Thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) vỡ cống dẫn dòng khi tích nước vào tháng 9/2016 khiến 2 người tử vong. |
Bà Lê Thị Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho rằng, không nơi nào nhiều thủy điện như Quảng Nam (42 thủy điện), giờ xây thêm 4 cái nữa sẽ để lại hệ lụy lâu dài. Theo bà Thủy, việc mất đất, mất rừng cho thủy điện chưa được tính toán kỹ, các bên mới chỉ đưa ra góc độ phát triển kinh tế. “Khi xây thêm thủy điện, đời sống đồng bào miền núi Nam Trà My ảnh hưởng vì cuộc sống của họ gắn liền với thiên nhiên. Xây thêm thủy điện còn tác động đến môi trường sinh thái, gây biến đổi khí hậu. Giờ chúng ta phá dần dần thì hậu thế 100 năm sau sẽ gọi chúng ta là tội đồ”, bà Thủy thẳng thắn.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, UBND tỉnh Quảng Nam có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề xuất bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 4 dự án thủy điện nằm trên địa bàn huyện Nam Trà My có tổng công suất 78,8MW, tổng diện tích chiếm đất của 4 dự án là 144,27ha (bình quân 1,83ha/1MW). Trong đó, chiếm đất lâm nghiệp 60,1ha (2,44ha đất quy hoạch rừng phòng hộ và 57,66ha đất quy hoạch rừng sản xuất, hiện trạng chủ yếu là rừng tre nứa và rừng trồng), không ảnh hưởng đến đất ở, đất lúa, đất sản xuất của người dân.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, việc này “không có gì đáng lo”. Ông Bửu lập luận, đây đều là các thủy điện vừa và nhỏ, không ảnh hưởng đến tự nhiên và nước từ 4 nhà máy thủy điện đều đưa về Thủy điện Sông Tranh 2 (thủy điện bậc thang) nên hạ du không bị ảnh hưởng.
Ông Bửu cũng cho rằng, việc đầu tư đường dây 110KV từ Bắc Trà My lên Nam Trà My ngốn hết 400 tỷ đồng trong khi ngân sách hạn hẹp, nên việc xây thủy điện tại chỗ phục vụ phát triển KT-XH là cần thiết. “Tôi cam đoan việc xây dựng thủy điện không ảnh hưởng đến rừng, không ảnh hưởng đến người dân, chỉ góp phần phát triển KT-XH. Tất nhiên việc gì cũng có hai mặt, nhưng mặt thiệt hại quá nhỏ so với cái lợi”, ông Bửu khẳng định.
Tuy nhiên, một vấn đề khác chưa được các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam đề cập nhiều là khu vực Nam Trà My thường xuyên xảy ra động đất, đảo lộn cuộc sống người dân. Nhiều năm nay, hàng chục vụ động đất cường độ từ 2,5 - 4,5 độ richter xảy ra khiến người dân lo lắng.
Trao đổi với PV, GS. Cao Đình Triều, chuyên gia nghiên cứu động đất cho biết, động đất kích thích được kích hoạt sớm hơn do nước từ các hồ chứa thủy điện thẩm thấu vào đới đứt gãy tạo ra. Các trận động đất kích thích có cường độ nhỏ hơn động đất tự nhiên (tối đa khoảng 4,7 độ richter), trong khi thiết kế thủy điện phải đảm bảo chịu được động đất 5,5 độ richter. “Nếu làm thủy điện, phải đảm bảo kỹ thuật công trình xây dựng chuẩn. Trước đây, Thủy điện Sông Tranh 2 có vấn đề như vậy nên bị nứt nhưng sau khắc phục được. Đây là bài học nếu xây mới thủy điện, tác động vào tự nhiên”, GS. Cao Đình Triều khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận