Y tế

Trẻ uống nhầm hóa chất, phải làm gì?

29/10/2023, 13:45

Khi đi cha mẹ nhớ cầm theo thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc cho trẻ, điều này sẽ giúp cho bác sĩ gợi ý được nguyên nhân và có phương án giải độc phù hợp.

Hỏi:

Tôi đọc được thông tin nhiều trẻ ngộ độc nặng khi không may uống nhầm hóa chất do cha mẹ sơ ý lưu trữ trong vỏ chai nước ngọt, một phần do cha mẹ chưa biết cách xử lý tại chỗ trước khi đưa trẻ đến viện. Vậy mong bác sĩ tư vấn?

Trần Hạnh Ngân (Hà Nội)

Trẻ uống nhầm hóa chất, phải làm gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

BSCKI Phạm Văn Tuấn, Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trả lời:

Chỉ trong thời gian ngắn, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một số trẻ phải vào cấp cứu do uống nhầm thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, dầu hỏa, hóa chất tẩy rửa… hay uống nhầm các chất gây nghiện, thuốc ngủ, thuốc an thần của người lớn… dẫn đến các tổn thương rất nặng nề, thậm chí có trường hợp nguy kịch tính mạng.

Do vậy, cha mẹ cần lưu ý, ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ uống nhầm thuốc hoặc hóa chất độc hại, cha mẹ và người trông trẻ cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi các chất có nguy cơ gây ngộ độc. Gọi cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất.

Khi đi cha mẹ nhớ cầm theo thuốc hoặc hóa chất nghi ngờ gây ngộ độc cho trẻ, điều này sẽ giúp cho bác sĩ gợi ý được nguyên nhân và có phương án giải độc phù hợp.

Trong khi chờ đợi đưa trẻ đến cơ sở y tế, cha mẹ nên sơ cứu ban đầu cho trẻ.

Nếu bị nhiễm độc qua da và niêm mạc: Tháo bỏ ngay quần áo bị dính hóa chất, đồng thời rửa vùng cơ thể tiếp xúc với hóa chất của trẻ liên tục dưới vòi nước sạch. Trường hợp hóa chất vào mắt, cần rửa mắt bằng cách ngụp mặt vào chậu nước và chớp mắt liên tục, nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ.

Nếu bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa: Kê cao đầu hoặc giữ trẻ ở tư thế ngồi nếu trẻ còn tỉnh táo, trường hợp trẻ bị bất tỉnh thì cho nằm nghiêng bên trái. Điều này sẽ giúp trẻ đỡ bị sặc, đồng thời khi trẻ nôn ói nhiều, các chất trong dạ dày sẽ không trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi gây nguy hiểm cho trẻ.

Nếu thấy trẻ tỉnh táo, chưa bị nôn trớ, còn phản ứng tốt, cha mẹ dùng ngón tay của mình (tốt nhất nên quấn thêm miếng gạc mềm, sạch) kích thích vào vùng sàn họng trẻ (chỗ lưỡi gà), giúp trẻ có thể nôn để loại bớt chất độc hại ra ngoài cơ thể. Chú ý động tác kích thích gây nôn cần nhẹ nhàng, tránh gây tổn thương vùng họng của trẻ.

Cho trẻ uống dung dịch Oresol theo nhu cầu để đảm bảo cân bằng nước và điện giải.

Cha mẹ tuyệt đối không gây nôn cho trẻ trong trường hợp trẻ hôn mê, li bì, co giật hoặc nghi ngờ uống phải các hóa chất có tính chất ăn mòn như axit, bazơ, xăng dầu…

Nếu bị nhiễm độc qua đường hô hấp: Cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi khu vực có hóa chất gây độc, xịt mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý, sau đó cho trẻ súc miệng nhiều lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.