Kinh tế

Từ vụ Vinasun kiện Grab: Đừng bắt "mới phải theo cũ"

01/11/2018, 09:37

Nếu chúng ta không kiểm soát được mà lại ép cái mới theo khuôn khổ cái cũ là chưa phù hợp

9

Bà Nguyễn Minh Thảo

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, thay vì kiến nghị gỡ bỏ những điều kiện cản trở kinh doanh trong tình hình mới, đầu tư công nghệ 4.0 để phát triển, các doanh nghiệp taxi truyền thống lại tìm cách thuyết phục cơ quan quản lý nhà nước để cố kéo doanh nghiệp, loại hình mới vào khuôn khổ cũ giống như mình.

Vụ việc Vinasun kiện Grab vẫn chưa có hồi kết, dưới góc độ kinh tế, bà nhìn nhận vụ việc này thế nào?

Tôi cho rằng vấn đề xuất phát từ lợi ích. Các doanh nghiệp taxi truyền thống trước kia đã được hưởng những điều kiện và lợi thế, nhờ đó một số đã phát triển lên thế thống lĩnh thị trường, độc quyền nhóm và hưởng lợi từ vị trí thống lĩnh ấy. Nên có tình trạng trước đây cứ xăng tăng là cước taxi tăng theo. Nhưng nay, khi yếu tố mới gia nhập, họ bị bất lợi. Khi đó, về mặt tâm lý cạnh tranh có xu hướng chống lại cái mới và tìm cách cầm cự.

"Nếu cho rằng Grab gây ảnh hưởng tới cạnh tranh vì thống lĩnh thị trường thì trách nhiệm là của cơ quan quản lý cạnh tranh, vào cuộc làm rõ vấn đề, giải đáp cho doanh nghiệp. Tôi không ủng hộ bên nào mà ủng hộ những cái phù hợp với xu thế, phù hợp với khách hàng. Tôi có lúc chọn đi Grab, có lúc chọn đi taxi truyền thống vì thời điểm Grab tăng giá chẳng hạn. Tôi cho rằng, dù cạnh tranh nhưng taxi truyền thống vẫn chưa hết cơ hội”.

Bà Nguyễn Minh Thảo

Trong mâu thuẫn taxi truyền thống và taxi công nghệ, nên ủng hộ cái mới bởi nếu vì ATGT thì kiểm định lại các xe một cách công bằng, còn nếu là vấn đề thuế, cơ quan thuế phải nghĩ ra công cụ để kiểm soát. Nếu chúng ta không kiểm soát được mà lại ép cái mới theo khuôn khổ cái cũ là chưa phù hợp. Bởi thị trường là cạnh tranh, là phá hủy và sáng tạo. Xu thế mới không thể dựa vào cách cũ để quản lý.

Vinasun kiện Grab vì cho rằng Grab kinh doanh vận tải, theo bà có cơ sở?

Tuỳ theo vấn đề khởi kiện của bên taxi truyền thống. Nếu họ khởi kiện liên quan tới vấn đề cạnh tranh thì phải điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và có sự vào cuộc của Bộ Công thương. Còn nếu khởi kiện liên quan tới vi phạm vận tải và cho rằng Grab là doanh nghiệp vận tải thì hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định Grab là doanh nghiệp vận tải. Vậy điều chỉnh bằng cái gì phải có cơ sở, phải có phạm trù và định nghĩa rõ ràng. Khi chưa có văn bản điều chỉnh không thể kết luận và khép vào phạm trù nào. Cũng như không thể “khép” người máy vào loài người. Tôi cảm nhận toà án cũng đang bối rối và chưa có khái niệm rõ ràng.

10

Taxi truyền thống đỗ dọc hai bên đường Yên Phụ, Hà Nội chờ đón khách - Ảnh: Khánh Linh

Còn nếu nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn của Luật Cạnh tranh thì sao, thưa bà?

Nếu nhìn vấn đề dưới góc nhìn của Luật Cạnh tranh thì phải tìm bằng chứng chứng minh Grab và Uber sáp nhập tạo nên thị phần bao nhiêu bởi Singapore xác định được thị phần của Grab sáp nhập với Uber. Làm được điều này là do năng lực của cơ quan quản lý cạnh tranh trên cơ sở có bằng chứng và cách thức quản lý của họ có thể lường trước nhiều sự phát triển trong tương lai. Còn chúng ta, năng lực quản lý, hệ thống kết nối, tổng hợp… còn thiếu thông tin nên cơ quan cạnh tranh tới nay vẫn chưa đưa ra được kết luận nào.

Bà có đề cập tới việc thay đổi một số quy định để phù hợp với tình hình thực tế mới. Vậy cụ thể như thế nào?

Mới đây tôi nhận được Dự thảo mới nhất về sửa đổi Nghị định 86 quy định về kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Các kiến nghị cụ thể, tôi sẽ gửi lên Văn phòng Chính phủ. Còn hiện nay, một số bất cập có thể nhìn thấy ngay như việc một số tuyến đường ở Hà Nội cấm taxi, xe hợp đồng. Tôi lại cho rằng, trong bối cảnh ta đang muốn hạn chế xe cá nhân thì không nên cấm các loại xe này. Cho nên phải nghĩ lại việc đặt biển báo và cách thức quản lý mới hạn chế được xe cá nhân… Hay quản lý hoạt động taxi nên quy định chung cho tất cả các đơn vị có hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, nếu chỉ áp dụng cho taxi truyền thống thì họ sẽ bị yếu thế trong cạnh tranh vì kiểm định thường xuyên với doanh nghiệp có tới hàng trăm xe không chỉ gây tốn kém tiền bạc, thời gian mà còn là quay vòng...

Sự ra đời của những đơn vị mới như Grab, Uber làm thị trường đảo chiều nhanh như vậy. Bà có dự báo gì về sự thay đổi nếu nhìn rộng ra các lĩnh vực khác trong nền kinh tế?

Từ trường hợp này có thể thấy doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác cũng có thể gặp sự thay đổi bất kỳ lúc nào trong thời buổi công nghệ thay đổi nhanh như hiện nay. Nếu anh không nắm bắt cơ hội, giải pháp công nghệ mới thì có khả năng bị tụt lại. Nên cơ hội chỉ đến với ai sẵn sàng mạo hiểm với cái mới. Doanh nghiệp phải thay đổi ngay và có giải pháp về công nghệ, nếu không khả năng bị phá sản rất dễ xảy ra.

Còn ở góc độ quản lý, không nên bó doanh nghiệp. Cái mới nào cũng cần thời gian đánh giá, đồng thời nên có chính sách khuyến khích cái mới, sự sáng tạo theo hướng thoáng, mở chứ không nên ra chính sách o ép theo khuôn khổ cũ. Nếu thực tế thay đổi thì chính sách có thể tiếp tục điều chỉnh. Sáng kiến không phải đi đến sự hoàn hảo mà là sự phát triển dần dần, từ quy mô nhỏ lan sang phạm vi rộng nên tầm của chính sách là phải mở và tất cả đều trên bình diện chung vì lợi ích của người tiêu dùng.

Cảm ơn bà!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.