Quản lý

TP.HCM phân định rõ trách nhiệm quyết chống ùn tắc

20/02/2017, 09:07
image

Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM về các giải pháp này.

9

Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM

TP.HCM đã lên kế hoạch chống ùn tắc tại 37 điểm trên toàn thành phố (TP), trong đó phân rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, quận, huyện. Việc chống ùn tắc được xác định không chỉ là trách nhiệm của ngành Giao thông mà có vai trò đặc biệt quan trọng của các địa phương. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM về các giải pháp này.

Làm cầu, đường xóa điểm ùn tắc

Xin ông cho biết, trong 37 điểm có nguy cơ ùn tắc, những điểm nào được đánh giá là “nóng" nhất?

Theo thống kê của Sở GTVT, đầu năm 2017 trên địa bàn TP có 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông. Khu vực trung tâm có 6 điểm (Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ, ngã sáu công trường Dân Chủ…); khu vực sân bay Tân Sơn Nhất gồm 6 điểm; khu vực cảng Cát Lái có 3 điểm (nút giao An Phú, Mỹ Thủy, đường Nguyễn Thị Định); khu vực cửa ngõ thành phố 8 điểm; khu vực khác là 14 điểm.

Những điểm “nóng", nhất là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, hai cửa ngõ phía Nam và Bắc. Cửa ngõ phía Bắc là đường Trường Chinh, ngay nút giao An Sương; phía Nam là nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh.

Sở GTVT đã lên phương án xử lý những “điểm nóng” ùn tắc này thế nào?

Tại các điểm “nóng”, Sở GTVT đang và sẽ triển khai các công trình chống ùn tắc. Chẳng hạn ở Tân Sơn Nhất đang xây dựng hai cầu vượt thép. Khu vực Cát Lái cũng xây dựng nút giao Mỹ Thủy. Cửa ngõ phía Bắc đang thi công hầm chui An Sương. Đường Nguyễn Văn Linh đã lên kế hoạch để xây dựng nút giao khác mức với đường Nguyễn Hữu Thọ.

Các điểm ùn tắc khác đều triển khai hàng loạt các giải pháp như: Tổ chức phân luồng giao thông tại 30 tuyến đường, cấm đường một chiều, cấm xe tải, ô tô con theo giờ; tổ chức cho xe 2 bánh đi vào đường ôtô trong giờ cao điểm, cấm rẽ trái. Tăng cường cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình giao thông lên hệ thống bảng thông tin giao thông điện tử, qua đó giúp người điều khiển phương tiện có thể lựa chọn lộ trình phù hợp.

Theo ông, cái khó nhất trong việc chống ùn tắc giao thông ở TP.HCM là gì?

Những năm qua, Sở GTVT đã triển khai hàng loạt các giải pháp chống ùn tắc, có cả những giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là quy hoạch và phát triển đô thị chưa đồng bộ khi lượng phương tiện cá nhân tăng cao. Trung bình mỗi ngày TP có 1.030 xe đăng ký mới, tổng số xe cơ giới thành phố đang quản lý là trên 7,6 triệu, tăng 53% so với năm 2010, trong lúc hệ thống hạ tầng giao thông chưa tăng kịp. Các loại hình xe Uber, Grab phát triển cũng gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Tính đến nay tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.044km, đạt mật độ 1,93km/km² (theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam phải đạt 10 - 13,3km/km². Diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ khoảng 7.498ha (theo quy hoạch phải đạt 22.305ha), tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị cũng chỉ đạt 8,23% (theo quy hoạch đạt 22,3%).

Xem thêm video:

Quận, huyện phải có trách nhiệm chống ùn tắc

Trong các kế hoạch chống ùn tắc mà Sở GTVT xây dựng để tham mưu cho UBND TP, Sở GTVT đã chỉ rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đặc biệt là các quận, huyện. Như vậy, việc chống ùn tắc không còn là trách nhiệm riêng của Sở GTVT?

Lâu nay, khi có ùn tắc người ta cứ nghĩ do ngành giao thông không chịu mở rộng đường, lực lượng công an không xuất hiện để điều tiết giao thông… Nhưng phải khẳng định một điều, chỉ riêng Sở GTVT thì không thể giải quyết được tình hình ùn tắc và TNGT đang rất phức tạp như hiện nay. Đây là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, cả những cá nhân tham gia giao thông hàng ngày trên đường. Mỗi người góp một chút, ý thức một chút trong quá trình tham gia giao thông thì tình hình giao thông sẽ khác.

Vấn đề này lãnh đạo TP đã thấy và chỉ rõ trong chương trình giảm ùn tắc của UBND TP cũng như các chỉ đạo của Thành ủy. Như vậy đây là trách nhiệm chung và là sự phối hợp chung của các cơ quan chức năng chứ không chỉ một mình Sở GTVT. Sở GTVT chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND TP để phát triển hạ tầng, tổ chức phân luồng, tối ưu hóa hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, cũng cần sự phối hợp của các lực lượng như công an, đặc biệt là các quận, huyện. Đơn cử như một tuyến đường vừa hoàn thiện xong, nếu quận, huyện không quản lý chặt chẽ dẫn đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán thì ùn tắc chắc chắn xảy ra, TNGT sẽ tăng lên.

Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch chống ùn tắc và gửi về 37 cơ quan, đơn vị sự nghiệp đề nghị góp ý. Thế nhưng, theo chúng tôi được biết đến nay chỉ một số quận, huyện phản hồi. Ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện trong vấn đề này?

Chúng tôi đánh giá phần lớn các quận, huyện cơ bản xác định rõ trách nhiệm trong việc chung sức kéo giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch kéo giảm ùn tắc tại 37 điểm được thực hiện cận Tết, một số quận, huyện chưa nghiên cứu để trả lời chính thức bằng văn bản. Một số quận, huyện trao đổi trực tiếp qua điện thoại hoặc góp ý qua email gửi cho Sở. Đến thời điểm này, công tác xây dựng kế hoạch góp ý của Sở GTVT gửi cho quận, huyện đã hoàn tất để trình UBND TP.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2017, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP đã chỉ rõ trách nhiệm của chủ tịch các quận huyện trong việc giảm ùn tắc, TNGT. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, vai trò của người đứng đầu quận, huyện rất quan trọng để chung tay cùng Sở GTVT kéo giảm ùn tắc giao thông.

Vậy, trách nhiệm cụ thể của Sở GTVT, các quận, huyện như thế nào?

Sở GTVT có nhiệm vụ đảm bảo kết cấu hạ tầng, phân luồng giao thông tại vị trí ùn tắc, đẩy nhanh tiến độ dự án các công trình. Quận, huyện có nhiệm vụ tăng cường lực lượng, hỗ trợ điều tiết giao thông, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường cũng như phối hợp điều chỉnh tại nơi thường xảy ra ùn tắc.

Chẳng hạn, tại các trường học, có thể sắp xếp lại thời gian đưa đón học sinh vào giờ tan tầm cho hợp lý hơn để không xảy ra ùn tắc. Các quận, huyện có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tuyên truyền đến từng tổ dân phố, người dân. Nếu công tác tuyên truyền được thực hiện tốt, mỗi người khi tham gia giao thông chấp hành Luật GTĐB, người buôn bán không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì bộ mặt giao thông của TP có chuyển biến ngay.

Thời gian gần đây, các quận, huyện đã có sự phối hợp với Sở GTVT. Tuy nhiên, một số tuyến đường thường xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, ở những nơi này địa phương cũng chưa xử lý triệt để và chưa đạt hiệu quả cao. Sở GTVT mong muốn các quận, huyện thời gian tới chú trọng tập trung để giải quyết triệt để tình trạng này.

Cảm ơn ông!

10

Cảnh kẹt xe kéo dài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ảnh: Đỗ Loan

37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông

Khu vực trung tâm TP: 6 điểm (Khu vực Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm; giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo; Khu vực Lý Tự Trọng - Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn; Ngã sáu công trường Dân Chủ; Đường Nguyễn Tất Thành; Khu vực Sư Vạn Hạnh - Thành Thái - 3 tháng 2).

Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: 6 điểm (Đường Trường Chinh, đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ - Tân Quý); Vòng xoay Lăng Cha Cả; Giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám; Giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn; Vòng xoay Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm; Đường Hoàng Minh Giám).

Khu vực cảng Cát Lái: 3 điểm (Nút giao An Phú; Đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái); Nút giao Mỹ Thủy).

Khu vực cửa ngõ thành phố: 8 điểm (Khu vực Xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương; Giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh; Giao lộ Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư; Ngã tư Tây Hòa; Ngã tư Thủ Đức; Ngã tư An Sương; QL50 (cầu Ông Thìn); Giao lộ QL50 - Nguyễn Văn Linh).

Khu vực khác: 14 điểm (Giao lộ Lê Văn Việt - Đình Phong Phú; Đường Lã Xuân Oai, từ cầu Tăng Long đến đường Lò Lu); Giao lộ Tô Ngọc Vân - TX25; Ngã tư Bốn Xã; Ngã sáu Gò Vấp; Giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng; Giao lộ Lê Quang Định - Phạm Văn Đồng; Đường Phan Văn Trị (đoạn từ cầu Hang Trong đến đường Phạm Văn Đồng); Giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị; Giao lộ Quang Trung - Lê Văn Thọ; Giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng; Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt sỹ); Giao lộ Vĩnh Lộc - Nguyễn Thị Tú - Quách Điêu; Đường Quang Trung khu vực qua Chợ Hóc Môn).

Đỗ Loan

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.