Xã hội

Tuyên chiến với tội ác kinh doanh thực phẩm bẩn

06/06/2017, 07:15

Quốc hội dành cả ngày 5/6 để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.

5

Khách hàng để tiền ngay lên các miếng thịt tại một quầy thịt trong chợ Văn Chương(quận Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: Khánh Linh

Đa số ĐBQH cho rằng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác và cần phải tuyên chiến một cách không khoan nhượng.

Dân gánh hậu quả vì thực phẩm bẩn

Nêu ý kiến, ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) dẫn hàng loạt số liệu: 27% người dân không yên tâm về thực phẩm, 59% chưa yên tâm lắm; Trong 3 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thì trên 20% vi phạm ATTP. Đặc biệt, trong 5 năm có hơn 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm, với trên 30 nghìn người mắc, 164 người chết. “Đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngộ độc thực phẩm, bởi con số thực tế lớn hơn rất nhiều do chưa được ghi nhận”, ông Mai nói và cho rằng, quản lý Nhà nước về ATTP còn nhiều hạn chế, trong đó việc thực hiện quản lý còn cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, nhiều khoảng trống chưa được xử lý hiệu quả, dẫn tới người dân phải gánh hậu quả.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu thực tế hóa chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt không trừ sản phẩm nào. “Liệu có quá khi nói rằng, chúng ta đang tự đầu độc chính mình và ta nghĩ gì khi báo cáo đoàn giám sát cho biết, có trên 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới mỗi năm, trong đó có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn?”, ông Nhân băn khoăn, đồng thời cho rằng, dù chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng những gì nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận. “Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, ông Nhân nói và nhấn mạnh phải tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm bẩn, phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đặt câu hỏi: “Chính phủ đã sẵn sàng tuyên chiến với thực phẩm bẩn hay chưa?”. Theo ông, cần đánh giá vai trò quản lý cũng như ý thức trách nhiệm của người dân. Người tiêu dùng cần thông minh, chọn thực phẩm sạch để động viên những cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn”.

Thanh tra thụ động, không phát hiện được sai phạm

Đề cập đến tình trạng quản lý rượu bia, số lượng cơ sở sản xuất theo mô hình tư nhân len lỏi trong các xóm làng, có nơi đã đến mức báo động, ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) cũng dẫn ra con số giai đoạn 2007-2017 xảy ra 58 vụ ngộ độc rượu với 382 người mắc và 90 người tử vong. Trong đó, tử vong do methanol chiếm nhiều nhất với tỷ lệ 49%. Đặc biệt, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 70.000 lít rượu chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, tại Hà Nội tiêu hủy 20.000 lít, trong đó có 600 lít rượu nhập. Từ đó, bà Ánh nhận định, ngộ độc rượu trở thành nỗi ám ảnh của người dân trong suốt thời gian qua. Vì thế, cần siết chặt quy định sản xuất kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt vi phạm và duy trì trong thời gian dài chứ không phải làm kiểu phong trào.

Cho ý kiến về những vấn đề nhức nhối trong vệ sinh ATTP, đa số ĐBQH đều cho rằng, ngoài trách nhiệm quản lý của Nhà nước, mỗi người dân hãy là một người người tiêu dùng thông thái. Đồng tình là vậy, nhưng ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn nút xin tranh luận và nói rằng, nếu chỉ nói thế thì người dân sẽ thấy rất buồn. “Thông thái hay không phải phụ thuộc vào hoàn cảnh nhất định, chứ nông dân đói phải ăn, khát phải uống, không còn lựa chọn nào khác. Giờ đòi người ta thông minh, thông thái như nào?”, ông Học nêu câu hỏi và cho rằng, không thể đòi người tiêu dùng thông minh được khi mà việc thanh, kiểm tra còn thụ động, không phát hiện được sai phạm và mới chỉ xử lý được 20% sai phạm trong lĩnh vực này.

Xử lý vi phạm chưa đủ răn đe

Giải trình làm rõ thêm ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, giám sát của Quốc hội về ATTP là một nội dung đúng và trúng. Ông cho biết, trong vòng 8 tháng đã giám sát tới 1/3 số tỉnh, 210 các cơ sở thuộc 8 ngành sản xuất, kinh doanh liên quan trực tiếp đến vấn đề này, làm việc với 3 Bộ trực tiếp quản lý, tổ chức 3 hội nghị chuyên đề... để vẽ lên một bức tranh hiện trạng về công tác thực thi nhiệm vụ đảm bảo VSATTP. Ông Cường cho biết, sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình giám sát, sẽ bám vào đó để xây dựng kế hoạch chi tiết trình Chính phủ; tăng cường sự phối hợp liên ngành để thực hiện tốt nhất trách nhiệm được phân công quản lý.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP khá đầy đủ, đồng bộ, vấn đề còn lại là thực thi, kiểm tra, xử phạt. Theo bà Tiến, tới đây sẽ sửa ngay một số nghị định, trong đó có nghị định về xử phạt vi phạm hành chính vì chế tài hiện nay còn quá nhẹ, chưa nghiêm. Bộ trưởng cũng lưu ý phải sửa Bộ luật Hình sự để xử lý hình sự trong lĩnh vực vệ sinh ATTP.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.