Xe ô tô điện hoạt động trên địa bàn xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa |
Với giá thành từ 100 triệu đồng trở xuống, xe ô tô điện được coi là phù hợp để đầu tư vận chuyển khách trong phạm vi giới hạn hẹp như: Khu du lịch, sân golf, khu nghỉ mát…
Đáp ứng nhu cầu này, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thí điểm sử dụng xe điện 4 bánh tại: Lào Cai, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Việc quy định khu vực và số lượng xe ô tô điện được phép hoạt được giao cho các địa phương nghiên cứu, xem xét, quyết định.
Để được cấp phép hoạt động thí điểm, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bằng ô tô điện phải bảo đảm số lượng, chất lượng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh: Có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; Phương tiện phải được kiểm định ATKT & BVMT; Người điều khiển phương tiện có GPLX theo quy định; Lái xe và nhân viên phục vụ phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh, phải được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ vận tải khách, ATGT theo quy định của Bộ GTVT, phải mặc đồng phục và đeo thẻ có dán ảnh, ghi số hiệu, ký hiệu đơn vị…
Quy định của pháp luật chặt chẽ là thế, nhưng đến nay, tình trạng xe ô tô điện không phép vẫn hoạt động tràn lan trong khu du lịch; Có xe ô tô điện được cấp phép hoạt động du lịch nhưng “nhảy bừa” sang hoạt động trên các tuyến đường giao thông. Những chiếc xe ô tô điện “nhiều không”: Không được cấp phép hoạt động, không đăng ký, không đăng kiểm, thậm chí người điều khiển không GPLX… thản nhiên hoạt động chở khách, hàng hóa. Chỉ phải trả 2-10 nghìn đồng, một học sinh có thể lên xe ô tô điện đến trường, công nhân có thể đến nhà máy. Với giá thành đầu tư một chiếc xe ô tô điện chỉ vài chục triệu đồng mà đem lại nguồn thu vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, nhiều người dân nông thôn cũng sẵn sàng vay mượn tiền để đầu tư.
Việc xe ô tô điện bùng phát ở vùng nông thôn được chính quyền địa phương lý giải là để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, học sinh, công nhân... trong khi hệ thống xe buýt, xe khách còn chưa “phủ sóng” đến nơi. Tuy nhiên, không thể viện lý do vì nhu cầu, sự tiện lợi và rẻ của ô tô điện mà xã, thôn làm lơ, thậm chí “bật đèn xanh” cho loại phương tiện này hoạt động. Những vụ va chạm, TNGT liên quan đến ô tô điện như hồi chuông cảnh báo về sự tắc trách của chính quyền địa phương khi lơ là quản lý phương tiện này.
Hiện, cả nước có hàng nghìn xe ô tô điện, nhưng chỉ có chưa đầy 300 xe được kiểm định đủ điều kiện ATKT, điều đó cho thấy càng không thể đổi “tiện và rẻ” lấy nguy cơ mất an toàn sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông.
Khi chiếc xe đạp điện, xe máy điện hai bánh chỉ chở tối đa hai người, cũng đang dần đi vào nền nếp khi đều phải đăng ký, đăng kiểm, các trường hợp vi phạm bị xử lý cương quyết. Vậy thì, chiếc ô tô điện bốn bánh “nhiều không” chở hàng chục người không thể khoác áo “rẻ và tiện” để tùy tiện reo rắc nguy cơ TNGT trên khắp mọi tuyến đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận