Giao thông

Tư nhân được vay vốn ODA, cơ hội cho PPP giao thông

02/05/2018, 06:10

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa đưa ra dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn

1

Thi công cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, dự án được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân - Ảnh:  Thu Trang

Những quy định trong dự thảo Nghị định về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nếu được thông qua sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận với các nguồn vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Vốn ODA, vốn ưu đãi làm vốn góp của Nhà nước

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo Nghị định là khu vực tư nhân được tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và phần vốn này tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức PPP có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước.

Cụ thể, Điều 9, dự thảo Nghị định quy định các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân gồm: Tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng; vốn ODA, vốn vay ưu đãi tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; vay lại nguồn vốn ODA, vay ưu đãi qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng; tham gia thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản.

Dự thảo Nghị định đưa ra quy trình 7 bước quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi; xây dựng và lựa chọn đề xuất chương trình, dự án; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình dự án; đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn; quản lý thực hiện chương trình dự án và hoàn thành, chuyển giao kết quả thực hiện chương trình, dự án.

Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng nêu rõ các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng KT-XH; sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP); hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển KT-XH và tăng cường thể chế quản lý nhà nước…

2

TS. Lê Đăng Doanh đề nghị Bộ KH&ĐT cần công khai các tiêu chí đấu thầu nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi (Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Dự án được đầu tư bằng hình thức PPP đang được mở rộng lên 6 làn xe) - Ảnh: K.Linh

Công khai tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp được vay vốn

Trao đổi với Báo giao thông về các quy định này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16 về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trong đó có quy định cho phép khu vực tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 16/2016 chỉ có những doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực đầu tư thủy điện có thể tiếp cận được nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, còn lại những doanh nghiệp tư nhân trong các lĩnh vực khác, trong đó có hạ tầng giao thông không thể tiếp cận được với các nguồn vốn này.

“Dự thảo Nghị định của Bộ KH&ĐT đang được đưa ra lấy ý kiến có nhiều quy định mới, tích cực để khu vực tư nhân, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông tiếp cận được với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi”, ông Khôi nói.

"Để tránh tình trạng “sân sau”, trong dự thảo Nghị định, Bộ KH&ĐT cần phải xây dựng và công bố công khai thời gian quy định đấu thầu, các tiêu chí, nội dung cụ thể khi tiến hành đấu thầu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới lựa chọn được những doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chạy cửa trước, luồn cửa sau”.

TS. Lê Đăng Doanh
nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư

Theo ông Khôi, nguồn vốn trong nước dành cho giao thông hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn tín dụng cho các dự án PPP. Các dự án giao thông thường có tổng vốn đầu tư lớn, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng với nguồn vay chiếm đến 80%. “Khu vực tư nhân được tiếp cận và vay được vốn ODA, vốn ưu đãi để làm các dự án PPP giao thông sẽ là một kênh huy động vốn rất hiệu quả vì lãi suất thấp”, ông Khôi nói và cho rằng, khi tư nhân được vay vốn ODA, vốn ưu đãi và tự chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao, bởi bộ máy không cồng kềnh, quan liêu.

Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng, Chính phủ cần phải xây dựng các cơ chế để lựa chọn những doanh nghiệp tư nhân hội tụ đủ các tiêu chí được tiếp cận vay vốn ODA, vốn ưu đãi. “Doanh nghiệp được lựa chọn vay vốn phải có tâm, có tầm và có khả năng trả nợ cho các tổ chức nước ngoài, dứt khoát không để tình trạng một vài con sâu làm rầu nồi canh”, ông Khôi nói.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư thẳng thắn nói: “Quy định cho phép doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và vay vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong dự thảo Nghị định do Bộ KH&ĐT đang đưa ra lấy ý kiến là nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà tài trợ vốn nước ngoài”.

Theo ông Doanh, trước đây, 65-75% nguồn vốn ODA của các tổ chức nước ngoài dành cho Việt Nam được chuyển cho các doanh nghiệp Nhà nước. Bây giờ, các tổ chức nước ngoài muốn chúng ta phải đấu thầu bình đẳng các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi.

“Đây là chủ trương rất đúng đắn để công khai, minh bạch nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi”, ông Doanh khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.