Tránh thanh lý giá "bèo", từ 2018, tất cả xe công phải đấu giá công khai. Ảnh minh hoạ |
Đây là nội dung được ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết về tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018.
Nội dung của Luật quy định, những tài sản công thuộc cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có giá trị đánh giá lại từ 50 triệu đồng trở lên thì phải đấu giá. Nhưng riêng ô tô công thì không phân biệt giá trị là bao nhiêu khi bán chuyển nhượng thì phải được bán đấu giá công khai.
Trước đó, trong cuộc họp báo về ô tô công ngày 8/3/2017, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, sau khi các bộ ngành và địa phương rà soát và báo cáo thì số ô tô công phải xử lý mà chủ yếu theo phương thức thanh lý là 2.041 xe.
Đến thời điểm đó, số ô tô công đã thanh lý là 1.105 chiếc, trong đó số tiền thu được từ việc bán 761 xe là 35,15 tỷ. Như vậy, bình quân là gần 46,2 triệu đồng/xe.
Khi đó, dư luận đã đặt câu hỏi về việc thanh lý xe công giá rẻ và không thấy các địa phương, bộ ngành công khai.
Sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ngay lập tức có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương báo cáo về việc thanh lý xe ô tô công nói trên. Theo báo cáo, nguyên nhân có con số bình quân 46,2 triệu đồng/xe ô tô công thanh lý nói trên là do trong số 761 xe thanh lý có 90 xe báo cáo đã thanh lý nhưng chưa có thông tin về số tiền thu được. Bên cạnh đó, có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề... nên không thu được tiền.
Ngoài ra,183 xe được cho là đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz…) nên khi thanh lý chỉ thu được tổng số tiền xấp xỉ 5,5 tỷ đồng, tức trung bình khoảng 30 triệu đồng một xe.
Trong khi đó, còn gần 1.000 xe trong số 2.041 dư thừa và thanh lý nhưng chưa báo cáo hết số lượng thanh lý về Bộ Tài chính.
Ông Thịnh cho biết, mục đích quan trọng của quy định mới là để công khai bán tài sản công nhằm hạn chế thất thoát tài sản của nhà nước. Mặt khác, khi đấu giá công khai, sẽ có nhiều người biết và tham gia mua tài sản. Khi có nhiều người dân tham gia thì tính cạnh tranh cao, sẽ đem lại hiệu quả cho ngân sách tốt hơn.
Tương tự như xe công, nhà đất công dù giá trị bao nhiêu cũng phải qua đấu giá công khai. Ông Thịnh khẳng định, về cơ bản, tài sản công dù được bán đấu giá hay chỉ định đều phải sát với giá thị trường thông qua việc thuê tổ chức thẩm định giá xác định và trình UBND cấp tỉnh quyết định. Còn với trường hợp không bán qua đấu giá như bán chuyển nhượng chỉ định trong một số trường hợp cụ thể thì phải báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Theo số liệu 2017 của Bộ Tài chính, tiền sử dụng đất thu được gần 127.000 tỷ, thuê đất khoảng 27.000 tỷ đồng. Nhìn trong cơ cấu thu từ đất thì đáng mừng là xu hướng tiền thuê đất tăng dần qua các năm với tỷ trọng khá cao, điều chỉnh dần theo tín hiệu thị trường liên quan đến việc giao đất cho thuê đất.
Ngoài nhà đất công và ô tô công, những tài sản công khác theo quy định cũ có giá trị dưới 50 triệu thì bán thanh lý nhưng nay hạ xuống là là tài sản có giá trị dưới 10 triệu đồng/ đơn vị mới được bán chỉ định nhằm thất thoát tài sản nhà nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận