ĐBQH chất vấn chất lượng cơ sở giáo dục, thực trạng chạy điểm để đạt điều kiện thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia |
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng nay 6/6, nhiều ĐBQH đặt câu hỏi về chất lượng cơ sở giáo dục và đội ngũ giáo viên.
Cụ thể, ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề: Thời gian vừa qua xuất hiện tình trạng “chuẩn giả” về chất lượng giáo dục, nhiều trường cứ đăng ký đạt chuẩn nhưng sau đó vẫn không đạt và xin nợ. “ Bộ trưởng có biết tình trạng này không, đã xử lý được chưa?”, ông Cương hỏi. Ngoài ra, đại biểu Ninh Thuận cũng nêu thực trạng học đối phó dể có đủ điều kiện tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia. “Các cháu chỉ học những môn thi tốt nghiệp còn những môn không thi thì bỏ học. Không ít phụ huynh tìm gặp thầy cô để “nộp tiền” để con mình đủ điểm Tốt nghiệp thi chỉ học những môn thi, để điều kiện đạt công nhận những môn không học nộp tiền, Bộ trưởng có biết và cho giải pháp?
Thừa nhận tình trạng “nợ chuẩn”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải: “Thời gian qua có những địa phương muốn công nhận đạt nông thôn mới nên xin cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn nợ chuẩn. Bộ GD&ĐT đã biết và yêu cầu địa phương sớm chấn chỉnh. Chuẩn là chuẩn không được nợ”.
Liên quan tới vấn đề học sinh học tủ học lệch trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia, người đứng đầu ngành Giáo dục thừa nhận: “Đây là tình trạng có thật, nhất là tại các trường chuyên, bố mẹ chỉ tập trung cho con học môn thi để mong đỗ đạt. Đây là điều cấm vì giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện về đức trí mỹ, để làm người. Bộ GD&ĐT kiên quyết phản đối hoạt động trên, cần tăng cường giám sát mong các trường thực hiện nghiêm để các cháu học toàn diện chứ không chỉ học để thi”.
Không đồng tình với phần trả lời trên, ĐB Nguyễn Sĩ Cương tranh luận: “Thưa Bộ trưởng, tình trạng nợ chuẩn trong giáo dục không chỉ gắn với nông thôn mới mà ngay ở đô thị cũng xảy ra. Trường đạt chuẩn quốc gia mà sân trường cũng không đạt, mỗi lần tập trung chỉ gọi được 5-6 cháu xuống; trường THCS nhưng bàn ghế là tiểu học, phụ huynh thấy thể lại phải bỏ tiền ra mua, tới khi hỏng lại gọi phụ huynh tới đóng góp để sửa... Rất buồn với thực trạng này, nhiều lần tôi cũng đã kiến nghị nhưng vẫn không chuyển biến”. Ngoài ra về câu chuyện phụ huynh “nộp tiền” cho con đủ điều kiện thi, ĐB Cương nhấn mạnh: “Đây không chỉ là tình trạng học tủ mà còn vấn đề đáng lo ngại về đạo đức. Phụ huynh nộp tiền cho con đạt điểm chuẩn, các cháu biết được hành động này sẽ suy nghĩ như thế nào về thầy cô? ”.
Thừa nhận tình trạng bệnh thành tích vẫn diễn ra tại cơ sở giáo dục không chỉ ở nông thôn mới mà còn cả thành phố, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xin tiếp thu ý kiến và khẳng định sẽ yêu cầu địa phương sớm chấn chỉnh. Liên quan tới tình trạng “mua điểm”, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh đây là hoạt động không thể chấp nhận. “Các phụ huynh có hoạt động này nên suy nghĩ lại. Trường không thể chủ động làm được mà cần phối hợp với phụ huynh ngăn chặn hoạt động này”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận