Thời sự Quốc tế

Tổng thống Ukraine chỉ trích NATO yếu đuối, viện trợ ít ỏi

05/03/2022, 15:36

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích nặng nề tổ chức NATO khi khối quân sự này từ chối thiết lập khu vực cấm bay qua Ukraine.

Tổng thống Ukraine: Dân Ukraine thiệt mạng vì sự yếu đuối của NATO

Ngay từ đầu khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng một số quan chức Ukraine liên tục kêu gọi liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thiết lập vùng cấm bay.

Những người ủng hộ ý tưởng trên cho rằng vùng cấm bay sẽ cắt đứt hoạt động đường không của Nga, ngăn chặn đường tiến công của quân đội Nga về phía Ukraine.

Tuy nhiên, sau cuộc họp ngày 4/3, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chính thức thông báo: “Chúng tôi không phải là một bên trong cuộc xung đột này. Với tư cách đồng minh NATO, chúng tôi có trách nhiệm ngăn chặn cuộc chiến leo thang vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine vì tình hình đó sẽ nguy hiểm, tàn phá và gây thương vong cho dân thường nhiều hơn nữa”.

img

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO quyết định không thiết lập vùng cấm bay để hỗ trợ Ukraine vì lo ngại có thể bị kéo vào cuộc chiến với Moscow nhưng hứa hẹn sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga để kiềm chế chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Vùng cấm bay được lập để chặn máy bay đối phương hoạt động trong một khu vực nhất định, ngăn chặn các cuộc không kích vào khu dân cư.

Cách thức này đã được sử dụng nhiều lần trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, nhất là ở Iraq trong những năm 1990 nhằm ngăn các cuộc không kích vào cộng đồng người Kurd ở miền bắc và người Hồi giáo dòng Shiite ở miền nam nước này.

Trước nữa, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng nhấn mạnh: "Lý do Tổng thống Mỹ Joe Biden không sẵn sàng thực hiện bước đi đó là vì khi lập vùng cấm bay, Mỹ cần hành động thực thi".

"Về cơ bản, quân đội Mỹ phải bắn hạ máy bay Nga nếu tiến vào vùng cấm bay và tạo ra nguy cơ về một cuộc chiến tranh trực diện với Nga. Đây chính là điều chúng tôi muốn tránh", bà Psaki nói.

Sau động thái từ NATO, trong bài phát biểu qua video thu trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cực lực chỉ trích khối quân sự NATO đã "bật đèn xanh" cho Nga tiếp tục chiến dịch quân sự tại nước này.

“Ngày hôm nay là hội nghị thượng đỉnh NATO, một hội nghị yếu đuối, đầy bối rối, cho thấy rõ không ai coi cuộc chiến cho tự do của châu Âu là mục tiêu số 1”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky cho biết.

“Ngày hôm nay, lãnh đạo của liên minh NATO đã bật đèn xanh để các thành phố, làng mạc của Ukraine tiếp tục bị đánh bom, từ chối thiết lập vùng cấm bay”, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo hãng tin RT, trong bài phát biểu qua video, ông Zelensky còn nhấn mạnh, nhiều người dân tại Ukraine sẽ thiệt mạng vì quyết định của NATO.

Viện trợ ít ỏi

Cũng theo hãng tin RT, ông Zelensky đã chỉ trích NATO vì viện trợ ít ỏi, chỉ cấp phép giao lượng nhỏ nhiên liệu tới Ukraine.

“Tất cả những gì liên minh NATO có thể làm đến ngày hôm nay là phân bổ khoảng 50 tấn nhiên liệu diesel cho Ukraine" nhưng có lẽ, "đối với chúng tôi, số lượng đó chỉ đủ để có thể đốt bản ghi nhớ Budapest. Để đốt bản ghi nhớ ấy cháy dữ hơn. Đối với chúng tôi, nó đã bị thiêu rụi dưới làn đạn từ binh sĩ Nga” – ông Zelensky nói và nhắc đến văn bản thoả thuận năm 1994 trong đó Kiev đồng ý tiêu huỷ kho vũ khí hạt nhân từ thời Liên minh Xô viết để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ Mỹ và Nga.

img

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu chỉ trích NATO

Tuy nhiên, trong một bản tin khác do hãng AFP đăng tải ngày 5/3, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, Mỹ đã giao hơn 2/3 số vũ khí nước này hứa viện trợ cho Ukraine hồi cuối tháng 2.

Cụ thể Mỹ đã giao số hàng trị giá 240 triệu USD trong gói cứu trợ trị giá 350 triệu USD mà Mỹ cam kết gửi tới Ukraine.

Nữ quan chức này nhấn mạnh tốc độ viện trợ của Mỹ tới Ukraine rất nhanh bất chấp tình hình giao tranh căng thẳng tại Ukraine.

Trước nữa, từ mùa thu năm ngoái, Washington cũng cấp phép hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 60 triệu USD, sau đó là một gói khác trị giá 200 triệu USD về vũ khí và đạn dược vào tháng 12. Hầu hết các gói viện trợ kể trên đã được giao tới các lực lượng Ukraine.

Ngoài ra, còn có 14 quốc gia khác cũng đã chuyển vũ khí tới Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm vào nước này hôm 24/2. Hiện tại, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất lên Quốc hội để hỗ trợ thêm cho Ukraine, vị quan chức nói.

Theo bà, giới chức Mỹ rất ấn tượng khi chứng kiến các lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp rất hiệu quả.

Ukraine vốn là một nước Cộng hoà thuộc Liên bang Xô viết cũ và nay là đối tác đặc biệt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Từ lâu, Kiev đã muốn gia nhập vào Liên minh châu Âu và khối quân sự NATO (do Mỹ dẫn đầu) nhưng không thành do chưa đáp ứng một số tiêu chuẩn.

Mặt khác, Moscow luôn coi việc Kiev gia nhập NATO là mối đe doạ an ninh với nước này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.