Thỏa thuận với Iran và Luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (ACA) là 2 dấu ấn của ông Obama mà ông Trump khó có thể xóa nhòa |
Ngay từ ngày đầu nhậm chức đến nay, những quyết sách và sắc lệnh của ông Trump gần như đều đi ngược hoặc có xu hướng xóa bỏ thành tựu ông Barack Obama gây dựng. Tuy nhiên, có 2 thành tựu của ông Obama mà ông Trump cực lực thay đổi nhưng khó có thể đảo ngược, ít nhất là tính đến nay.
Hai dấu ấn của cựu Tổng thống Obama
Hai thành tựu được hé lộ và minh chứng theo quan điểm của ông Noah Feldman, chủ mục Góc nhìn trong một bài viết trên báo Bloomberg đăng tải ngày 19/7. Theo ông Noah Feldman, Luật Chăm sóc sức khỏe vừa túi tiền (ACA) và thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung) chính là hai dấu ấn của cựu Tổng thống Obama mà Tổng thống Donald Trump khó có thể xóa bỏ. Thực tế, ông Trump có Quốc hội do phe Cộng hòa chiếm đa số và quyền pháp lý đơn phương hỗ trợ trong vấn đề Iran. Nhưng tại sao ông không thể xóa bỏ hai dấu ấn này của ông Obama?
Câu trả lời một phần nằm ở cấu trúc hệ thống chính trị tam quyền phân lập của Mỹ. Phần khác là ông Obama đã có kế hoạch bảo vệ những thành tựu quan trọng của mình. Là Tổng thống của cường quốc lớn nhất thế giới không có nghĩa ông Donald Trump có thể thống trị Mỹ hay toàn thế giới. Nếu không có sự ủng hộ từ Quốc hội, ông Trump không thể duy trì quyền tại nước nhà. Nếu không có đồng minh nước ngoài, ông không thể áp đặt ý chí của mình trên quy mô toàn cầu, theo chuyên gia Noah Feldman.
Nguyên nhân nội bộ
Thực tế, việc chính quyền Tổng thống Trump khó có thể tập hợp 50 phiếu của Thượng viện (kể cả phiếu “phá băng” của Phó tổng thống Mike Pence) để lật đổ Luật ACA là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự ràng buộc và hạn chế quyền hành của Tổng thống trong hệ thống tam quyền phân lập. Hệ thống chính trị của Mỹ yêu cầu đề xuất của Tổng thống phải đạt được số phiếu ủng hộ quá bán tại cả hai viện của Quốc hội. Do đó, không phải điều gì ông Trump muốn cũng đều thành sự thật.
Mặt khác, vì đảng Cộng hòa của ông Trump kiểm soát đa số ghế Quốc hội nên sự thất bại của ông Trump khi lật đổ Luật ACA còn cho thấy, sự chia rẽ nội bộ đảng đã lan rộng tới mức đang hình thành xu hướng ngăn cản ông Trump thực hiện điều ông muốn.
Nguyên nhân quốc tế
Về thỏa thuận giữa Iran và các cường quốc P5+1, ông Donald Trump khó có thể phá vỡ thỏa thuận này vì lý do quốc tế chứ không phải lý do trong nước. Ở những thỏa thuận này, vấn đề cấu trúc chính trị rất quan trọng. Bởi, các lệnh trừng phạt chống lại Iran nhằm gây áp lực buộc nước này đi tới thỏa thuận kiềm chế chương trình hạt nhân, tên lửa không phải chỉ từ phía Mỹ. Các chế tài chống Iran còn do các đồng minh từ châu Âu áp đặt dưới áp lực vận động hành lang mạnh mẽ của chính quyền tiền nhiệm ở Washington.
Do vậy, dù thỏa thuận Iran do ông Obama và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thực hiện nhưng phần lớn là nhờ các biện pháp trừng phạt và sự hợp tác từ các nước trên thế giới. Các nước châu Âu không quá hào hứng tham gia vào thỏa thuận này vì họ không bao giờ quan tâm nhiều tới tham vọng hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, sự tham gia của họ là điều kiện cần thiết để thỏa thuận này thành hiện thực.
Tương đương với đó, Mỹ không thể chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran mà không có sự ủng hộ từ châu Âu. Nếu các nước châu Âu không đồng ý tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Iran thì các lệnh trừng phạt của riêng Mỹ không ảnh hưởng nhiều tới Iran.
Mặt khác, ông Noah Feldman cho rằng, ông Obama cùng chính quyền lúc đó biết chắc chính quyền mới của đảng Cộng hòa sẽ đảo ngược thỏa thuận hạt nhân Iran. Bởi họ vốn đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ các Nghị sĩ đảng Cộng hòa và không ít Nghị sĩ đảng Dân chủ khi đi đến thỏa thuận này. Do đó, họ xây dựng một cơ chế quanh co, liên quan tới các nước trên thế giới như vậy. Kể cả Mỹ tuyên bố Iran không tuân thủ thỏa thuận thì các nước châu Âu vẫn có thể đưa ra quan điểm của mình và từ chối tái áp đặt các lệnh trừng phạt.
Vì những ràng buộc này, hiện nay, chính quyền ông Trump đang luồn lách để tìm cách trừng phạt Iran nhằm gây áp lực lên quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông trong khi vẫn tiếp tục duy trì thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1. Ngày 19/7, Mỹ thông báo lệnh trừng phạt kinh tế với Iran, nhắm vào 18 tổ chức và cá nhân ủng hộ cái mà chính quyền Mỹ cho là “những hành động tội ác xuyên quốc gia hay những đối tượng vi phạm pháp luật của Iran”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận