Quang cảnh phiên tòa tại phần tranh luận - Ảnh: TTXVN |
Ngày 22/3, đại diện VKS Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa trình bày phần luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo. Theo đó, đa số quan điểm đều được giữ nguyên như cáo trạng truy tố ban đầu.
Sau nội dung này, ông Đinh La Thăng cùng các luật sư thực hiện quyền tự bào chữa trước tòa.
Tình thế bắt buộc góp vốn vào OceanBank
Về chủ trương góp vốn vào OceanBank, ông Thăng cho biết trước năm 2018, có chủ trương cho các tập đoàn kinh doanh đa ngành như PVN được thí điểm thành lập ngân hàng riêng. Nhưng năm 2008, do tình hình kinh tế có nhiều biến động, Chính phủ chủ trương dừng việc thành lập các ngân hàng mới. PVN cũng chủ động xin dừng thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Và để giải quyết hệ lụy gồm bộ máy, con người, cơ sở vật chất đã chuẩn bị hoàn chỉnh cho thành lập một ngân hàng mới, PVN đã xin góp cổ phần vào ngân hàng khác.
Vì thế, theo ông Thăng, việc PVN đầu tư vào OceanBank không phải PVN chủ động, chủ trương từ ban đầu mà đầu tư gần như bắt buộc, để giải quyết các hệ quả hiện hữu. Ông Thăng giải thích, việc đầu tư vào OceanBank phải có 2 điều kiện cần và đủ: Có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và được sự thống nhất của HĐTQ. Và PVN đã đảm bảo cả 2 điều kiện đó. Như vậy, việc đầu tư vào OceanBank là hoàn toàn đúng chủ trương, thủ tục, quy trình, chỉ Thủ tướng đồng ý rồi thì PVN mới thực hiện đầu tư. Đây là sự thật được thể hiện bằng các văn bản chứng từ trong hồ sơ, chứ không phải ông né tránh, chối tội như VKS cáo buộc.
Riêng với việc góp vốn lần 3 với giá trị 100 tỷ đồng, ông Thăng nhắc lại khi đó ông đi công tác và uỷ quyền điều hành nên không trực tiếp chỉ đạo việc ký nghị quyết này cũng như không trực tiếp ký biểu quyết tham gia.
Sau khi vụ án được khởi tố, ông Thăng nói có nhận thấy việc góp vốn này chưa phù hợp quy định của Luật Tín dụng 2010, tuy nhiên, thời điểm đó, các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét, phê duyệt bằng văn bản mà không hề “thổi còi”, cảnh báo.
Chuyển công tác nhiều năm nhưng vẫn bị truy trách nhiệm
Đề cập đến việc thoái vốn tại OceanBank, ông Thăng cho biết PVN rất chủ động xây dựng kế hoạch này. Từ 2012 đã xây dựng lộ trình thoái vốn báo cáo Thủ tướng và được cho phép PVN thoái vốn 100% khỏi OceanBank. Đầu 2014, có hai công ty đăng ký mua 5% và 15% vốn của PVN, PVN đã báo cáo Thủ tướng. Đầu tiên, Thủ tướng đồng ý, nhưng sau đó 13 ngày thì không đồng ý do NHNN đề nghị dừng lại, chuyển phần vốn của Tập đoàn về cho NHNN. “Nếu PVN được thoái vốn thì rõ ràng không có chuyện mất 800 tỷ đồng này. Nếu Thủ tướng đồng ý thì đã giải quyết ngay trong năm 2014, không có chuyện bị mua 0 đồng dẫn đến mất 800 tỷ đồng”, ông Thăng nhấn mạnh.
Theo ông Thăng, việc NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng khi đó là không đúng quy định. “Chính việc mua 0 đồng với OceanBank và việc Chính phủ không cho phép PVN thoái vốn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc các cổ đông, trong đó có PVN mất hoàn toàn vốn. Trách nhiệm này nằm ngoài tầm kiểm soát của PVN”, ông Thăng lập luận.
Liên quan đến trách nhiệm trong việc bảo toàn và phát triển vốn, ông Thăng bào chữa, đến tháng 8/2011, ông chuyển công tác khỏi PVN và hơn 3 năm sau khi ông chuyển công tác thì OceanBank vẫn chia cổ tức đều. Vì vậy, trách nhiệm bảo toàn vốn là của tập đoàn, ông chỉ chịu trách nhiệm đến tháng 8/2011, sau đó là trách nhiệm của những người khác. “Khi bị cáo chuyển khỏi PVN thì mọi quyền hạn và nghĩa vụ đối với bị cáo không còn”, ông Thăng nói trước tòa và mong HĐXX xem xét sự việc này trong bối cảnh lịch sử khi đó.
Phải làm rõ nguyên nhân của việc thiệt hại 800 tỷ đồng
Trong hơn 1 giờ bào chữa cho thân chủ Đinh La Thăng, luật sư Phan Trung Hoài đưa ra hàng loạt quan điểm pháp lý nhằm làm rõ các cáo buộc của cơ quan công tố là không đủ cơ sở pháp lý.
Nhấn mạnh hiệu quả của việc góp vốn tại OceanBank, theo luật sư, PVN đã chính thức cung cấp các tài liệu, chứng từ chi trả cổ tức của OceanBank, theo đó, PVN được chia cổ tức từ năm 2009 - 2013 là hơn 244,3 tỷ đồng. “Đến thời điểm 2014, việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank là có hiệu quả, PVN không bị mất vốn, không bị thiệt hại, thậm chí có thể thu hồi được nếu như kế hoạch thoái vốn được diễn ra bình thường và đã có các đối tác cụ thể nhận chuyển nhượng, hậu quả vụ án đã không thể xảy ra”, luật sư bào chữa.
Vào năm 2015, tức là sau 4 năm ông Thăng chuyển công tác, OceanBank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng.Vì thế, luật sư cho rằng ông Thăng khi đó đã hoàn thành trách nhiệm lãnh đạo, điều hành PVN và trách nhiệm bảo toàn vốn góp của PVN tại OceanBank.
Luật sư cũng đề nghị đại diện VKS xem xét nguyên nhân của hậu quả thiệt hại có phải do việc dừng thoái vốn và NHNN quyết định mua bắt buộc 0 đồng với OceanBank hay không. Theo luật sư Hoài, việc NHNN quyết định mua lại toàn bộ cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng được tiến hành trong khi vụ án hình sự đã được khởi tố, các cổ đông của OceanBank chưa kịp xây dựng phương án xử lý và tăng vốn điều lệ cho ngân hàng đã dẫn đến thực tế các cổ đông không có cơ hội bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư thứ ba tham gia bào chữa cho ông Thăng là Lê Văn Thiệp cũng nhấn mạnh việc mua ngân hàng OceanBank với giá 0 đồng là hoàn toàn trái với Hiến pháp, vì nguyên tắc của Hiến pháp là tôn trọng quyền tài sản của cá nhân, tổ chức. Trên thế giới, lịch sử từ trước tới nay không có quốc gia nào mua ngân hàng 0 đồng cả. “Quyết định mua 0 đồng đó còn chưa làm rõ được thì vụ án này xét xử trên cơ sở đánh giá nào?”, luật sư Thiệp đặt câu hỏi.
Luật sư sau đó đề nghị HĐXX tuyên bố ông Đinh La Thăng không phạm tội cố ý làm trái. Đồng thời, đề nghị HĐXX kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan tiến hành tố tụng khác xem xét trách nhiệm của NHNN trong việc không thực hiện theo Khoản 5 Điều 161 Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2011; xem xét trách nhiệm của cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật dẫn đến việc vi phạm các quy định về cho vay tín dụng (việc này đã được xét xử trong một vụ án khác liên quan đến OceanBank); kiến nghị hủy Quyết định 663 về mua Ngân hàng OceanBank với giá 0 đồng, làm thất thoát và thiệt hại đến tài sản của các cổ đông, trong đó có PVN chiếm 20% vốn điều lệ.
Sau khi các luật sư hoàn thành phần bào chữa, chủ tọa hỏi ông Đinh La Thăng có đồng tình với phần bào chữa của các luật sư không, ông Thăng đồng tình và không có ý kiến bổ sung.
Sáng 22/3, đại diện VKS đề nghị mức án với các bị cáo: - Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch PVN bị đề nghị mức án 18-19 năm tù. - Ninh Văn Quỳnh - nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN bị đề nghị 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái, 17-18 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Quỳnh là 24-26 năm tù. - Vũ Khánh Trường - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN bị đề nghị 7-8 năm tù. - Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó tổng giám đốc PVN bị đề nghị 30-36 tháng tù. - Nguyễn Xuân Thắng - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN bị đề nghị 24-20 tháng tù. - Nguyễn Thanh Liêm - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN bị đề nghị 23-30 tháng cải tạo không giam giữ. - Phan Đình Đức - nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN bị đề nghị 23-30 tháng cải tạo không giam giữ. |
Theo Viện KSND TP Hà Nội, với nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện chủ trương góp vốn vào OceanBank khiến PVN thiệt hại 800 tỉ đồng, hành vi của ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐQT PVN đã phạm vào tội cố ý làm trái. Cụ thể, theo VKS, ông Thăng ký thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 tham gia góp vốn với Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank nhưng không thông qua HĐQT; Quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn. Ông Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank. Đến ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Đinh La Thăng đã không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại OceanBank để đảm bảo tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại OceanBank trái quy định. Việc này đã tạo điều kiện cho lãnh đạo PVN tiếp tục góp vốn trái pháp luật 100 tỉ đồng (đợt 3) vào OceanBank. Hậu quả, toàn bộ số tiền 800 tỉ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi OceanBank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và NHNN phải mua lại OceanBank với giá 0 đồng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận