Giao thông

Trạm cân “trùm mền” do chưa có kế hoạch kiểm tra, xử lý

28/02/2017, 07:24
image

Trạm cân lưu động đã dừng hoạt động, khiến xe quá tải bùng phát trở lại.

5

Bàn cân và các trang thiết bị kiểm tra tải trọng lưu động nằm ở cầu thang của trụ sở TTGT Ninh Bình

Sau khi kết thúc Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an, một số địa phương chưa kịp xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra nên trạm cân lưu động đã dừng hoạt động, khiến xe quá tải bùng phát trở lại. 

Đủ lý do trạm ngưng hoạt động

Ngày 24/2, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến QL70, ghi nhận trạm kiểm soát tải trọng xe tại đây đã dừng hoạt động. Lý giải việc này, ông Đỗ Văn Dự, Giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết, sau khi kết thúc quy chế phối hợp giữa TTGT và công an, lực lượng công an sẽ đảm nhận nhiệm vụ kiểm soát xe quá tải lưu động tại trạm. Sở GTVT cũng chủ động kiểm soát tại những tuyến đường nóng về xe quá tải.  Hiện, đơn vị đang lập kế hoạch để phối hợp với CSGT Công an tỉnh tổ chức các đoàn kiểm soát tải trọng, dự kiến đầu tháng 3 sẽ bắt đầu ra quân kiểm soát vi phạm tải trọng trên QL37.

Cũng theo ông Dự, nếu chỉ có lực lượng TTGT thực hiện kiểm soát tải trọng xe sẽ không làm được vì không được dừng xe để kiểm tra. Ngoài ra, với tinh thần kiên quyết xử lý xe quá tải, ngành GTVT Yên Bái đến nay đã trang bị đầy đủ cân tải trọng lưu động cho các huyện, thị, thành phố để các địa phương chủ động nắm bắt thời điểm xe quá tải hoạt động gây bức xúc và xử lý ngay từ cơ sở.

Tại Tiền Giang, lý giải về trạm cân của tỉnh dừng hoạt động, ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, từ sau ngày 22/9/2016 lực lượng CSGT tỉnh không còn tham gia kiểm soát tải trọng tại trạm cân. Cũng tại thời điểm này, trạm cân do Tổng cục Đường bộ VN cấp được gửi đi bảo hành, sửa chữa gần 1 tháng nên trạm tạm ngừng hoạt động kiểm soát trên QL1. Sau khi được bảo hành xong, trạm cân do lực lượng TTGT tỉnh quản lý, đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng, tiếp tục thực hiện kiểm soát tải trọng lưu động trên các tuyến đường tỉnh, huyện. Kiểm soát ở các bến bãi, kho hàng, cảng, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên ô tô… qua đó đã phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm; Lập biên bản xử lý 54 trường hợp, trong đó quá tải cầu đường 24 trường hợp, quá tải theo thiết kế 24 trường hợp.

Tại Đồng Nai, trao đổi với Báo Giao thông chiều 27/2, ông Dương Mạnh Hưng, Chánh TTGT tỉnh cho biết, trạm cân lưu động đặt trên QL51 từ tháng 4/2014 trong quá trình kiểm tra tải trọng xe cũng gặp một số lỗi thiết bị gây ảnh hưởng đến việc cân xe. Mỗi khi xảy ra sự cố thiết bị phải gửi về Hà Nội sửa chữa nên mất rất nhiều thời gian và bất tiện. Sau khi kết thúc Kế hoạch liên ngành 12593, do lực lượng CSGT đã rút khỏi trạm nên trạm đã tạm ngưng hoạt động từ sau Tết và đang xin ý kiến Sở GTVT để kiện toàn lại và dự kiến sẽ đưa về lắp đặt trên QL1K. Hiện Thanh tra Sở vẫn xử lý xe quá tải bằng cân xách tay di động trên các tuyến QL trên địa bàn và xử lý tại các điểm tập kết hàng hóa, kho bãi, mỏ vật liệu.  

Xem thêm video:

6
Trạm cân tải trọng Ninh Bình sử dụng cân xách tay

Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu xe quá tải tái diễn

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Văn Chung, Phó vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, sau khi kết thúc Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT, Bộ Công an có Thông báo số 13 về kết luận hội nghị tổng kết kế hoạch phối hợp giữa hai bộ. Theo đó, lực lượng CSGT rút khỏi các trạm cân. Mỗi lực lượng sẽ kiểm soát tải trọng xe theo đúng chức năng, thẩm quyền. Bên cạnh đó, thông báo này cũng quy định rất rõ, lực lượng CSGT sẽ phải chịu trách nhiệm chính kiểm soát tải trọng xe trên hệ thống đường bộ. TTGT duy trì kiểm soát tải trọng xe ở đầu nguồn hàng là các cảng, bến bãi, mỏ vật liệu và duy trì hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. Lực lượng chức năng địa phương chủ động tham mưu cho lãnh đạo ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý xe quá tải.

“Tuy nhiên, khi kết thúc phối hợp, một số tỉnh dừng hoạt động trạm cân với lý do phải xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng xe khác của tỉnh. Vì vậy, tỉnh nào xây dựng kế hoạch nhanh sẽ triển khai sớm và ngược lại tỉnh nào ban hành kế hoạch chậm thì nguy cơ xe quá tải bùng phát rất cao”, ông Chung nói.

Lý giải về thiết bị trạm cân tại một vài địa phương hay bị hỏng, ông Chung cho rằng, điều này chỉ xảy ra cục bộ tại một vài địa phương. Vì đây là thiết bị điện tử nên khi các trạm cân lưu động được đặt ngoài trời, chịu tác động nhiều của mưa, nắng. Cùng đó, một số trạm hay xảy ra hư hỏng do địa bàn có lưu lượng xe lớn, thiết bị cân hoạt động nhiều nên chuyện hư hỏng là bình thường. Việc hư hỏng không xảy ra trong thời gian kéo dài mà chỉ một thời gian ngắn bộ phận sửa chữa khắc phục rất nhanh. Nhiều địa phương khi trạm cân hỏng đã sử dụng cân xách tay để kiểm soát. Thời điểm đầu năm là giai đoạn kiểm định cân nên một số trạm cân đưa ra Hà Nội sửa chữa, bảo hành, kiểm định.

Trả lời về nhiều ý kiến cho rằng, trước đây các trạm cân hoạt động hiệu quả khi có lực lượng CSGT, nhưng từ khi lực lượng này rút đi trong khi TTGT không có quyền yêu cầu dừng xe khiến trạm cân xe lưu động không thể hoạt động, ông Chung khẳng định, TTGT được quyền dừng xe khi có dấu hiệu vi phạm tải trọng để xử lý theo quy định của Luật GTĐB và Nghị định 46 về xử phạt VPHC trong lĩnh vực GTĐB, đường sắt. Xe quá tải tái diễn chỉ là hiện tượng tại một vài địa phương, không phải là hệ thống. Hiện, nhiều tỉnh thực hiện khá tốt như: Hải Phòng, Vĩnh Long, Nghệ An...

“Chỉ thị 32 của Thủ tướng cũng giao trách nhiệm kiểm soát tải trọng xe cho các địa phương. Người đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải trên địa bàn. Bộ GTVT chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, đôn đốc việc thực hiện. Những địa phương nào xe quá tải tái diễn chứng tỏ công tác chỉ đạo của địa phương đó chưa sâu sát, lực lượng chức năng không quyết liệt trong xử lý”, ông Chung nói.

Ông Hoàng Vũ Nhuận, phụ trách Ban ATGT tỉnh Cao Bằng:

Khó kiểm soát vì lực lượng mỏng

Hiện, trạm cân của tỉnh vẫn hoạt động nhưng chỉ có lực lượng TTGT của Sở GTVT tỉnh đảm nhận. TTGT bố trí trực 24/24h nhưng do lực lượng mỏng, mỗi tổ trực chỉ duy trì được tối đa 6 người trong một ca nên không đảm bảo. Ngoài ra, điều kiện địa hình và cơ sở hạ tầng giao thông ở Cao Bằng rất khó để bố trí vị trí đặt trạm. Thành ra, dù là trạm cân lưu động nhưng từ lúc đi vào hoạt động đến nay, trạm cũng chỉ đặt ở một điểm cố định. Chính vì điều kiện không gian nơi đặt trạm cân chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn nên nhiều lái xe đã tìm cách chống đối bằng cách cố tình dừng đỗ tràn lan ở khu vực trạm cân để gây sức ép.

Ông Ngô Văn Điềm, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Hòa Bình:

Duy trì cân xách tay kiểm tra tải trọng

Ngày 30/8/2016, khi Kế hoạch 12593 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an kết thúc, ngay chiều 1/9/2016 lực lượng CSGT rút ngay khỏi trạm. Từ ngày 1/9/2016 đến nay, chúng tôi vẫn duy trì hoạt động của trạm cân 24/24h vào tất cả các ngày trong tuần. Thời gian cân hỏng hoặc phải đem cân đi kiểm định, chúng tôi bố trí cân xách tay để kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe. Mỗi ca trực duy trì 7 người. Tuy nhiên, từ lúc hoạt động độc lập cũng phát sinh một số khó khăn như những trường hợp xe bỏ chạy. Trước kia có lực lượng CSGT phối hợp, có thể truy đuổi chặn lại được, giờ nhiều trường hợp không chấp hành thì không xử lý được.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Sơn La:

Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ

Trạm cân của tỉnh chính thức dừng hoạt động từ tháng 9/2016. Hiện, hai lực lượng CSGT và TTGT thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình. CSGT kiểm tra ngoài đường còn TTGT xử lý xe quá tải tại các đầu nguồn hàng. Ngoài ra, TTGT còn làm việc với các doanh nghiệp, chủ xe đề nghị kí cam kết không chở quá tải nên vi phạm tải trọng trên địa bàn tỉnh được kiểm soát.    

Nhóm PV (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.