Xã hội

Tranh cướp, rao bán ấn là nhạo báng anh linh Đức Thánh Trần

28/02/2018, 12:24

Tranh cướp, rao bán ấn đền Trần vô hình trung là hành vi nhạo báng anh linh Đức Thánh Trần, phạm nghiệp lớn.

phat-an-den-tran

Tranh cướp, rao bán ấn đền Trần vô hình trung là hành vi nhạo báng anh linh Đức Thánh Trần, phạm nghiệp lớn

Theo thông lệ, lễ khai ấn Đền Trần tại Nam Định sẽ diễn ra vào đêm mai, 1/3 (tức 14 tháng giêng). Trước những hành vi phản cảm tại lễ hội trong những năm qua, mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã có công văn chỉ đạo Sở VHTT&DL tỉnh Nam Định siết chặt hiện tượng "tranh cướp, đưa tiền lấy ấn". Không ít các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng đã từng lên tiếng cần loại bỏ việc phát ấn đền Trần bởi những biến tướng phát sinh đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.

Theo GS Lương Ngọc Huỳnh, trong lịch sử nhà Trần thì chỉ có một lần định công phạt tội vào tháng 4/1289 sau khi đại thắng quân Nguyên Mông do đức Vua Trần Nhân Tông tổ chức tại Thăng Long. Sau đó không có bất kỳ lễ phát ấn thưởng công nào của các đời vua sau, lịch sử Việt Nam không có ghi chép về việc này.

“Có tích nói năm 1262 Trần Thánh Tông về quê xây dựng cung điện thờ gọi là Thái Miếu và mở tiệc thưởng công cho các tướng lĩnh thực sự có công với đất nước ở phạm vi rất hẹp và kín đáo không khoa trương. Sau khi nhà Trần sụp đổ giặc Minh đã phá bỏ Thái Miếu này, mãi đến năm 1695 tương đương thời Lê Hy Tông, thì nhân dân mới xây dựng lại bằng gỗ lim đây là giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh khốc liệt, và sau đó các đời Vua sau có cho nhân dân trùng tu nhiều lần để tưởng nhớ tới công lao các vị Vua Trần”, GS Huỳnh phân tích và nhận định: “Dựa vào chứng cứ lịch sử không có đoạn nào nói đến lễ phát ấn ở phủ Thiên Trường nơi có Hồ Bán Nguyệt, Sông Hàm Rồng cả. Nay thì Sông Hàm Rồng cũng chẳng còn nữa”.

Theo GS Huỳnh, từ năm 2000 tỉnh Nam Định bắt đầu tổ chức khai ấn ở phạm vi hẹp không phổ biến, chủ yếu phát ấn cho một vài người là con em Nam Định với cầu mong các Vua Trần ban lộc cho học hành đỗ đạt thăng quan tiến chức góp phần làm rạng danh quê hương. Sau đó, tin đồn về một cá nhân tới xin ấn tại đền Trần được lên làm quan to được lan truyền nhanh chóng.

“Dân tình thấy hay hay cũng nhao vào xin ấn, cả bà bán cua, anh bán rau, cậu lái xe ôm cũng nhào vào xin ấn. Thế là dịch vụ đóng ấn hình thành và thậm chí còn rao bán ấn với giá có năm chục ngàn đồng?! Người đóng ấn Vua Ban phải là Vua hoặc chí ít cũng phải là Thừa Tướng được Vua uỷ quyền thì cái ấn đó mới có giá trị, còn mấy cụ trông nom khu di tích dám cầm ấn của Vua để đóng và phát loạn lên lại còn để cho người đầu cơ ở chợ đen mang bán thì quả là quá to gan lớn mật!”, ông Huỳnh thẳng thắn nhận định.

Cũng theo vị GS, chiếc ấn đền Trần có ý nghĩa "Tích phúc vô cương", không hề liên quan đến việc thăng quan tiến chức. Hơn nữa, chiếc ấn này cũng không phải ấn vua. "Những kẻ đi xin ấn và đi mua ấn cũng bởi lòng tham muốn mua quan bán tước, tham quyền cố vị thì làm sao có thể trở thành quan phụ mẫu của dân? Liệu họ có xứng đáng với đức độ anh minh, liêm chính của các vị Vua Trần và uy linh của Đức Thánh Trần không? Vô hình trung việc này đã trở thành nhạo báng anh linh tổ tiên, phạm nghiệp lớn, khiến cho uy linh các vị Vua Trần bị tổn thương nghiêm trọng và oán trách muôn lời", GS. Lương Ngọc Huỳnh phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.