Trẻ chen chúc nhập viện vì sởi
Ghi nhận tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 (TP HCM) sáng 16/1, có nhiều bệnh nhi nhập viện vì sởi phải nằm ngoài hành lang. Liên tục dỗ bé Võ Bích N. (10 tháng tuổi, ngụ quận 7) liên tục quấy khóc, chị Nguyễn Ngọc T. (mẹ bé N.) cho hay: “Khi bé được 9 tháng tuổi, tôi cũng ý thức cho bé phòng bệnh bằng cách cho đi chích ngừa vào ngày 10/1 vừa qua. Tuy nhiên, khi chích ngừa xong bé vẫn mắc bệnh, có thể bé bị lây sởi của một người chị họ 8 tuổi ở chung và ủ bệnh từ trước đó”.
Nằm ngay giường bệnh bên cạnh, chị Trần Thanh L. cũng đang vỗ về bé Trần Thị Bích T. (8 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) đang nóng, sốt, khó chịu. Theo lời chị L., bé T. chỉ được chích ngừa mũi đầu tiên sau vài tháng sinh ra và hoàn toàn không chích ngừa mũi sởi nào. “Sau lần đầu tiên chích ngừa, bé về nhà sốt quá nên lần sau tôi không cho bé đi chích nữa”, chị L. phân trần.
BS. Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết: “Hiện khoa đang điều trị nội trú cho 50 ca mắc sởi, trong đó 10% phải hỗ trợ hô hấp oxy. Bệnh hiện đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh nhi nhỏ tuổi nhất chỉ 3, 4 tháng và hầu hết đều có bệnh nền như: tim mạch, bệnh hô hấp, bại não, động kinh… nên nguy hiểm. Theo thống kê, 95% số trẻ mắc sởi chưa tiêm phòng”.
Còn tại BV Nhi T.Ư (Hà Nội), PGS.TS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện cũng cảnh báo với bệnh sởi, ho gà. Hiện tại, bệnh viện có khoảng 20 bệnh nhân mắc sởi đang nằm điều trị. “Chỉ một bệnh nhân phát ban dạng sởi nếu nằm trong phòng bệnh, tất cả các em bé trong phòng sẽ là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, lây nhiễm chéo sẽ càng gia tăng số bệnh nhân mắc bệnh”, PGS. Điển cảnh báo.
Không chỉ trẻ em, người lớn trong đó có nhiều thai phụ cũng hoang mang nhập viện vì sởi. Theo BS. Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A BV Bệnh Nhiệt đới (TP HCM), từ đầu năm 2018, BV tiếp nhận rải rác vài ca, đến cuối năm số lượng bệnh nhân nhập viện ngày càng nhiều, đỉnh điểm là tháng 12 với 269 ca. Từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng ca bệnh tiếp tục tăng, hiện khoa đã hết giường cho bệnh nhân điều trị nội trú. Số ca bệnh dao động 65-70 ca một ngày. Tại đây cũng đã tiếp nhận 3 gia đình lây nhau cùng nhập viện điều trị.
Thai phụ sinh non vì sởi
Tại Hà Nội, Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai cũng ghi nhận nhiều ca người lớn nhập viện vì sởi. Trong 8 bệnh nhân sởi đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai thì có 2 sản phụ (một sản phụ mang thai tuần thứ 36 và một sản phụ đang mang thai tuần thứ 24). PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện. Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, Khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì thời gian gần đây tăng mạnh. Thậm chí trong hai ngày gần đây khoa đã có 8 ca sởi liên tiếp nhập viện. Với thai phụ mắc sởi, ông Cường cảnh báo nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.
Không chỉ bà bầu, nhiều thanh niên khỏe mạnh cũng nhập viện vì sởi. Anh Võ Văn Anh L. (26 tuổi, quận 5) đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới cho hay, ba ngày trước anh bị nóng sốt, nổi đốm đỏ, ho và tưởng bị bệnh sốt xuất huyết nên vào nhập viện, không ngờ chẩn đoán mắc sởi. Cũng đang điều trị bệnh sởi ngày thứ 2 tại đây, anh Nguyễn Minh G. (33 tuổi, An Giang) cho hay, mấy ngày trước anh bị ho, sốt nên vào BV địa phương được chẩn đoán lao phổi. Tuy nhiên, điều trị cả tuần không hết nên anh tự lên đây để chẩn đoán lại. “Tôi nhớ lúc hơn một tuổi đã từng bị sởi biến chứng viêm phổi, không ngờ 30 năm sau bị lại”, anh G. kể.
Cũng theo BS. Cường, tất cả mọi người chưa bị sởi lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vắc xin sởi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vaccine hỗn hợp 3 trong 1 (MMR - sởi - quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.
Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…).
Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày. “Nên hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời”, BS. Cường lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận