Trung Quốc gây tiếng vang khi bắt giữ tham quan Chu Vĩnh Khang - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng chưa được thế giới ghi nhận |
Tụt 20 hạng
Theo chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2014, Trung Quốc tụt từ 80 (2013) xuống 100, ngang hàng với Algeria và Suriname. Mức tụt giảm sâu của Trung Quốc khiến dư luận trong nước và thế giới bất ngờ. Bởi từ khi nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà ông cần phải hoàn thành là diệt nạn tham nhũng với tiêu chí “đả hổ, diệt ruồi” và mới đây là chiến dịch “săn cáo” (truy bắt các quan tham, tội phạm kinh tế lẩn trốn ở nước ngoài). Trong đó, vụ điều tra cựu nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp T.Ư, nguyên Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang và Phó Chủ tịch Quân ủy T.Ư Từ Tài Hậu là một minh chứng cho sự mạnh tay chống tham nhũng của nước này.
Tổ chức Minh bạch thế giới xếp hạng chỉ số nhận thức tham nhũng các nước dựa trên thang điểm từ 0 đến 100. Năn nay, trong số 174 nước: Vị trí cuối cùng là Triều Tiên và Somalia cùng 8 điểm. Đan Mạch đứng thứ nhất với 92 điểm, New Zealand đứng thứ hai với 91 điểm. Ngoài ra, năm nay là lần đầu tiên trong 18 năm, Ấn Độ “vượt mặt” Trung Quốc với 38 điểm, xếp vị trí thứ 85. |
Truyền thông Trung Quốc thống kê, riêng trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã phát hiện và điều tra hơn 250 nghìn quan chức “sai phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Số lượng quan chức tự tử và từ chức cũng tăng cao trước áp lực chống tham nhũng. Theo thống kê từ 2011-2012, có 40 quan chức tự sát; Còn từ 2013 đến nay, ít nhất đã có 88 quan chức tự sát. Bên cạnh đó, tờ China Daily nhận định, số người tham gia thi công chức trước đây vốn cạnh tranh khốc liệt nay giảm mạnh, một phần vì cuộc chiến chống tham nhũng khiến quan chức Nhà nước không còn là vị trí “hốt bạc”.
Trả lời CNN về chỉ số bất ngờ trên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng: “Báo cáo của TI mâu thuẫn với những thành tích chống tham nhũng nổi bật mà Trung Quốc đã đạt được”. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên này, người dân Trung Quốc “sẽ đánh giá thành tựu chống tham nhũng dựa trên kết quả Chính phủ đạt được và không bị ảnh hưởng bởi chỉ số của TI”.
Lý do tụt hạng
Ông Rukshana Nanayakkara, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của TI chỉ ra nguyên nhân sự tụt hạng thê thảm trên là do “Chính phủ Trung Quốc chỉ chú tâm vào việc trừng phạt quan tham mà không đi sâu vào nguyên nhân gốc rễ là cải cách hệ thống quản lý”. Theo ông Rukshana Nanayakkara, việc trừng phạt chỉ tạo ra hiệu ứng răn đe tạm thời và lấy lòng dư luận. Đồng thời, nhiều vụ điều tra tham nhũng của Trung Quốc chỉ mang mục đích chính trị và vẫn còn thiếu minh bạch, trách nhiệm giải thích trong các cơ quan công quyền. Ông Nanayakkara đưa ra một số phương pháp giúp tăng cường cải cách minh bạch bao gồm: Công bố trực tuyến các khoản chi tiêu, ban hành luật bảo vệ công dân, phóng viên… tố cáo nạn tham nhũng.
Ngoài ra, tham quan Trung Quốc giấu tài sản hoặc trốn ra nước ngoài để “lách” khỏi chiến dịch truy quét tham nhũng ngày càng nhiều. Gần đây, truyền thông Trung Quốc công bố: Mỹ, Canada và Australia là những nơi nhiều quan tham của nước này lẩn trốn/ giấu tiền “bẩn” nhất. TI đánh giá Trung Quốc là nước có dòng tiền bất hợp pháp từ nhận hối lộ và một số hành vi vi phạm pháp luật khác chảy ra nước ngoài nhiều nhất, ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD trong thời gian 2002 - 2011.
Cùng với đó, ông Nanayakkara cho rằng, sự thiếu minh bạch của các công ty Trung Quốc do Chính phủ quản lý hoạt động kinh doanh còn lỏng lẻo. Kết quả một báo cáo do TI thực hiện tháng trước cho thấy: Trong số 124 công ty mà tổ chức này khảo sát thì có đến 7 công ty của Trung Quốc nằm trong top 11 công ty xếp hạng chót về tính minh bạch; Trong đó Ngân hàng Trung Quốc xếp “đội sổ”.
Xuân Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận