Thời sự

Tranh luận gay gắt về việc tẩy chay, không phục vụ người Tàu

14/05/2014, 14:59

Có những ý kiến cho rằng việc không phục vụ khách Trung Quốc, không dùng hàng do Trung Quốc sản xuất là phản ứng cực đoan.

Có những ý kiến cho rằng việc không phục vụ khách Trung Quốc, không dùng hàng do Trung Quốc sản xuất  là phản ứng cực đoan.

"Tẩy chay là cần thiết"

Cùng với làn sóng người Việt trên toàn thế giới xuống đường phản đối Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa, nhiều cá nhân, đơn vị trong nước đã phát động và thực hiện phong trào tẩy chay hàng Trung Quốc. Không ít người xem đó như một hành động thiết thực để thể hiện lòng yêu nước. "Tẩy chay là cần thiết. Hãy để người Trung Quốc tìm hiểu vì sao họ nhận được thái độ như vậy", chị Linh, nhân viên Công ty TENCIN nói trên facebook của mình.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Hạnh, quản lý cửa hàng tạp hóa Ngôi Sao thuộc tòa tháp Ngôi Sao (Star Tower) phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Chúng tôi treo biển "Không bán hàng Trung Quốc” để bày tỏ sự phản đối. 

Từ chiều 12/5, cửa hàng Ngôi Sao đã treo biển không bán hàng Trung Quốc
Từ chiều 12/5, cửa hàng Ngôi Sao đã treo biển không bán hàng Trung Quốc

Chị Hạnh cho hay, ngày 12/5, lãnh đạo Công ty yêu cầu đưa toàn bộ hàng hóa Trung Quốc ra khỏi cửa hàng với quan điểm: “Hàng trả lại đối tác được thì trả, không thì vứt bỏ”. Lãnh đạo Công ty cũng khuyến khích nhân viên không mua, sử dụng đồ Trung Quốc trong giai đoạn này."

Trước đó, một khách sạn 3 sao và một quán giải khát thường phục vụ khách nước ngoài ở Nha Trang cũng đặt những tấm bảng thông báo  “Không phục vụ người Trung Quốc trừ khi Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan HD981 ra khỏi vùng biển Việt Nam” bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh.

Không chỉ vậy, nhiều khách du lịch Việt cũng lục đục bỏ tour đi Trung Quốc, một số công ty lữ hành cho biết.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy trước đây hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhưng những ngày qua, hàng Tàu bắt đầu ế ẩm, khó bán hơn. Một số tiểu thương còn cho biết vì ế  quá nên họ đã ngừng nhập và không bán hàng Tàu nữa.

Tại cửa hàng quần áo số 315 Cầu Giấy, nhân viên bán hàng than phiền: “Khách mua tuần qua vắng hẳn, cửa hàng hạ giá hàng loạt áo phông nhập từ Trung Quốc từ trên 100.000 đồng/chiếc xuống còn 50.000 đồng/chiếc vẫn chả ai mua”.

Đừng làm xấu đi hình ảnh người Việt 

Tuy nhiên, phong trào tẩy chay hàng Tàu, người Tàu vừa rộ lên vài hôm đã nhận được nhiều ý kiến chỉ trích. 

Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc trên facebook cá nhân
Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc trên facebook cá nhân

Trên mạng xã hội, cựu giáo viên trường Amstexdam Vũ Xuân Túc cho rằng: "Không nên "bài" người Trung Quốc theo kiểu này. Cứ đón tiếp họ, tranh thủ dịp này giúp họ hiểu sai lầm của chính phủ họ và thiện chí của chúng ta. Còn nếu kẻ nào nhâng nháo thì tống cổ họ ra khỏi khách sạn cũng chưa muộn".

Cùng quan điểm ấy, họa sỹ Nguyễn Đông Hải nhấn mạnh: "Bài xích và kỳ thị như vậy thì hơi bị kém. Chỉ cần treo áp phích phản đối bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Anh trong nơi kinh doanh là được. Cả bạn bè quốc tế và người Trung Quốc tới Việt Nam đều biết được thái độ của chúng ta thông qua các áp phích đó". Ứng xử một cách văn minh sẽ làm cho người Việt Nam cao hơn một bậc so với những kẻ cực đoan ở Trung Quốc đã từng đập phá các công ty Nhật. 

Trên trang cá nhân của mình, ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia hàng không có tiếng trong giới bloger đã chia sẻ một cách nhìn khác: “Thấy nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc. Nhưng chưa thấy nhà nào mang TV, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng, laptop, iPhone, iPad... lắp linh kiện Trung Quốc quẳng ra đường và những lời kêu gọi được gõ ngay trên các bàn phím sản xuất ngay ở Trung Quốc”. Thay vì việc tẩy chay mua bán, kỳ thị người Trung Quốc, ông Nam kêu gọi các đài truyền hình trên cả nước hãy dừng chiếu những bộ phim dài tập về lịch sử Trung Hoa. Ý kiến này lập tức được nhiều người ủng hộ.

Trên một trang face book được nhiều người chia sẻ những ngày qua cũng phân tích khá thuyết phục: "Kẻ đang xâm lược biển đảo nước ta là những kẻ cầm quyền tại Bắc Kinh chứ không phải người dân của họ. Vì sự thực nhiều người dân bên họ không biết tới các xung đột giữa 2 nước. Việc tẩy chay, tấn công, hoặc kỳ thị người Trung Quốc tại Việt Nam sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh hòa bình và an toàn mà Việt Nam đang xây dựng. Đồng thời nó cũng tạo thêm cớ cho chính quyền Trung Quốc gây hấn và tạo áp lực với nước ta trên nhiều mặt". 

 

Việc để công dân Trung Quốc hiểu được sự thật về tình hình Biển Đông, về những hành động ngang ngược mà chính phủ của họ đang thực hiện không chỉ thể hiện sự khéo léo mà còn có thể nhận những sự ủng hộ của người dân nước bạn cho những hành động chính đáng của để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước của chúng ta.

Trái với quy luật thương mại

 

Nhận định về hiện tượng tẩy chay hàng Trung Quốc, TS Lê Duy Hiếu, Viện Kinh tế Việt Nam trả lời trên báo Người đưa tin cho rằng, việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc là trái với quy luật thương mại. 

 

TS Lê Duy Hiếu nhận định: “Việc tẩy chay hàng Trung Quốc không phải là mới. Hàng hóa Trung Quốc vốn dĩ đã khiến người tiêu dùng mang tâm lý dè chừng. Trên thế giới cũng có rất nhiều nước lên án tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, như Mỹ, Đức,  Philippines...,  tuy nhiên thị phần hàng hóa TQ vẫn chiếm đến 80% tổng  hàng hóa trên toàn thế giới nên có chăng, chúng ta cũng chỉ hạn chế mua những sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc.”

 

P.V (Tổng hợp)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.