Tuyên bố "bảo vệ" NATO có điều kiện của Donald Trump đã nhận được những chỉ trích mạnh mẽ của các lãnh đạo châu Âu. |
Tờ News York Times ngày 21/7 vừa qua đưa tin ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã thẳng thừng tuyên bố rằng nếu ông đắc cử, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện,.
Trong trường hợp một nước thuộc khối bị tấn công, ông sẽ xem xét đóng góp của quốc gia đó như thế nào cho NATO rồi mới ra tay can thiệp.
Ngay sau khi tuyên bố của Trump được phát đi, nó đã làm bùng lên làn sóng phản ứng giận dữ trong giới chức ở Nhà Trắng, NATO và thậm chí là cả các lãnh đạo của Đảng Cộng hòa.
Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng ông sẽ không "can thiệp vào chiến dịch bầu cử của Mỹ", nhưng đồng thời nhấn mạnh mục tiêu rõ ràng của NATO là "bảo vệ lẫn nhau". "Hai cuộc thế chiến đã cho thấy hòa bình ở châu Âu cũng rất quan trọng với an ninh của nước Mỹ".
Tính trong ngân sách hoạt động của NATO, Mỹ là nước đóng góp hơn 70% và Washington đã nhiều lần than phiền rằng các đồng minh không tích cực đóng góp tài chính cho hoạt động của khối.
Tuy nhiên trong lịch sử chưa có bất cứ chính trị gia nào đưa ra kiến nghị "khác thường" như tỷ phúTrump. "Họ đã hoàn thành nghĩa vụ với chúng tôi chưa? Nếu họ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, câu trả lời là có", ông Trump nói khi được hỏi liệu Mỹ có đem quân tiếp viện trong trường hợp ba thành viên NATO vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva bị Nga tấn công hay không.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói với giọng đầy châm biếm về quyết định của vị tỷ phú Mỹ: "Điều 5 Hiệp ước 1949 là một cam kết tuyệt đối. Nó không diễn ra với bất cứ điều kiện ràng buộc hay hạn chế nào". Điều 5 của hiệp ước này nói rõ rằng NATO sẽ bảo vệ bất cứ thành viên nào trong trường hợp nước đó bị tấn công. Cho tới nay, Điều 5 mới chỉ được kích hoạt một lần, sau khi Mỹ hứng chịu đợt tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.
Tại một hội nghị NATO diễn ra ở Ba Lan chưa đầy hai tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an các đồng minh rằng "dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, châu Âu cũng có thể trông cậy vào Mỹ ".
Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves đã viết trên Twitter rằng Estonia là một trong 4 thành viên của NATO đáp ứng được yêu cầu chi ra tối thiểu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, và các binh sĩ Estonia đã "chiến đấu vô điều kiện" cho nước Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan chống lại chủ nghĩa khủng bố theo Điều 5 của Hiệp ước 1949.
Artis Pabriks, cựu bộ trưởng quốc phòng Latvia, thì thẳng thắn hơn khi mạnh mẽ chỉ trích tuyên bố của ông Trump.
"Nếu Trump nghi ngờ tinh thần đoàn kết của NATO theo Điều 5, việc ông ta đắc cử sẽ gây nguy hiểm cho an ninh vùng Baltic", ông Pabriks viết trên Twitter.
Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite thì vội vã tìm cách trấn an dân chúng sau tuyên bố của ông Trump. "Dù ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo đi chăng nữa, chúng tôi vẫn tin tưởng nước Mỹ. Mỹ đã luôn bảo vệ các quốc gia bị tấn công, và sẽ làm như vậy trong tương lai", bà nói.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận