Công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Thiệt vào tối 9/10 |
Từng được mệnh danh là “vua rừng” nên việc ông Lê Văn Thiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo vừa bị bắt để điều tra hành vi “hủy hoại rừng” khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
“Vua rừng” trên đỉnh La Vuông
Ông Lê Văn Thiệt (SN 1962), quê gốc ở làng An Hội (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Từ năm 2002, ông Thiệt đã thành lập Công ty CP Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, do mình giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Đây là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp tại tỉnh Bình Định. Công ty này hoạt động nhiều lĩnh vực như: Kinh doanh trồng rừng, chế biến lâm sản, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt chăn nuôi hỗn hợp, thi công xây dựng công trình đường bộ, dân dụng công nghiệp, san lấp mặt bằng, sản xuất nguyên liệu giấy, sản phẩm gỗ, nhà hàng, khách sạn...
Liên quan đến vụ phá rừng nói trên, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy An Lão đã quyết định kỷ luật cảnh cáo hai kiểm lâm viên phụ trách địa bàn là ông Huỳnh Văn Tuấn và ông Nguyễn Trọng Tài; khiển trách đối với ông Đinh Văn Lang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Hưng; cảnh cáo các ông Đinh Văn Chê, Chủ tịch UBND xã An Hưng; Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão; Đinh Văn Hòa, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão; Phạm Phương Bắc, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Định xem xét, xử lý ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm; ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện An Lão kỷ luật mức khiển trách. |
Tháng 7/2004, ông Thiệt thuê lại hàng trăm ha đất của nông trường trên đỉnh La Vuông (xã Hoài Sơn) để làm nông nghiệp nhưng thất bại. Bốn năm sau, ông Thiệt chuyển sang trồng rừng trên chính mảnh đất này. Là người đầu tiên phục hóa vùng đất La Vuông, người dân địa phương từng gán cho ông Thiệt cái tên “vua rừng” bởi diện tích rừng do công ty ông sở hữu vô cùng lớn, lên đến 253ha.
Đỉnh núi La Vuông nằm trên độ cao hơn 600m, những trảng đồi bằng phẳng trông như một thảo nguyên. Nhận thấy vùng đất này có địa thế thuận lợi, ông Thiệt dùng 39ha đất La Vuông để làm du lịch. Với tổng kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng, ông Thiệt có tham vọng biến đỉnh La Vuông trở thành khu du lịch sinh thái trang trại nông - lâm nghiệp. Năm 2012, Nhà máy Sản xuất dăm gỗ Tường Sơn tại xã Hoài Sơn (trực thuộc Công ty Thương Thảo) ra đời với công suất chế biến dăm gỗ 100 nghìn tấn/năm nhằm giải quyết đầu ra cho ngành trồng rừng. Từ năm 2015, ông Thiệt thực hiện thí điểm dự án nông trại hữu cơ, trồng cây cảnh, trồng rau, trồng hoa, xây dựng hồ cá, trang trại trên đỉnh La Vuông.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, Công ty Thương Thảo cũng từng dính bê bối vì liên quan đến việc sử dụng đất rừng trái phép tại xã Hoài Sơn vào năm 2016. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ việc, giao Công an tỉnh Bình Định điều tra với tổng diện tích bị tàn phá lên đến 30ha nhưng lúc đó công ty này chỉ bị xử phạt 80 triệu đồng, không ai bị xử lý hình sự.
Chủ mưu phá rừng
Những ngày đầu tháng 9, người dân Bình Định xôn xao khi hay tin phát hiện 60,9ha rừng tự nhiên bị lâm tặc triệt hạ tại xã An Hưng (huyện An Lão). Điều bất ngờ hơn, cơ quan chức năng phát hiện có 26m3 gỗ và 28 ster củi cháy không có giấy tờ, nghi ngờ có nguồn gốc từ vụ phá rừng An Lão tại Nhà máy Sản xuất dăm gỗ Trường Sơn của Công ty Thương Thảo. Làm việc với báo chí, bà Hồ Thị Thùy Linh, Phó tổng Giám đốc Công ty Thương Thảo khẳng định chắc nịch, phía công ty bị oan và không liên quan đến lô gỗ này vì đã cho một người quản đốc của nhà máy thuê lại xưởng để hoạt động. Thế nhưng không lâu sau đó, cơ quan điều tra đã xác định lô gỗ này chính là gỗ từ vụ phá rừng tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cho biết, ban đầu có 5 người đến tự nhận mình là chủ mưu phá rừng. Tuy nhiên, qua đấu tranh chỉ còn hai người gồm Phan Dễ (SN 1960) và Nguyễn Văn Ri (SN 1975 cùng trú huyện Hoài Nhơn). Ngày 21/9, Công an tỉnh Bình Định ra quyết định bắt tạm giam 2 nghi phạm này để điều tra hành vi phá rừng.
Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định từng nhận định vụ phá rừng này chỉ có thể là doanh nghiệp. Và có tình trạng doanh nghiệp kêu gọi nông dân chia nhỏ để nhận trách nhiệm phá rừng với mục đích chạy tội. Đến ngày 9/10, Công an tỉnh Bình Định tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Lê Văn Thiệt để điều tra hành vi “hủy hoại rừng”. Công an cũng khám xét nhà ông Thiệt và nơi làm việc, bước đầu thu giữ được một số tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Ngay sau đó, Công an Bình Định tiếp tục ra quyết định khởi tố thêm 5 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng này. Trong đó, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Lê Hồng Đức (trú xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), ông Đức được xác định là người đứng ra thuê một số người khác ở địa phương phá rừng. Bốn đối tượng còn lại được cho tại ngoại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận