Vụ cháy Công ty nệm Vạn Thành ở huyện Củ Chi gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. |
Sáng 6/1, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai công tác năm 2017.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết trong năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 361 vụ cháy nổ làm chết 8 người, 27 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 260 tỷ đồng. Các vụ cháy chết người chủ yếu tập trung tại các khu dân cư, mà chủ yếu là các nhà dân đơn lẽ. Số vụ cháy tại các công ty doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cũng tăng mạnh và diễn biến phức tạp hơn, tăng 8 vụ so với cùng kỳ, chiếm trên 90% tổng thiệt hại.
Số vụ cháy chết người tăng trong thời gian qua đã cho thấy, cháy gây chết người và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản vẫn luôn tiềm ẩn cao. Nhờ thế mạnh của công nghệ phương tiện chữa cháy hiện đại, Cảnh sát PCCC thành phố đã kịp thời giải cứu cho 29 người từ trong đám cháy, khống chế được đám cháy nhanh, bảo vệ được nhiều tài sản và hàng trăm mét vuông nhà xưởng tránh cháy lan ra các khu vực xung quanh.
Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM đã thông tin thêm nhiều vấn đề nổi cộm trong công tác PCCC trong thời gian gần đây. Theo đó, sau vụ cháy quán karaoke 13 người chết ở Hà Nội , tại TP.HCM cũng liên tục xảy ra 141 vụ cháy, trong đó có 6 vụ nghiêm trọng làm chết 6 người, và 13 người bị thương.
Từ tình hình đó, Chính phủ, Bộ công an và UBND TP.HCM đã chỉ đạo phải tăng cường tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao như quán karaoke, quán bar, vũ trường.
Đại tá Châu công bố, sau chỉ đạo của cấp trên, Cảnh sát PCCC TP.HCM đã kiểm tra liên tục 1.093 cơ sở, trong đó đã xử lý rất nhiều cơ sở vi phạm quy định về PCCC. Ngoài ra, lực lượng CS PCCC đã và đang mời gần 1.000 chủ cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường lên để tuyên truyền, nhắc nhở.
Đặc biệt, sau khi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng nhà dân đồng thời là quán cà phê ở Lê Văn Sỹ, quận 3 khiến 6 người tử vong vừa qua. Đại tá Châu nhấn mạnh rằng, loại hình nhà dân tận dụng làm cơ sở kinh doanh đang có lỗ hổng lớn khi chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC. Ngoài ra, loại hình này thể hiện sự quản lý còn chồng chéo. Cụ thể, lực lượng cảnh sát PCCC chỉ có trách nhiệm hướng dẫn kiểm tra, còn trách nhiệm quản lý thuộc UBND quận, phường. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý hầu như còn lỏng lẻo. Do đó, đại tá Châu cho rằng giải pháp đầu tiên là kiến nghị Bộ công an và Chính phủ, ra quy chuẩn quản lý để phòng ngừa triệt để các hậu quả xảy ra như thời gian vừa qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận