Chủ tịch Triều Tiên không còn quan tâm Trung Quốc khi thực hiện các tiến trình phát triển hạt nhân |
Không phải trùng hợp ngẫu nhiên
Mặc dù Mỹ và các nước đồng minh (Nhật, Hàn) cực lực chỉ trích, thể hiện quan ngại sâu sắc với động thái thử nghiệm hạt nhân gần đây của Triều Tiên nhưng thực chất, Trung Quốc mới là nước bị tổn hại và đối mặt mối đe dọa sát sườn hơn là Mỹ, theo nhận định của một số chuyên gia Trung Quốc.
Trong một bài bình luận đăng tải ngày 5/9, hãng tin Sputniks dẫn bình luận từ nhiều chuyên gia cho rằng, các vụ thử nghiệm tên lửa, hạt nhân liên tiếp của Bình Nhưỡng chủ yếu gây tổn hại tới Trung Quốc vì nó trùng vào thời điểm nhiều sự kiện quốc tế quan trọng được tổ chức tại Bắc Kinh, làm xói mòn uy tín của Trung Quốc và trên hết là đặt ra các mối đe dọa vật chất ngay lập tức với Trung Quốc.
Phân tích của Sputniks cho thấy, chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các nước có nền kinh tế mới nổi (BRICS) được tổ chức tại TP cảng Hạ Môn, người dân tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc phải hứng chịu những rung chấn mạnh khoảng 6,3 độ richter theo đo đạc từ Trung tâm Địa chấn Trung Quốc.
Bom nhiệt hạch nguy hiểm mức nào? Bom nhiệt hạch, hay còn được gọi là bom kinh khí, bom hydro hay bom H - là loại vũ khí hạt nhân tạo ra năng lượng khổng lồ từ quá trình tổng hợp hạt nhân (còn gọi là nhiệt hạch). Khi loại vũ khí này được kích hoạt, bức xạ nhiệt từ vụ nổ hạt nhân phân rã được dùng để nung nóng và nén mạnh phần đầu mang tritium, deuterium, hoặc liti, dẫn tới phản ứng nhiệt hạch, giải thoát năng lượng khổng lồ. Bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn bom nguyên tử hàng nghìn lần. |
Đây là ảnh hưởng từ hoạt động mà Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch (bom H), loại đã được thu nhỏ để dùng cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tại khu thử nghiệm hạt nhân phía Bắc của Triều Tiên.
Theo Sputniks, Bình Nhưỡng ngày càng ít để ý tới Bắc Kinh khi thực hiện bất cứ động thái đáng kể nào trong tiến trình tên lửa hạt nhân, dù nước này vẫn đang phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc để có nguồn tài chính nuôi chương trình vũ khí tham vọng. Trước khi phủ bóng màn khai mạc Hội nghị BRICS bằng vụ thử hạt nhân gây chấn động, Triều Tiên nhiều lần thực hiện các vụ thử tên lửa tiên tiến khác vào đúng các dịp quan trọng của Trung Quốc. Chẳng hạn, vụ thử tên lửa Hwasong-12 vào ngày 14/5 - đúng thời điểm 29 nguyên thủ quốc gia có mặt tại Bắc Kinh tham dự Hội nghị về Ý tưởng một vành đai một con đường.
Chia sẻ với Sputniks, ông Zhang Liangui, chuyên gia về Triều Tiên tại trường Nghiên cứu cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nơi chuyên đào tạo các quan chức ở nước này, cho biết: “Thời điểm Triều Tiên thử hạt nhân không phải trùng khớp ngẫu nhiên với các sự kiện quan trọng diễn ra ở Trung Quốc. Đây là điều Chính phủ Trung Quốc cần phải suy nghĩ cẩn thận”.
Bình Nhưỡng đang vội vàng chứng minh khả năng
Dựa trên chấn động từ vụ động đất mà bom nhiệt hạch Triều Tiên gây ra, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc ước tính, sức mạnh hủy diệt của loại bom này cao gấp nhiều lần so với bom hạt nhân mà Mỹ ném xuống TP Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.
“Dù có nhiều bài báo khác nhau về sức mạnh động đất gây ra từ vụ nổ hạt nhân vừa rồi nhưng ước tính dè dặt nhất, sức công phá của quả bom này khoảng 100 kiloton, cao hơn nhiều lần sức công phá 20 kiloton của quả bom thả xuống Nagasaki. Rất có khả năng Triều Tiên sẽ còn tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo cùng đầu đạn hạt nhân để tiếp tục chứng minh khả năng hạt nhân”, Zhao Tong, nghiên cứu sinh trong chương trình Chính sách hạt nhân tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh nhận định.
“Lịch sử cho thấy, nhiều nước bao gồm cả Trung Quốc đã thực hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, chưa có vụ thử nào thành công. Không phải tất cả các quốc gia hạt nhân đều thực hiện loại thử nghiệm này. Xu hướng mà Triều Tiên đang bị cuốn theo đó là: Họ càng lo ngại về các công nghệ hạt nhân trên cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng càng vội vàng chứng minh khả năng của mình. Đây là rủi ro mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông Zhao nói.
Trung Quốc và hai lựa chọn
Chuyên gia Zhang Liangui cho rằng, so với Mỹ hay Nga, Trung Quốc là nước thiệt hại nhiều nhất nếu Triều Tiên trở thành quốc gia có năng lực hạt nhân. Các khu vực quan trọng của Nga đều nằm tại châu Âu, trong khi các khu vực trọng điểm của Trung Quốc sát ngay bán đảo Triều Tiên. Trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân tại Triều Tiên, thiệt hại với Trung Quốc vô cùng nguy cấp. Bắc Kinh cần xem xét vấn đề quan trọng này với chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia một cách nghiêm túc.
“Nhiều người cho rằng, Trung Quốc đang không muốn giúp Mỹ thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đây là luận điệu sai lầm vì Mỹ cách quá xa Triều Tiên còn Trung Quốc là nước phải đối đầu trực diện với thiệt hại lớn nhất nếu tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thất bại”, chuyên gia Zhang Liangui nhận định.
Giữa bối cảnh đó, học giả Zhang khuyên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải quyết định, điều gì là quan trọng nhất với họ: Phi hạt nhân Triều Tiên hay sự ổn định của Bình Nhưỡng? “Trung Quốc cần xác định rõ, ưu tiên của mình là gì. Nếu không trả lời được câu hỏi này, giới chức không thể đưa ra giải pháp hữu hiệu. Chính phủ hiện thời tại Triều Tiên đã nhắc lại hơn 10 lần rằng, họ sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng thật không may, nhiều nước trên thế giới không hiểu thông điệp này”, ông Zhang nói.
Chuyên gia Trung Quốc nói thêm, sẽ là bi kịch của loài người nếu chính sách thỏa hiệp vô nguyên tắc này còn tiếp tục dẫn đầu. “Một loạt các nước hạt nhân mới có thể nổi lên, khi đó, trái đất sẽ sớm đối mặt với sự hủy diệt. Một khi Triều Tiên đã có khả năng hạt nhân, để tập trung vào phát triển kinh tế với Triều Tiên là bất khả thi. Tình hình tại Đông Á rơi vào cảnh không thể dự đoán”, ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận