Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu trong chương trình “Cảm ơn nước Mỹ”ở Michigan, Mỹ ngày 9/12. Ảnh: Reuters |
Khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ không nhất thiết bị phụ thuộc vào chính sách “Một Trung Quốc” (khẳng định đảo Đài Loan là một phần của Trung Quốc), thì đây thực sự là một “cú sốc” tiếp theo đối với Bắc Kinh.
Không nhất thiết ràng buộc
Tuyên bố trên được ông Trump đưa ra trong chương trình truyền hình Mỹ Fox News Sunday đêm 11/12, khi được hỏi nhận định gì về phản ứng của Trung Quốc trước cuộc điện đàm lịch sử với Đài Loan hôm 2/12: “Tôi hoàn toàn hiểu rõ chính sách “Một Trung Quốc”, ông Trump nói và nhấn mạnh: “Nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta lại phải bị ràng buộc bởi chính sách này? Trừ khi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc trong trường hợp làm những thứ ngoài chính sách này, bao gồm cả thương mại”.
Những tuyên bố trên, xét trên một phương diện nào đó hoàn toàn “khớp” với động thái trước đó của ông Trump - điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2/12. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo hòn đảo này từ khi Tổng thống Jimmy Carter tuyên bố thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”, công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc năm 1979.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News, ông Trump không ngừng chỉ trích Trung Quốc về chính sách tiền tệ, các hoạt động trên biển Đông và lập trường với Triều Tiên. Thậm chí, không ngần ngại tuyên bố rằng, chưa tới lượt Bắc Kinh quyết định rằng, ông có được phép gọi cho lãnh đạo Đài Loan hay không. “Tôi không muốn Trung Quốc ra mệnh lệnh cho tôi, đây là cuộc gọi của cá nhân tôi. Việc một quốc gia lên tiếng rằng, tôi không thể làm vậy là thiếu tôn trọng”, ông Trump nói.
Bắc Kinh “dọa dẫm” Trump?
Những tuyên bố của ông Trump đã khiến Trung Quốc “phát sốt”. Hôm qua (12/12), Hoàn cầu Thời báo có bài xã luận cảnh báo ông Trump rằng, chính sách "Một Trung Quốc" là “không thể thương lượng” và từ bỏ chính sách này có khả năng dẫn đến việc Bắc Kinh ủng hộ các lực lượng thù địch với Mỹ. Tờ báo còn chỉ trích ông Trump “ngây thơ như một đứa trẻ trong chính sách ngoại giao”, khẳng định chính sách “Một Trung Quốc không phải thứ có thể thương mại hóa”; và tuyên bố: Sẽ khởi động một loạt các “chính sách mới mang tính quyết định đối với Đài Loan. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng, Mỹ không thể khống chế chính sách ngoại giao trên bán đảo Đài Loan".
Cũng trong ngày hôm qua, theo Straits Times, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng: Nước này “vô cùng quan ngại” về quan điểm của Tổng thống đắc cử Mỹ với chính sách “Một Trung Quốc”. Theo đó, nguyên tắc “Một Trung Quốc” được Bắc Kinh xem là cơ sở chính trị cho mối quan hệ Mỹ - Trung từ trước tới nay. Nếu cơ sở này bị phá vỡ, ông e rằng, các mối quan hệ hợp tác song phương sẽ rơi vào bế tắc. “Chúng tôi kêu gọi chính quyền tân cử và lãnh đạo Mỹ nhìn nhận đầy đủ bản chất nhạy cảm của vấn đề Đài Loan và xử lý sao cho mối quan hệ Trung - Mỹ được bảo toàn”, ông Cảnh nói.
Bài xã luận trên Hoàn cầu Thời báo còn lớn tiếng khẳng định, Trung Quốc có thể dùng các biện pháp quân sự nếu ông Trump tiếp tục có các hành động “khiêu khích”.
Vương Nhất Vĩ, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng, có thể ông Trump đang “dùng” yếu tố Đài Loan để “mặc cả” về thương mại với Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, các nhà quan sát cho rằng, ông Trump sẽ là một Tổng thống khiến Trung Quốc “đau đầu” nhất. Mới đây, ông Trump dự định bổ nhiệm Thống đốc bang Iowa Terry Branstad, một người khá thông tỏ về Bắc Kinh, “bạn cũ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào vị trí Đại sứ tại Trung Quốc. Nhưng đồng thời, lại cân nhắc chọn John Bolton, một cựu quan chức trong chính quyền cựu Tổng thống Bush, người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh vào vị trí Thứ trưởng Ngoại giao. Các động thái này không chỉ gây hiếu kỳ mà còn trở nên “khó đoán” về mối quan hệ Washington - Bắc Kinh trong tương lai.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận