Quá tải ăn uống khiến trẻ dễ rối loạn tiêu hóa - Ảnh minh họa |
Chóng mặt vì “đứa tiêu chảy, đứa táo bón”
Ngày mùng 6, thay vì hồ hởi đến cơ quan chúc Tết đồng nghiệp, hai vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Ngân (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại lếch thếch lôi hai đứa con (2 tuổi và 4 tuổi) đi khám vì chúng quấy ời ời. Chị Ngân cho hay: “Có chục ngày nghỉ lễ mà mọi sinh hoạt đảo lộn hết. Cả nhà về quê đón Tết, mình bận cỗ bàn nên hai đứa trẻ giờ giấc ăn uống thất thường, không kiểm soát được. Thức ăn lại có nhiều món lạ nên được mấy ngày thì lũ trẻ cứ ậm ạch “đứa tiêu chảy, đứa táo bón”. Hết Tết là hai vợ chồng vội đưa luôn về thành phố đi khám”.
Tương tự, chị Nguyễn Thanh Hà (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Tết này gia đình về ăn Tết với ông bà nội. Sợ cháu sụt cân nên suốt ngày hai ông bà ép cậu cháu trai mới 5 tuổi ăn, chưa hết bánh chưng, lại sang nem rán, rồi nước ngọt thì uống tẹt ga. Toàn món khoái khẩu nên nhóc con ăn uống vô tổ chức. Sau 4 ngày Tết, cu cậu kêu đau bụng, chán ăn, rồi đi ngoài 4-5 lần/ngày”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Sau Tết, các ca bệnh về rối loạn tiêu hóa chiếm đa số trong tổng bệnh nhân đến thăm khám dinh dưỡng, tăng hơn 10-20% so với thời điểm trước. Đa phần trẻ mắc rối loạn tiêu hóa từ 5 tuổi đổ xuống. Chính chế độ ăn không hợp lý, ép ăn nhiều quá, bị quá tải về đường tiêu hóa, hoặc thực phẩm lạ… là nguyên nhân khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Chỉ lẻ tẻ vài trường hợp là do ngộ độc thực phẩm”.
Theo BS. Hưng, biểu hiện thường gặp nhất ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa là trẻ đi phân lỏng hơn và đi nhiều lần trong ngày… Để giải quyết chứng rối loạn tiêu hóa của trẻ, cha mẹ nên điều chỉnh lại chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp; bổ sung cho trẻ men vi sinh và oresol hỗ trợ đường tiêu hóa. Nếu dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài cần cho trẻ đi thăm khám, tránh để trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn “rối loạn tiêu hóa - chán ăn - suy dinh dưỡng - bệnh tật”.
Các cách kiêng khem sai lầm
BS. Hưng tư vấn: “Việc làm đầu tiên là cần điều chỉnh lại chế độ ăn cho trẻ nếu tìm được nguyên nhân. Nên cho trẻ ăn đúng nhu cầu, phù hợp lứa tuổi. Bên cạnh đó, cha mẹ nên chế biến thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, chế biến thực phẩm kỹ hơn để đường tiêu hóa của trẻ được nghỉ ngơi, phục hồi lại”.
BS. Hưng cũng bác bỏ quan điểm của nhiều phụ huynh khi kiêng khem, tuyệt đối không chất tanh, hay dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ khi trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa. Theo phân tích của BS. Hưng, hiện khoa học dinh dưỡng không đề cập đến vấn đề kiêng tanh, kiêng dầu mỡ, chỉ loại trừ trẻ nhạy cảm quá với các loại thực phẩm này. Kể cả khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí tiêu chảy cấp, vẫn nên cho trẻ dùng đa dạng đầy đủ chất. Vì ví như đạm từ cá khiến trẻ dễ hấp thu hơn so với đạm khác, trong khi theo nguyên tắc nên cho trẻ sử dụng đạm dễ hấp thu, dễ tiêu hóa. Hay như dầu mỡ, nếu thiếu cũng ảnh hưởng quá trình hấp thu vitamin tan trong dầu ở trẻ, lại là nguy cơ thiếu hụt vitamin kéo dài, giảm nguồn cung cấp năng lượng cho trẻ, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ. Do vậy, cha mẹ lưu ý vẫn nên có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ và theo dõi sát sao để điều chỉnh cho phù hợp.
Liên quan đến việc sử dụng men tiêu hóa do trẻ bị tiêu chảy hoặc táo bón khi rối loạn tiêu hóa mà nhiều gia đình thường tự sử dụng, BS Nguyễn Việt Hà, Khoa Tiêu hóa, BV Nhi T.Ư cho biết: Hiện mọi người vẫn gọi chung là men tiêu hóa nhưng thực chất có 2 loại men vi sinh và men tiêu hóa với cấu tạo, chức năng khác nhau. Theo BS. Hà, men tiêu hóa do tuyến tiêu hóa tiết ra để tiêu đạm, tiêu đường, tiêu mỡ. Có các sản phẩm men tiêu hóa để hỗ trợ người gặp vấn đề về tiêu hóa, kém hấp thu, hoặc bị suy một cơ quan tiêu hóa nào của cơ thể chẳng hạn viêm tụy mãn tính. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ đề nghị bổ sung thêm những men này để giúp cho tiêu hóa của cơ thể tốt hơn. Việc tự ý bổ sung sẽ hoàn toàn không tốt cho cơ thể. Còn men vi sinh là những vi sinh vật sống khi đưa vào cơ thể đủ sẽ tốt cho cơ thể. Thông thường, men tiêu hóa hay men vi sinh nên được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, để chọn loại tốt cho cơ thể.
BS. Hưng lưu ý thêm: “Việc bổ sung men vi sinh cũng có thể tự dùng khi chưa thể đi khám, tuy nhiên, chỉ nên trong thời gian ngắn. Sau đó, cần có tư vấn từ bác sĩ để trẻ có thể được dùng đủ liều, đạt hiệu quả điều trị. Tùy từng nguyên nhân, nếu tự dùng cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng men vi sinh, còn men tiêu hóa thì cần có đơn thuốc của bác sĩ, tìm nguyên nhân để bổ trợ đúng loại men”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận