh tra Bộ nhận thấy tình trạng sử dụng tác phẩm âm nhạc sáng tác trước năm 1975 chưa được phép phổ biến. Ca khúc có nội dung phản động, lồng ghép hình ảnh ca ngợi người lính Việt Nam Cộng hòa và nhiều tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình được sao chép, sử dụng phổ biến mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan (người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình) vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến, nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, điểm ca nhạc”, ông Trần Văn Minh cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận