Văn hóa - Giải Trí

Tranh cãi ngôi đền thờ Tổ họ Trần mới ở Thái Bình

11/05/2019, 07:16

Ngôi đền thờ Tổ họ Trần mới ở Thái Bình do ông Trần Văn Sen, TGĐ Công ty Sản xuất Kinh doanh XNK Hương Sen làm chủ đầu tư.

img
Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam tại thôn Phương La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình

Ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình “mọc” thêm một ngôi đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam (tên giấy phép là Đền Nhà Ông). Nhân vật chính được tôn thờ trong đền thờ là ông Trần Hoằng Nghị. Đền cao 41m với diện tích sử dụng 800m2, được xây dựng từ năm 2002 khánh thành năm 2011. Tuy nhiên, dòng tộc họ Trần cũng như nhiều ý kiến của các giáo sư sử học cho rằng, nhân vật Trần Hoằng Nghị này không phải là bố của Trần Thủ Độ.

Ngôi đền “hai trong một”

Tìm về thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình, theo ghi nhận của phóng viên, ngôi đền thờ có treo tấm biển rất lớn “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Đền có quy mô hoành tráng với 3 tầng, được sơn màu vàng và kiến trúc không giống kiến trúc thường thấy ở những ngôi đền, chùa tại Việt Nam. Bên ngoài ngôi đền có treo 3 chữ Nôm “Đền Nhà Ông”. Tổng diện tích khuôn viên đền khoảng 5ha. Điều đáng nói, tại tầng 2 thờ nhân vật chính là Trần Hoằng Nghị (Hoằng Nghị đại vương) bằng đồng nặng hơn 5.082kg và được dát vàng 9999 với chiều cao hơn 1,5m đặt ở trung tâm điện thờ. Ngoài ra, tầng này còn thờ 4 vị phu nhân của Trần Hoằng Nghị.

Tầng 3 thờ Thủy tổ Trần Kinh và các vị vua Trần, quan lại mang họ Trần. Thậm chí, ban thờ Đức Thánh Trần còn có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các bức tượng nặng từ 350 - 700kg cũng được dát vàng. Đặc biệt, dưới tầng hầm của đền thờ có một ngôi mộ được xây dựng khá khang trang và được giới thiệu là mộ của Trần Hoằng Nghị.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi đền này do ông Trần Văn Sen, TGĐ Công ty Sản xuất Kinh doanh XNK Hương Sen làm chủ đầu tư. Đền thờ lấy ngày 14 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm làm ngày Đại lễ giỗ Trần Hoằng Nghị với nhiều nghi thức lễ rước linh đình.

Chính điều này đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ dòng họ Trần. Thiếu tướng, PGS. Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần cho biết, trong tất cả các sách lịch sử chính thống của Việt Nam từ trước tới nay, không có một dòng nào trong một cuốn sách nào nói về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Đây là một nhân vật vẫn còn là tồn nghi trong lịch sử dân tộc.

Điều này đúng như GS, nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định, trong lịch sử không tồn tại nhân vật nào có tên Trần Hoằng Nghị, cũng không có ghi cha của Trần Thủ Độ là ai. Và cha của Trần Thủ Độ (nếu có) lại càng không phải ông Tổ họ Trần. “Chúng ta có phả hệ 5 đời Tổ họ Trần, bắt đầu từ cụ Trần Kinh, tới Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa và đến Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh). Không có một ông Tổ nào khác là Trần Hoằng Nghị. Đây chắc chắn là sự bịa đặt và xuyên tạc lịch sử”, GS. Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Thế nhưng, ông Trần Bình Trọng, một người trong Ban quản lý Đền Nhà Ông lại cho biết, Trần Hoằng Nghị là con của Trần Hấp và là cha của Trần Thủ Độ. Trước đây, Trần Hoằng Nghị đã khai khẩn khu vực Bến Trấn (thôn Phương La bây giờ). Sau này khi qua đời, Trần Hoằng Nghị được đưa về đây mai táng và được nhân dân dựng ba gian thờ, gọi là Đền Nhà Ông. “Sau này, Ban chấp hành họ Trần đổi tên thành Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam, nhưng trong các văn khấn vẫn khấn là Đền Nhà Ông”, người này khẳng định.

Chưa làm thủ tục đổi tên?

Trước khi có công trình Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam (thôn Phương La) vào năm 2011, ở Thái Bình chỉ có duy nhất một đền Trần ở xã Tiến Đức. Đây là đền thờ gắn với lăng mộ của các vị vua Trần và được coi là nơi phát tích, nơi sinh tồn phát triển, dựng nghiệp của triều đại nhà Trần. Mỗi năm, không chỉ con cháu họ Trần về đây lễ tổ mà còn thu hút đông đảo du khách khắp đất nước tới dâng hương và vãn cảnh.

Phóng viên đã liên hệ với Sở VH, TT&DL tỉnh Thái Bình và UBND tỉnh Thái Bình để tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên đến nay, hai đơn vị này vẫn chưa cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Theo tìm hiểu, ngôi đền này trước đây được UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy phép, cho phục dựng Đền Nhà Ông từ nền móng cũ. Chia sẻ về việc đổi tên từ Đền Nhà Ông sang Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam, ông Trần Hồng Đức, PCT Thường trực BCH Họ Trần tại Phương La thông tin, việc đổi tên là từ thời Hòa thượng Thích Thanh Tứ làm Chủ tịch Họ Trần Việt Nam. “Cụ là một trong những người quyết định, vì đền có thờ tất cả các quan họ Trần. BCH Họ Trần Việt Nam (tại Phương La) quyết định như thế vì Tổ của người ta, người ta có quyền”, ông Đức cho hay.

Chia sẻ về ngôi đền Đền Nhà Ông còn có tên Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam tại thôn Phương La, ông Nguyễn Công Khanh (Trưởng phòng văn hóa UBND huyện Hưng Hà, Thái Bình) khẳng định, trên quê hương phát tích của nhà Trần, có rất nhiều di tích liên quan tới nhà Trần như: Hành cung Lỗ Giang (xã Hồng Minh), Đền thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (xã Liên Hiệp), khu di tích đền Trần (xã Tiến Đức)… nhưng ở xã Thái Phương chưa có di tích nào gắn với nhà Trần nằm trong danh mục kiểm kê của huyện.

Theo ông Khanh, từ năm 2002, Phòng văn hóa huyện đã nhận được Văn bản đề nghị của dòng họ Trần là xây dựng Đền Nhà Ông. Huyện đã trình lên UBND tỉnh và đã được chấp nhận phê duyệt. Do đó, trong các văn bản thủ tục hành chính, khu đền này có tên là Đền Nhà Ông và hiện vẫn chưa có thủ tục đề nghị đổi tên thành Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam.

“Còn Đền Nhà Ông chỉ là nhà thờ của nhánh họ Trần ở thôn Phương La. Thế nên, trong việc dòng họ xây dựng nhà từ đường, tổ chức lễ hội theo tín ngưỡng của dòng họ thì phòng văn hóa chỉ có chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn con cháu trong dòng họ thực hiện các việc làm đúng theo pháp luật”, ông Khanh nói.

Ông Khanh cũng thừa nhận, Hoằng Nghị đại vương vẫn là nhân vật đang tồn nghi mà cả lịch sử Việt Nam chưa xác định được. “Để làm sáng tỏ thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là ai vẫn phải cần các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử vào cuộc”, ông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.