Trung Quốc lại ngang nhiên tiến hành những hoạt động bồi đắp trái phép, gây căng thẳng trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và giới chức nước này vẫn trắng trợn lấp liếm sự thật mà cộng đồng quốc tế đang lên án và e ngại.
Lấp liếm và né tránh
Hôm qua (8/3), tại cuộc họp báo thường niên bên lề phiên họp Quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Tự do hàng hải không đồng nghĩa tự do thả cửa. Thực tế, nhờ những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước trong khu vực, biển Đông hiện là một trong những tuyến đường biển an toàn nhất, tự do nhất trên thế giới”.
Khi được được hỏi về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Quốc tế tại The Hague về tranh chấp trên biển Đông và Philippines yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết của tòa án dự kiến sẽ được công bố vào tháng 5 tới, ông Vương ngang ngược cho rằng, Trung Quốc có quyền không tham gia vụ kiện và cáo buộc một số bên đứng sau vụ việc. “Sự cứng đầu của Philippines rõ ràng là kết quả của sự kích động, xúi giục chính trị đứng sau”, ông Vương nói nhưng không nêu được đích danh đối tượng.
Nếu những lời nói của ông Vương Nghị là sự thật thì hôm qua, Tư lệnh lực lượng Không quân Mỹ - Tướng Lori Robinson đã không nói rằng: “Không quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bay thường nhật trên không phận biển Đông bất chấp việc Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa đất đối không và các máy bay tiêm kích tại khu vực tranh chấp này".
Những tuyên bố của ông Vương Nghị cũng đi ngược lại những lo ngại mà cộng đồng quốc tế nói chung và các nước trong khu vực đang canh cánh và lên án thời gian qua. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo Trung Quốc sẽ phải gánh “những hậu quả đặc biệt” nếu tiếp diễn hành động “khiêu khích” trên biển Đông. Hiện nay, Hải quân Mỹ đang thực hiện các cuộc tập trận, di chuyển tới gần các đảo tranh chấp để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, quân đội nước này đang tăng cường triển khai tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ chi 425 triệu USD cho tới năm 2020 để trang trải các chi phí tập trận, huấn luyện quân đội tại các nước trong khu vực để nâng cao khả năng đối phó với Trung Quốc.
Ngang ngược bồi đắp tại Hoàng Sa
Thực tế cho thấy, ngay đêm hôm trước mà ông Vương Nghị có những tuyên bố hết sức trơ trẽn kể trên (7/3) tờ Diplomat công bố những hình ảnh vệ tinh chụp ngày 2/3/2016 là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc tăng cường nạo vét và biến đổi hiện trạng trên đảo Bắc (North Island) và đảo Trung (Middle Island) nằm ở phía Bắc đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tại đây, Trung Quốc đã xây dựng kết cấu đá ngầm thẳng, dài có thể chuẩn bị làm đường băng và đường lăn sân bay với các chỉ số tương đương các kết cấu đã được xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tại Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng trái phép tới 3 đường băng (tại Đá Chữ Thập, đá Subi và Vành khăn) trong khi tại Hoàng Sa, Trung Quốc đã đặt một căn cứ quân sự quan trọng thì không ngạc nhiên nếu Trung Quốc sẽ xây dựng tiếp một căn cứ quân sự không quân khác trên Hoàng Sa, thậm chí gần đảo Phú Lâm bất chấp lo ngại và phản ứng từ cộng đồng quốc tế.
Hoạt động bồi đắp trái phép của Trung Quốc trên đảo Bắc được phát hiện lần đầu tiên trên ảnh vệ tinh ngày 9/1/2016. Sau gần 2 tháng, trong bức ảnh ngày 2/3, có thể thấy, Trung Quốc đã bồi đắp xong dải đất và bắt đầu xây dựng cảng.
Đáng chú ý, khu vực bồi đắp ở đảo Bắc cách đảo Phú Lâm khoảng 12 km về phía Bắc, nơi tháng trước Trung Quốc điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 có tầm bắn 200 km đến, tạo ra mối đe dọa an toàn thực sự trên không. Đảo Bắc cũng cách căn cứ hải quân Ngọc Lâm 300 km về phía Đông Nam và là nơi hợp lý để theo dõi các khu vực mà tàu Trung Quốc thường xuyên qua lại.
Cùng ngày, Tư lệnh hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Phó Đô đốc Joseph Aucoin đang ở Philippines, kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động làm tăng thêm bức xúc trong khu vực, khiến leo thang căng thẳng, và cần phải “nói rõ ý đồ của các công trình xây đắp đảo nhân tạo và việc triển khai tên lửa tại các vùng có tranh chấp ở biển Đông để giúp tình hình ổn định hơn”. Phó Đô đốc Aucoin nhấn mạnh tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông cần bắt tay nỗ lực cùng nhau và việc đầu tiên cần làm là phải ngưng cải tạo đất đai nhằm thay đổi nguyên trạng các khu vực có tranh chấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận