Trước hết, nhân dân, dư luận vui mừng vì thấy được quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, quyết tâm loại khỏi bộ máy những cán bộ có vi phạm, không xứng đáng. Nhưng bên cạnh niềm vui ấy, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn, lo ngại khi thấy trong bộ máy còn tồn tại những cán bộ, thậm chí là lãnh đạo cấp cao lại vi phạm pháp luật.
Vì sao nên nỗi ấy? Bởi vì cán bộ ấy, người lãnh đạo ấy đã bị tha hoá. Họ đã quên mất 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, mà lẽ ra họ đã phải thuộc nằm lòng.
Nhiệm vụ của công an là phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, có trách nhiệm đối với những công việc mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”- đây là yêu cầu về tài năng, về sự quyết đoán, quả cảm của người chiến sĩ công an khi đứng trước kẻ thù... Đáng tiếc, ông Hóa đã không giữ được phẩm chất ấy. Rất có thể, ông Hóa đã gục ngã bởi những “viên đạn bọc đường”.
Nhưng như thế có đủ để sai phạm tồn tại, kéo dài không? Tôi tin không thể, mà còn bởi cấp quản lý thiếu sự giám sát chặt chẽ, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, để cán bộ “sai nối tiếp sai”.
Người dân vi phạm đã không được, cán bộ công chức vi phạm lại càng không được. Mà cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Công an nhân dân vi phạm lại càng khiến cho người dân hoang mang. Vì họ vốn là những người được biết đến với sứ mệnh ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh với tội phạm, mà chính họ không những không chống tội phạm, lại bị tội phạm mua chuộc. Điều này cũng không phải bây giờ mới có, trước đây cũng đã từng có, nhưng do chúng ta không làm một cách thường xuyên, cứ làm rồi bỏ nên giờ mới lại phát hiện những sự việc thế này.
Khi đứng trong lực lượng Công an nhân dân, mỗi chiến sĩ phải có bản lĩnh và lòng dũng cảm, phải xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của mình không chỉ chiến thắng tội phạm mà quan trọng hơn, phải chiến thắng cả bản thân trước những cám dỗ vật chất, để không bị lung lay trước những “viên đạn bọc đường”.
Tôi rất ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng, thanh lọc bộ máy đang được làm rất quyết liệt, bởi nếu không làm như vậy thì Nhà nước không thể có lòng tin của nhân dân.
Trước đây, không phủ nhận chúng ta còn nể nang, né tránh, nhiều vụ việc vi phạm nhưng không ai phát hiện do quản lý kém, hoặc có phát hiện nhưng bao che, nể nang không xử lý. Tôi tin nếu xử lý nghiêm minh thì chắc không có chuyện nhiều cán bộ lãnh đạo bị sai phạm, bị xử lý như bây giờ.
Chúng ta xác định đã làm phải làm thật nghiêm, không nể nang, bao che. Nhưng bên cạnh đó, phải thật chú trọng công tác phòng ngừa cho tốt, quản lý chặt chẽ, đừng để xảy ra rồi mới xử lý, giải quyết hậu quả, vì mỗi lần như thế thì chúng ta đã mất mát quá nhiều rồi.
Lê Thị Thu Ba
Nguyên Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận