Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Đó là thực tế được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra khi thảo luận về Dự thảo Luật Bí mật Nhà nước sáng 22/11.
Bà Nga cho rằng các quy định của luật này phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu: Đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, và đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, của ĐBQH, của báo chí và đảm bảo hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Để đảm bảo được các yêu cầu này là khó, nhưng bà Nga cho rằng dù khó vẫn phải làm, để đảm bảo cân đối giữa bảo vệ bí mật và công khai minh bạch; giữa quyền tiếp cận thông tin và yêu cầu đảm bảo bí mật.
Thực trạng hiện nay, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đang có việc bí mật Nhà nước bị lộ. Ngay cả trên không gian mạng, có những văn bản mật của cơ quan quan trọng được chụp đưa lên. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi ích của Nhà nước, của quốc gia.
Nhưng ngược lại, cũng có tình trạng lạm dụng luật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. “Danh mục mật chậm rà soát, sửa đổi. Có những danh mục mật từ năm 2000-2004 tới nay chúng ta vẫn dùng. Trong khi hệ thống luật, việc công khai minh bạch, sửa đổi rất nhiều. Có cơ quan đóng mật vào cả danh sách vụ trưởng hiện hành thì có gì đâu mà mật? Có Bộ đóng dấu mật cả vào trả lời chất vấn ĐBQH dù không có thông tin mật làm cho ĐBQH không thể trả lời cử tri về các thông tin mà mình chất vấn” – bà Nga nêu thực tế.
Theo bà, nhiều cơ quan Bộ, ngành chậm công khai, công khai hình thức, lạm dụng bảo mật không công khai dẫn tới ảnh hưởng đến Nhà nước và tổ chức, công dân, ảnh hưởng đến công tác phòng chống tham nhũng.
Đặc biệt, bà Nga cho rằng việc lạm dụng quy định mật đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp. “Chúng tôi theo dõi một số vụ án và thấy một số cá nhân rơi vào vòng lao lý trong những trường hợp văn bản quy định về bảo mật không rõ ràng. Một số phóng viên báo chí, thậm chí một số cán bộ công chức trong một số trường hợp và trên thực tế đã bị quy làm lộ mật” – bà Nga nói và đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các điều liên quan tới phân loại, danh mục, điều cấm trong dự thảo luật là chưa thực sự rõ ràng, minh bạch.
Về việc bảo vệ thông tin mật, bà Nga lưu ý làm sao cho ĐBQH có điều kiện thuận lợi khi thảo luận các báo cáo, tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn báo chí.
“Vừa qua chúng ta có chương trình truyền hình trực tiếp, trong đó có phiên báo cáo về công tác tư pháp. Trong phiên làm việc này Ủy ban thẩm tra, đại biểu cũng lúng túng vì nhận được 5 văn bản của các cơ quan VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, ngay Ủy ban Tư pháp rất là lo vì các cơ quan đóng dấu mật mà Ủy ban Tư pháp không đóng dấu mật, nhưng khi chúng tôi tra các văn bản quy định thì đại đa số là không mật nữa. Danh mục mật của các cơ quan tư pháp chậm sửa đổi, rất khó khăn nên đại biểu rất lúng túng” – bà Nga nêu thực tế.
ĐB Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh cũng cho rằng quy định giải mật chưa rõ ràng. Theo ông, có những bí mật nhà nước đương nhiên được giải mật bởi sự kiện pháp lý, nhưng cũng có bí mật cần giữ vĩnh viễn, vì thế phải tính đến thời hạn giải mật.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá công tác bảo vệ bí mật Nhà nước có vị trí quan trọng. Việc lộ lọt gây thiệt hại nghiêm trọng cả chính trị, quân sự, ngoại giao, ảnh hưởng quyền lợi của người dân.
Tuy nhiều cố gắng, nhưng luật cần tiếp tục hoàn thiện, vì thế Bộ trưởng Công an xin tiếp thu tất cả ý kiến đóng góp của các ĐBQH.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận