Các phi công đang nhìn vào bên trong chiếc máy bay điện. Ảnh: Getty Images. |
Theo thông tin trên trang tin Tân Hoa Xã, có số hiệu BX1E, chiều dài cánh là 14,5 m và trọng lượng lớn nhất khoảng 230 kg là chiếc máy bay chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới được sản xuất bởi Trung Quốc.
Chiếc máy bay điện BX1E được thiết kế bởi Đại học Hàng không Vũ trụ Thẩm Dương và Viện Hàng không Liêu Ninh.
Hiện tại đã có hai chiếc máy bay BX1E được sản xuất và đã được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Hàng không Nhuệ Tường Liêu Ninh. |
BX1E đã được Chính phủ Trung Quốc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, có thể sử dụng để đài tạo phi công hoặc phục vụ cho ngành du lịch, khí tượng hoặc các hoạt động cứu hộ khác.
Mỗi chiếc máy bay điện BX1E có giá khoảng 1 triệu Nhân dân tệ (tương đương với hơn 3,5 tỷ đồng) và đã có khoảng 28 đơn đặt hàng loại máy bay này.
Với điều kiện được sạc điện đầy trong vòng 2 tiếng, chiếc máy bay này có thể bay ở độ cao 3.000m trong khoảng thời gian từ 45 phút tới 1 tiếng, tốc độ tối đa có thể đạt tới 160 km/giờ.
Vào ngày 1.3.2009, một chiếc máy bay điện (E - Lazair) đã cất cánh tại sân bay Sywell, gần Northampton. Đó là chiếc máy bay điện đầu tiên bay trên bầu trời nước Anh.
Nó chỉ mang được tải trọng dưới 115 kg, cho phép bố trí một ghế ngồi, được miễn trừ các thủ tục bắt buộc đối với một chiếc máy bay bình thường.
Hệ thống đẩy chạy điện cho chiếc máy bay hai động cơ, khung máy Lazair, do TS Paul Robertson hợp tác với Paul Dewhurst thuộc Công ty Flylight Airsport thiết kế và chế tạo. Nó có dáng dấp một chiếc tàu lượn cánh gấp trượt trên ba bánh kiểu Dragonfly và lắp hệ thống động cơ do Đức chế tạo.
Chiếc máy bay điện thử nghiệm của NASA. |
Hệ thống đẩy của E - Lazair gồm có một cặp động cơ điện 10 kW, mỗi chiếc nặng dưới 2 kg, cánh quạt là chất dẻo gia cường bằng sợi cacbon. Chiếc máy bay này đã bay được chừng 30 phút và đạt độ cao 1.700 feet (khoảng 515 m).
Đây chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường sản xuất thử nghiệm máy bay điện, tạm coi như máy bay giải trí, có chi phí vận hành thấp, độ tin cậy cao, không gây ô nhiễm môi trường cả về khí thải lẫn tiếng động.
Việc thử nghiệm của E - Lazair hiện tại vẫn tiếp tục để kiểm tra toàn diện về mặt kỹ thuật, tính năng, độ tin cậy, an toàn, khắc phục những sự chưa hoàn chỉnh về từng bộ phận để rút kinh nghiệm về mọi mặt.
Mục tiêu của những người thiết kế là chế tạo ra một dòng mới là máy bay “lai” vừa có thể sử dụng điện, vừa có thể sử dụng nhiên liệu hóa thạch như đã áp dụng đối với ô tô từ nhiều năm nay. Và máy bay điện cũng chỉ có giá trị sử dụng thực tế khi chúng được nâng cấp về thời gian bay (tối thiểu phải là 2 giờ) và quãng đường bay (ít nhất cũng vào khoảng 160 km).
Vào tháng 3/2015, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đã giới thiệu loại máy bay mới chạy bằng điện, được trang bị 18 động cơ trên cánh.
Máy bay có sải cánh 9,4 m, các động cơ được cung cấp năng lượng bằng pin lithium sắt phốt phát LiFePO 4. Nó có thể bay với vận tốc 321 km/h và đạt độ cao gần 4.000 m. Phi cơ có chỗ ngồi cho 4 hành khách và sẽ bay được khoảng 720 km.
18 động cơ sẽ giúp giảm lực cản khi lên cao và thu hẹp thiết kế cánh máy bay. Chúng cũng có thể điều chỉnh nhằm giúp giảm tiếng ồn và tiêu thụ ít năng lượng hơn.
Theo UPI, phương tiện này chưa sẵn sàng cho hoạt động bay. Chuyên gia của NASA sẽ thử nghiệm bằng cách gắn cánh máy bay với một chiếc xe tải, lái qua một lòng hồ khô ở Căn cứ Không quân Edwards, bang California, Mỹ.
Dự án nghiên cứu động cơ máy bay LEAPTech của NASA bắt đầu từ năm 2014. "LEAPTech có khả năng chuyển đổi, ứng dụng như máy bay dân dụng thông thường cũng như trở thành một phương tiện vận chuyển trong thời gian dài", chuyên gia khí động lực học Mark Moore nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận