Quản lý

TP.HCM tìm giải pháp "kéo" người dân đi xe buýt nhiều hơn

08/04/2016, 18:59

Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị tìm giải pháp "kéo" người dân đi xe buýt nhiều hơn.

IMG_1158

Hội nghị tìm giải pháp "kéo" người dân đi xe buýt nhiều hơn.

Ngày 8/4, Sở GTVT TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động và trợ giá xe buýt. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã tới dự.

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TP.HCM, từ năm 2013 đến nay, khối lượng vận chuyển HKCC đang có xu hướng đi xuống, nhiều phương tiện bắt đầu xuống cấp sau 10 năm hoạt động. Trong khi đó, một số giải pháp đồng bộ đi kèm chưa triển khai hoặc triển khai chậm…

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2013, lượng hành khách đi xe buýt đạt hơn 411 triệu lượt, năm 2014 là 367 triệu lượt và 2015 là 334,5 triệu lượt.

Hiện nay, trong lĩnh vực hoạt động VTHKCC thì xe buýt chiếm 58,2%, taxi chiếm 41,8%. Đến cuối năm 2015, TP.HCM có 136 tuyến buýt (105 tuyến có trợ giá và 31 tuyến không trợ giá). Hiện, tổng số xe buýt trên toàn thành phố là 2.786 xe.

Hiện trạng bến bãi, cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố chỉ đạt 13,7% so với chỉ tiêu kế hoạch và phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện.

Về quy hoạch phát triển hệ thống VTHKCC thành phố, mặc dù đã thực hiện trong thời gian dài (từ năm 2009), tuy nhiên đến nay vẫn còn đang lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc TP.HCM…

Phát biểu tham luận tại hội nghị, TS. Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nếu ý kiến: Trợ giá cho phía đơn vị vận tải như hiện nay, thực chất là trợ giá cho địa bàn (hay trợ giá cho các tuyến ít hành khách), qua đó hỗ trợ để bù lỗ cho đơn vị vận tải và góp phần giảm giá vé cho hành khách.  

Vấn đề đặt ra cần giải quyết 2 mâu thuẫn, đó là: Về phía cung, nên trợ giá thế nào để đơn vị cung ứng không “ỷ lại” về khoản trợ giá, cải tiến chất lượng dịch vụ, thu hút càng nhiều khách. Còn về phía cầu, cần có chính sách giảm bớt hoặc kiểm soát hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân (ví dụ: ban đầu cấm một vài tuyến đường), hỗ trợ tăng tính co giãn của đường cầu (tác động tăng sản lượng khi trợ giá).

Ông Tân kiến nghị một số giải pháp phát triển VTHKCC trên cơ sở ý kiến của người dân, hành khách đi xe buýt; từ phía cơ quan quản lý nhà nước và vấn đề đầu tư cho phương tiện, cơ sở hạ tầng…

Tham luận của GS.TS. Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh Tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM nêu lên các chỉ tiêu đo lường hiệu quả chính sách trợ giá xe buýt; Đánh giá hiệu quả chính sách trợ giá xe buýt hiện nay; Quan điểm trợ giá xe buýt và đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả chính sách trợ giá xe buýt tại TP.HCM.

Bà Cành cho rằng, trợ giá phải căn cứ vào kết quả đầu ra chứ không phải dựa vào chi phí đầu vào như đang thực hiện. Trợ giá cho hành khách chứ không phải cho doanh nghiệp.

Bà Cành đề xuất, cần tăng cường giám sát, đánh giá lại nhu cầu hành khách theo tuyến để không trợ giá tràn lan. Thống kê lại các đối tượng được trợ giá, các tuyến có nhiều đối tượng trợ giá; trên cơ sở đó xác định số tuyến và số lượng hành khách theo đối tượng và mức trợ giá.

Về lâu dài, cần tạo điệu kiện để phương tiện công cộng thuận lợi cho người đi lại so với phương tiện cá nhân (nhanh hơn, an toàn hơn, dịch vụ tốt hơn…); thu phí cao đối với các loại xe cá nhân; cấm xe máy ở một số đường khu trung tâm; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tuyến xe buýt…

Phát biểu tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao các ý kiến tham luận của các chuyên gia về vấn đề trợ giá xe buýt trên địa bàn thành phố. Vấn đề hiện nay là triển khai cụ thể thế nào?

IMG_1200

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị

Theo ông Hùng, có hai cách để thực hiện trợ giá, đó là nhà nước cấp tiền để hành khách mua vé xe buýt hoặc nhà nước mua lại sản phẩm (vé) của doanh nghiệp vận tải và bán lại cho người dân (ví dụ: mua 10 nghìn đồng, bán lại 5 hoặc 3 nghìn đồng thôi).

“Để nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong trợ giá thì việc đầu tiên phải xác định đối tượng nào được hưởng trợ giá. Ngoài ra, cần tập trung cho một nhà đầu tư hoặc thực hiện cổ phần hóa các HTX vận tải HKCC để nâng cao hiệu quả hoạt động…”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Kết luận hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhận định, hoạt động VTHKCC trên địa bàn thành phố thời gian qua mặc dù đã có những bước phát triển lớn nhưng chưa được như kỳ vọng. Điểm nổi bật là người dân tham gia VTHKCC chi phí rẻ hơn xe cá nhân, thời gian đi lại nhanh hơn, an toàn và đảm bảo môi trường hơn.

Để nâng cao hiệu quả VTHKCC, Sở GTVT thành phố đã tổ chức rất nhiều hội thảo, các cuộc họp, hội nghị để tìm cách “kéo” người dân thành phố tham gia giao thông bằng phương tiện vận VTHKCC.

Qua đó, tựu chung lại có 3 nhóm giải pháp liên quan đến chủ thể quản lý nhà nước, nhóm đối tượng tham gia quản lý, nhóm công vụ…

“Phải lấy hành hành khách là trung tâm, thay đổi tư duy, đánh giá lại các mặt công tác trong phục vụ VTHKKCC. Tăng lượng khách phải tiến hành song song với việc cải thiện chất lượng phục vụ, đổi mới phương tiện, đầu tư cơ sở hạ tầng…”, ông Cường nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.