Tên lửa Pukguksong-2 xuất hiện trong lễ duyệt binh tại Bình Nhưỡng hôm 14/5 vừa qua |
Ngày 22/5, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung để xác nhận độ tin cậy trong khả năng dẫn đường giai đoạn cuối của đầu đạn, cho thấy sự phát triển trong khả năng tấn công các mục tiêu tại Mỹ.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên phóng tên lửa Pukguksong-2, bay khoảng 500km, đạt tới độ cao 560km và rơi xuống biển ngoài khơi bờ biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. Phía Hàn Quốc đánh giá, vụ thử nghiệm lần này đã cung cấp thêm “dữ liệu đáng kể” về chương trình tên lửa Triều Tiên nhưng để xác định khả năng chế tạo công nghệ quay trở lại bầu khí quyển của đầu đạn hạt nhân để phát triển tên lửa đạn đạo cần thêm phân tích từ các chuyên gia.
Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp giám sát cuộc thử nghiệm, kiểm định khả năng của động cơ chạy bằng nhiên liệu rắn đối với tên lửa Pukguksong-2 và ra lệnh sẵn sàng triển khai công nghệ này.
KCNA dẫn lời lãnh đạo tối cao Kim Jong-un “tự hào khẳng định”: “Tỉ lệ tấn công của tên lửa rất chính xác và Pukguksong-2 là vũ khí chiến lược thành công”. Theo mô tả của KCNA, “Chủ tịch Kim vừa xem hình ảnh về Trái Đất được truyền về từ camera gắn trên đầu tên lửa đạn đạo, ông vừa bày tỏ cảm nhận tuyệt vời khi có thể nhìn ngắm Trái Đất từ tên lửa vừa phóng”.
Khó đoán dấu hiệu chuẩn bị phóng tên lửa
Các chuyên gia như ông David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu tại Hiệp hội các nhà khoa học có trụ sở tại Mỹ nhận định, nếu dựa trên thông báo từ Triều Tiên, có thể thấy, việc sử dụng năng lượng rắn trong vũ khí sẽ tạo ra nhiều thuận lợi lớn. Nhiên liệu này giúp vũ khí hoạt động ổn định hơn, có thể vận chuyển dễ dàng trong bồn chứa của tên lửa, cho phép thực hiện hoạt động phóng trong thời gian rất ngắn.
Hãng tin Reuters dẫn lời nhiều chuyên gia cho biết, một khi Triều Tiên sử dụng động cơ nhiên liệu rắn kết hợp với bệ phóng tự động, các nguồn tin tình báo sẽ rất khó phát hiện những dấu hiệu nước này chuẩn bị phóng tên lửa.
Song, ông Wright cũng khẳng định: “Chế tạo tên lửa rắn, cỡ lớn rất khó khăn. Các siêu cường như Pháp, Trung Quốc phải mất tới hàng chục năm để phát triển từ tên lửa tầm trung sang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Vì vậy, công nghệ này không phải thứ có thể đạt được trong ngày một ngày hai. Song, nếu kiên trì theo thời gian, Triều Tiên sẽ có thể chế tạo được”.
Vụ thử tên lửa lần này tiếp tục là thách thức từ phía Triều Tiên với cộng đồng quốc tế bất chấp các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về hạt nhân và tên lửa đối với nước này và các lệnh trừng phạt đang bủa vây để kiềm chế Triều Tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận