Sau khi đường Nguyễn Thái Bình, quận 1 bị cấm dừng, đỗ xe từ 9 chỗ trở lên, các nhà xe đã dùng taxi chở khách vòng ra đường Phó Đức Chính để lên xe lớn |
Sau tin nhắn của người dân gửi đến Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng về việc "xe dù, bến cóc" trên đường Nguyễn Thái Bình quận 1 gây mất trật tự ảnh hưởng đến người dân, Sở GTVT TP HCM đã tổ chức cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải vào sáng 26/2.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng để xử lý dứt điểm nạn "xe dù, bến cóc" không khó, chỉ cần cơ quan chức năng tập trung, quyết liệt xứ lý đến nơi đến chốn
Lập bến trung chuyển ở nội thành ?
Đại diện nhà xe Thành Bưởi cho biết, xuất phát từ nhu cầu người dân muốn đi xe cho nhanh, gần nên các nhà xe mới đặt văn phòng ở các điểm nội thành, bán vé và rước khách. Nếu nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành đưa hết xe vào bến hoạt động, sẽ gây khó cho người dân lẫn doanh nghiệp. Chẳng hạn, nhiều người dân ở trong nội thành họ muốn đi Vũng Tàu thì họ điện thoại cho nhà xe đến tận nhà đón chứ không ai chạy đến Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây để đón xe rồi lại vòng ngược trở lại Vũng Tàu… Do vậy, nhà xe kiến nghị, TP nên bố trí điểm hỗ trợ để phục vụ loại hình xe hợp đồng, xe du lịch.
Muốn dẹp bỏ xe dù, bến cóc cần thay đổi thói quen của người dân để họ vào bến xe. Ảnh: Đỗ Loan |
Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành nhà xe Hoa Mai cũng đề nghị TP được đón khách ở đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ (quận 2) sau khi đường Nguyễn Thái Bình (quận 1) bị cấm dừng, đỗ xe ô tô từ 9 chỗ trở lên.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Quang, phụ trách điều hành hãng xe Mai Linh cho rằng, đối với loại hình kinh doanh vận tải tuyến cố định TP nên tổ chức một số điểm trạm dừng. Còn nếu đã cấm các doanh nghiệp kinh doanh vận tải không đưa rước khách trong nội thành thì phải cấm hết, tránh trường hợp xe này còn mà xe khác phải đi, sẽ không tạo được sự đồng thuận.
Cần làm thay đổi thói quen của người dân
Ông Lê Trung Tính nguyên Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT TP cho rằng rất dễ phân biệt "xe dù" với các loại xe kinh doanh vận tải có điều kiện. Chẳng hạn, xe hợp đồng có phù hiệu và niên hạn ngắn hơn xe du lịch. Xe du lịch thì nhân viên của nhà xe phải được tập huấn nghiệp vụ và do Sở Du lịch cấp chứng chỉ. Do vậy căn cứ vào quy định của pháp luật thì việc xử phạt rất dễ dàng, chỉ cần cơ quan chức năng quyết liệt xử lý đến nơi đến chốn.
Nói về "phố Tây" ở các đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (quận 1), nơi nhộn nhịp "xe dù, bến cóc", ông Tính kiến nghị TP nên xem xét sử dụng một phần bãi đất trống ở công viên 23/9 làm điểm bến cho các xe kinh doanh vận tải tuyến du lịch đưa đón khách tại đây.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM nhận định, trước đó 5, 7 năm ở trung tâm thành phố không có các bến xe hoạt động như bây giờ. Nếu muốn đi người dân phải ra bến xe, còn bây giờ nhà xe đã tạo thói quen cho người dân ra đường là đã có xe đưa đón. Vì vậy muốn dẹp "bỏ xe dù, bến cóc", ngoài việc yêu cầu doanh nghiệp đưa xe vào bến hoạt động cũng cần tuyên truyền thay đổi thói quen của người dân để lặp lại ổn định trật tự giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận