Đường sắt

Tư nhân xin cải tạo ga Sài Gòn như thế nào?

28/02/2018, 06:20

Nhà đầu tư sẽ thuê toàn bộ công trình nhà ga Sài Gòn, tự bỏ vốn cải tạo phục vụ hành khách kết hợp...

1

Sau sửa chữa, ga Sài Gòn sẽ là điểm nhấn văn hóa mang đậm nét “Sài Gòn xưa” (Mô hình ga Sài Gòn do SASCO đề xuất) và ga Sài Gòn hiện tại (Ảnh nhỏ)

Cũ kỹ và nhếch nhác

Sáng 27/2, PV Báo Giao thông trở lại ga Sài Gòn (TP HCM) sau đợt cao điểm phục vụ hành khách đi lại dịp Tết Mậu Tuất 2018. Ghi nhận của PV, khu vực ga Sài Gòn có diện tích rất rộng nhưng cách bố trí các khu chức năng hiện rất lộn xộn. Từ bên ngoài, việc bố trí khu vực giữ xe phía bên phải có phần thuận tiện cho hành khách khi đi vào. Thế nhưng, những lúc cao điểm, khu vực để xe được mở rộng dẫn đến ùn tắc, taxi phải xếp hàng dài chờ. Nhà xe thu tiền bằng vé giấy rất thủ công và mất thời gian. Xe của khách để ngoài mưa nắng. Phía bên trái, khu vực bốc xếp hàng hóa lộn xộn với cảnh công nhân xếp hàng ra vào khu vực nhà kho.

Bên trong nhà ga, các khu chức năng bố trí dàn trải chiếm nhiều diện tích nhưng không sử dụng hết công năng. Nhà vệ sinh được bố trí ngay lối vào, gần khu ghế ngồi chờ của hành khách đợi mua vé, những lúc có gió thổi vào kèm mùi hôi khó chịu. Trên tầng 1, một khu vực diện tích khá rộng nhưng chỉ được sử dụng để bán vé vào dịp cao điểm lễ, Tết, còn lại cả năm để trống.

Trao đổi với Báo Giao thông chiều 27/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc hợp tác đầu tư hạ tầng tại các nhà ga chỉ có thể được thực hiện tại các khu không liên quan trực tiếp đến tổ chức chạy tàu như: Tòa nhà, bãi hàng, dịch vụ vận tải nên đề xuất này của Tổng công ty Đường sắt VN là đúng hướng. Tuy nhiên, việc hợp tác đầu tư tại các nhà ga phải phục vụ mục đích khai thác dịch vụ vận tải và theo đúng quy hoạch, không được xoay hoàn toàn sang công năng khác. Vấn đề là phải làm rõ phương thức, việc tuân thủ các quy định pháp luật. 

Ông Hà Trọng Thắng, Giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Sài Gòn thừa nhận tình trạng lộn xộn, nhếch nhác của ga Sài Gòn hiện nay. Ông Thắng cho biết, từ nhiều năm trước, đơn vị đã đề nghị cải tạo, bố trí, sắp xếp lại tổng thể khu vực ga, không riêng gì tòa nhà trung tâm.

Theo ông Thắng, ga Sài Gòn đang kêu gọi đầu tư bãi giữ xe ở khu thể thao phía trong để trả lại toàn bộ mặt bằng bãi xe hiện hữu, bởi khu vực này vốn dĩ là đường chuyên dùng, được bố trí tạm. “Khó khăn là hiện khu ga vẫn chưa có “sổ đỏ” mà đang quản lý theo hiện trạng. Chúng tôi mong muốn có cơ chế chính sách đặc thù để có thể kêu gọi các nhà đầu tư”, ông Thắng nói.

Trước thực trạng trên, đầu tháng 2, Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) có tờ trình đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cải tạo tòa nhà ga Sài Gòn theo hình thức xã hội hóa.

Theo VNR, ga Sài Gòn được sửa chữa lớn năm 2006, tòa nhà ga có tổng diện tích khoảng 3.000m2,  gồm 2 tầng. Hiện, tòa nhà ga Sài Gòn đang khai thác sử dụng làm phòng đợi tàu và cho thuê làm văn phòng, kios bán hàng, đặt cây ATM, với tổng doanh thu khoảng 2,322 tỷ đồng/năm. Ga Sài Gòn có vị trí đắc địa ngay tại quận 3, TP HCM với diện tích rộng, lượng hành khách lên xuống tàu, nhất là vào mùa du lịch, lễ, Tết rất lớn thì nguồn thu như trên chưa tương xứng.

2
Phương án thiết kế, cải tạo tòa nhà ga Sài Gòn do SASCO đề xuất

Biến ga Sài Gòn thành điểm đến du lịch, mua sắm

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, xuất phát từ đề xuất của Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), tổng công ty đã đề xuất phương án xã hội hóa cải tạo ga Sài Gòn và xin chủ trương của Bộ GTVT.

“Mục tiêu cải tạo Nhà ga Sài Gòn không đơn thuần chỉ là nơi hành khách đến mua vé, đợi đi tàu mà còn trở thành điểm du lịch, mua sắm và cung ứng các dịch vụ khác”, ông Minh nói và cho biết, đường sắt cũng đang rà soát và lựa chọn những nhà ga lớn có tính hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư để thu hút vốn xã hội hóa. Sau khi có được nguồn lực từ khai thác các ga này sẽ tiếp tục đầu tư, triển khai đến các ga tính hấp dẫn ít hơn để đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ đồng đều hơn trong hệ thống nhà ga đường sắt VN.

Theo phương án VNR đề xuất, sẽ cho nhà đầu tư thuê toàn bộ công trình nhà ga Sài Gòn để cải tạo phục vụ hành khách kết hợp khai thác kinh doanh. Nhà đầu tư bỏ vốn cải tạo và tự kinh doanh trong thời gian thuê để thu hồi vốn; hết thời hạn thuê bàn giao lại cho tổng công ty quản lý khai thác. Hàng năm, nhà đầu tư trả cho tổng công ty tiền thuê theo thỏa thuận. Thời hạn thuê khoảng 5 năm.

Tiêu chí chính VNR đưa ra để lựa chọn nhà đầu tư là ưu tiên doanh nghiệp có thương hiệu quốc gia về phục vụ hành khách; cam kết cùng VNR quản lý, khai thác kinh doanh công trình đầu tư theo đúng mục đích sử dụng, ưu tiên phục vụ khách đi tàu.

3

Nhà chờ ga Sài Gòn hiện nay

Ông Vũ Anh Minh cho rằng, việc xã hội hóa đầu tư này không chỉ đơn giản là có được nguồn vốn. Vì VNR có thể bỏ ra nhưng đơn vị này lại không có kinh nghiệm khai thác, nên khó mà thu được hiệu quả đầu tư, không tạo ra thặng dư để đầu tư các nhà ga khác. Vì thế, VNR chọn phương án kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư có khả năng khai thác tốt. Việc cải tạo tòa nhà ga Sài Gòn sẽ giữ nguyên kết cấu. Cùng với cải tạo tòa nhà, VNR cũng sẽ cải tạo, sắp xếp lại khu vực khuôn viên ga như: Bãi trông xe thông minh, cây cảnh, tổ chức lại giao thông… tạo quang cảnh toàn khu ga đẹp, thuận lợi hơn.

Về hình thức hợp tác kinh doanh, theo ông Minh, đây là hình thức phù hợp và thủ tục đầu tư nhanh nhất. Nếu theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sẽ rất lâu. Nếu được Bộ chấp thuận sớm, bước lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục hoàn tất nhanh để triển khai thi công ngay thì chỉ hết quý III/2018 là có thể đưa vào khai thác. Về thời hạn 5 năm, ông Minh cho biết, đây là thời gian khai thác trong khi chờ quy hoạch toàn bộ khu ga Sài Gòn, bao gồm cả các đơn vị đường sắt khác.

“Phải từ thành công của ga Sài Gòn mới tạo được tính hấp dẫn, thu hút đầu tư xã hội hóa đến các nhà ga khác. VNR cũng mới có nguồn thu để đầu tư hiện đại hóa hệ thống nhà ga đường sắt VN”, ông Minh nói và cho biết, đường sắt đang tìm đơn vị kiểm định lại kết cấu ga Hà Nội, tiếp theo là ga Hải Phòng, ga Nha Trang để có phương án đầu tư…

Bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng giám đốc SASCO, cho biết, đã lên các phương án thiết kế để cải tạo khu vực nhà ga Sài Gòn với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Dự án dự kiến thi công vào mùa thấp điểm quý I và hoàn thành vào quý II/2018. Hoạt động sửa chữa có thể diễn ra liên tục 3 ca/ngày để đảm bảo tiến độ. Mục tiêu sau sửa chữa, ga Sài Gòn sẽ là điểm nhấn văn hóa mang đậm nét “Sài Gòn xưa” như kiến trúc của Bưu điện thành phố. Cụ thể, sẽ sử dụng các cổng vòm, vừa tạo cảm giác quyến rũ, sang trọng nhưng vẫn kết nối được quá khứ và hiện tại. Cổng vòm sẽ xuất hiện chủ đạo trong việc cải tạo mặt tiền, là điểm nhấn thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên khi du khách đến với ga. “Trang điểm” cho nhà ga là các console hoa văn cách điệu mái hiên, tái hiện phong cách “Sài Gòn xưa”. Để thêm đặc sắc, dự án sử dụng gạch bông kiểu xưa để lát nền nhà ga và các quán cà phê, bistro,...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.