Những trẻ em đã biết bơi cũng chỉ nên bơi ở chỗ nước nông |
Mỗi ngày có 4 trẻ em tử vong do đuối nước
Bạn đọc Báo Giao thông hẳn chưa quên vụ đuối nước kinh hoàng trên sông Trà Khúc (Thanh Khiết, Nghĩa Hà, Quảng Ngãi) khiến 9 học sinh lớp 6 bị đuối nước hồi tháng 4 năm nay. Theo nhận định do ban đầu 1 bạn học sinh sảy chân xuống hồ sâu, nhóm bạn đổ xô ứng cứu rồi đều bị đuối nước.
Không lâu sau đó, ngày 4/7/2016 tại thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang có 5 em nhỏ xuống ao tắm. Bất ngờ 2 em xuống trước gặp hố sâu chới với kêu cứu, 3 em còn lại chạy đến đưa tay định kéo 2 bạn lên bờ, nhưng cũng bị nhào xuống. Hậu quả, cả 5 em đều chết đuối.
"Cần đầu tư nguồn lực cho phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước. Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng các bể bơi, hồ bơi đơn giản và dạy bơi cho trẻ em để giúp các em có kỹ năng phòng tránh đuối nước”. Bà Vũ Thị Kim Hoa |
Cần phải nói rằng, đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ tai nạn đuối nước trong những tháng đầu năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định, đuối nước đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở nước ta.
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Bộ LĐ, TB&XH cho biết, trung bình mỗi năm có hàng nghìn trẻ em và người chưa thành niên từ 0-19 tuổi bị tử vong do đuối nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, tình hình đuối nước trẻ em chưa giảm. Theo báo cáo của 52/63 tỉnh, thành phố có 1.345 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích; Trong đó, có 657 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Như vậy, tính trung bình một ngày có khoảng 4 trẻ em tử vong do bị đuối nước. Đây là con số rất đáng lo ngại.
“Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 10 lần các nước phát triển. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích”, bà Hoa đưa ra con số.
Về nguyên nhân, theo bà Hoa là do nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và cộng đồng, đặc biệt là của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; Cha mẹ thiếu quan tâm, giám sát con cái; Do trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn khi tham gia vui chơi trong môi trường nước.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến đuối nước là do kiến thức, ý thức chấp hành luật pháp về ATGT và kỹ năng phòng chống đuối nước của trẻ em còn rất thấp.
Giải pháp ngăn chặn đuối nước
Để giảm thiểu nguy cơ đuối nước, bác sỹ Lê Văn Minh, tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 411 (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam) khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy rào ao, hồ nước quanh nhà hoặc nơi công cộng. Làm các nắp đậy an toàn, khóa cẩn thận các dụng cụ đựng nước trong gia đình: giếng, bể, lu chứa nước… Cắm biển báo những nơi nước sâu, nguy hiểm.
Ngay cả đối với những trẻ em đã biết bơi, bác sỹ Minh cũng đưa ra lời khuyên các em hãy bơi ở chỗ nước nông. Mặc áo phao hoặc mang theo phao bơi khi đi đò, tàu thuyền. Kiểm tra độ sâu trước khi xuống nước. Không bơi ở những nơi có biển cấm. Không bơi lội một mình nơi vắng vẻ, ngay cả với những người bơi lội giỏi. Đối với các em thiếu niên và bơi giỏi có thể trang bị thêm kỹ năng cứu đuối, bởi thực tế thời gian qua nhiều trường hợp tử vong do không biết cách cứu người chết đuối.
Trao đổi với Báo Giao thông, Đại úy Bùi Công Thi, Đội phó Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, các mô hình văn hóa giao thông đường thủy và phòng chống đuối nước trẻ em cần tiếp tục được nhân rộng. Cùng đó, cần tổ chức tập huấn cho các lực lượng làm công tác đảm bảo TTATGT kỹ năng tìm kiếm cứu nạn, nhất là biện pháp sơ cấp cứu trẻ bị đuối nước... song song với việc kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm gây tử vong do đuối nước ở trẻ em.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận