Con tàu huyền thoại Titanic cùng khoảnh khắc sống còn lúc chìm tàu sẽ được tái hiện trong dự án “Titanic made in China”. |
Đầu tháng 12 vừa qua, bản sao đầu tiên trên thế giới của Titanic huyền thoại với kích thước như thật bắt đầu được chế tạo, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Titanic “made in China”
Sau hơn một thế kỷ kể từ vụ đắm tàu Titanic lịch sử khiến 1.500 người thiệt mạng, bản sao của Titanic lần đầu tiên được khởi công xây dựng tại huyện Đại Anh, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, cách biển hơn 1.200km, do Công ty Đóng tàu Wuchang thực hiện. Lễ khởi công dự án diễn ra ngày 1/12/2016 được lồng ghép với hoạt động tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đắm tàu thảm khốc. Tổng chi phí dự án khoảng 1 tỉ NDT (145 triệu USD), nằm trong chương trình phát triển du lịch được chính quyền huyện Đại Anh, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc cấp một phần ngân sách. Dự kiến, tới năm 2018, khi hoàn thành, bản sao của Tinanic có chiều dài 269m, rộng 28m với thiết kế tương tự Titanic nguyên bản, không thiếu các tiện nghi như: Phòng khiêu vũ, rạp chiếu phim, bể bơi....
Ông Su Shaojun, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư năng lượng Qixing, chủ đầu tư dự án Titanic II cho biết: “Để có thể phục dựng thiết kế của chiếc tàu lớn nhất thế giới năm xưa, chúng tôi phải mất nhiều năm thu thập các bản thiết kế từ khắp nơi trên thế giới, đến nay đã tìm được phần lớn”.
Dù giống hệt về thiết kế, hình dáng nhưng “Titanic made in China” không giương buồm ra khơi mà neo đậu vĩnh viễn tại hồ chứa trên sông Kỳ Giang chỉ để khách tham quan trải nghiệm. Bản sao Titanic có thể đón 1.500 hành khách. Với giá phòng rẻ nhất là 396 USD/đêm và đắt nhất là 14.515 USD/đêm, khách qua đêm và thưởng thức các món ăn giống hệt chuyến tàu xấu số năm 1912.
Kiếm tiền trên nỗi đau người đã mất?
Thiết kế phòng ngủ tương tự trên tàu Titanic nguyên bản. |
Để thu hút du khách, chủ dự án Titanic II còn muốn dựng lại hoạt cảnh khi chiếc tàu khổng lồ va phải băng và gặp nạn. Với công nghệ 6D, hành khách sẽ có trải nghiệm y như thật lúc chiếc tàu huyền thoại nghiêng ngả chuẩn bị chìm - cảnh tượng đau thương vốn lấy nước mắt của hàng trăm triệu người trên thế giới qua bộ phim Titanic. Dưới “tác động ảo”, tàu sẽ rung lắc như thật cùng hiệu ứng âm thanh và ánh sáng, hành khách sẽ cảm nhận như: “Nước sắp ập tới và nhấn chìm tất cả, phải tìm cách thoát thân!”, ông Su Shaojun, Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư năng lượng Qixing cho biết.
Song ý tưởng táo bạo này gây không ít tranh cãi, và là một phần lý do vì sao dự án Titanic II được “thai nghén” trong suốt hai năm nhưng phải đến đầu tháng 12/2016 mới khởi công xây dựng. Luồng dư luận chỉ trích đến từ người thân của các hành khách thiệt mạng trong vụ đắm tàu năm xưa. Họ cho rằng dự án “Titanic made in China” khai thác nỗi đau của các nạn nhân, kiếm tiền trên mất mát của hàng nghìn người.
Song, những người trong cuộc như ông Curtis Schnell, vốn là nhà thiết kế và sản xuất phim Hollywood hiện đang hợp tác thực hiện dự án “Titanic made in China” đánh giá: Dự án này được thực hiện trên tinh thần đề cao sự tôn trọng người đã khuất, bác bỏ các chỉ trích đây là ý tưởng kiếm tiền trên nỗi đau. “Mặc dù thảm kịch Titanic đã qua đi qua hơn một thế kỷ nhưng tính nhân văn vẫn tồn tại và cần phát huy”, ông Schnell viết. Theo Telegraph, khoảng 5.000 vé tham quan tàu Titanic đã được bán tại Hongkong từ tháng 6/2015, trước khi tàu được chế tạo. “Titanic made in China” dự kiến đón 1.500 khách/ngày và tiền vé sẽ được chuyển vào Quỹ Titanic - quỹ từ thiện mới sẽ được thành lập để giúp đỡ các thảm hoạ hàng hải trên khắp thế giới.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận