Khối tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý. |
Chiều 3/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017.
Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông: "Liên quan đến việc công bố kết luận thanh tra tài sản của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kết thúc thanh tra từ giữa tháng 7, tuy nhiên, đến nay là gần 3 tháng nhưng vẫn chưa công bố kết luận thanh tra khiến dư luận nghi ngờ về tính công khai, minh bạch. Đến nay đã quá hạn công bố chưa? Nếu quá hạn rồi tại sao không công bố?".
Trả lời câu hỏi trên, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam thừa nhận việc đơn vị này đã chậm trễ trong việc công bố kết luận thanh tra.
"Việc chậm có nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Chúng tôi khẳng định là chậm rồi, nhưng quan điểm của chúng tôi là vụ việc phải được kết luận một cách thận trọng, chính xác, khách quan. Khi vụ việc sáng tỏ rồi thì chúng tôi sẽ công khai", ông Lam nói.
"Nguyên nhân chủ quan hay khách quan mà ông vừa đề cập là gì? Có thông tin đoàn thanh tra phải thanh tra lại, có phải vì thế mà chậm?", PV tiếp tục đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Lam cho biết: "Chúng tôi thấy chậm trong đó có trách nhiệm của chúng tôi, nhưng việc chậm ko có mục tiêu nào khác ngoài việc xem xét chính xác khách quan thận trọng. Đây là một trong những cuộc thanh tra phải sớm công khai trước dư luận. Đến thời điểm này, tôi chưa nhận được thông tin việc phải thanh tra lại, mà vẫn đang thực hiện".
Ông cũng cho biết, trong hôm nay, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, theo đó không chỉ vụ Yên Bái, mà với các cuộc thanh tra khi kết luận rồi phải sớm công bố.
Về câu hỏi gần đây có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, theo quy định của Luật, trước khi ra kết luận thanh tra, các đối tượng thanh tra được xem trước kết luận thanh tra và cơ quan thanh tra cũng lấy ý kiến của đối tượng thah tra. Vậy với vụ việc quan trọng thì có lấy ý kiến của đối tượng thanh tra hay không, ông Lam cho rằng có trường hợp không cần thiết, nhưng với vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, chuyên sâu thì để đảm bảo yếu tố khách quan, cần lấy ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra, nhằm hiểu rõ hơn bối cảnh, khi giữa quy định của pháp luật và thực tiễn chưa đồng nhất; để làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan của vấn đề.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận