Một đoạn tuyến kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1 giai đoạn 1 trước khi thông xe. |
Tuyến đường này đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông, kết nối liên kết vùng, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Sau khi tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đưa vào sử dụng đã góp phần kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông cho QL1, đồng thời thay đổi nhiều về cơ cấu vận tải, thúc đẩy KT-XH của vùng phát triển. Tuy nhiên tuyến cao tốc này mới được xây dựng đến nút giao Cao Bồ (Ý Yên, Nam Định), buộc phương tiện phải đi về QL10 vào TP Ninh Bình và vào QL1 đã gây áp lực về giao thông, TTATGT cho TP Ninh Bình vốn đang quá tải.
Ông Đinh Quang Xoa, Giám đốc Ban Quản lý các dự án vốn nước ngoài, Sở GTVT Ninh Bình cho biết, với dự án này, các phương tiện tham gia giao thông từ đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ không phải đi qua trung tâm TP Ninh Bình như hiện nay, qua đó giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, tuyến đường mới này còn góp phần tăng hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh được hưởng lợi từ dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đặc biệt là tăng sự kết nối giữa các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ với các tỉnh Bắc Trung bộ.
Điểm đầu của dự án nối tiếp với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc xã Yên Bảng, huyện Ý Yên, Nam Định. Điểm cuối giao với đường trục khu công nghiệp Khánh Phú tại xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh với chiều dài 6,05km. Trên toàn tuyến xây mới ba cầu: Cao Bồ, Cẩm và Trại Mễ. Công trình được khởi công từ tháng 7/2012, do Liên danh Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75 (CIENCO8) thi công.
Cũng theo ông Xoa, trong quá trình thi công chủ đầu tư và nhà thầu đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc như việc nâng cao tĩnh không cầu Trại Mễ từ 11m lên 15m để thông thuyền cho tàu 3.000T, bổ sung đoạn 500m đầu tuyến để kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, mở rộng cầu Cao Bồ, cầu Cẩm lên ba làn xe, tuyến đi qua vùng đất yếu có thời gian chờ lún dài, trong khi đó công tác GPMB khó khăn, đến cuối tháng 9/2014 mới cơ bản bàn giao được mặt bằng sạch ...”
Nhà thầu đã huy động máy móc, nhân vật lực, không quản khó khăn để thi công. Qua 35 tháng tích cực thi công công trình đã về đích vượt tiến độ 6 tháng, đây là nỗ lực không mệt mỏi của các nhà thầu, các đơn vị tư vấn, Ban QLDA” , ông Soa cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho biết, việc sớm đưa dự án vào khai thác sẽ đáp ứng được nhu cầu vận tải, đảm bảo ATGT, góp phần phát triển thúc đẩy kinh tế của Ninh Bình nói riêng cũng như của các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ nói chung. Tuyến đường còn góp phần khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách tuyến trọng điểm Bắc – Nam, ông Thạch nhấn mạnh.
Cũng trong ngày 30/6, Sở GTVT Ninh Bình sẽ làm lễ thông xe Dự án nâng cấp, cải tạo QL10, đoạn qua Ninh Phúc - cầu Điền Hộ (Km 144+200 - Km 187+250) có tổng chiều dài gần 46km. Trong đó, tuyến chính dài 30 km, tuyến hoàn trả dài gần 16 km, Tổng mức đầu tư 1.680 tỷ đồng, nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Dự án đi qua địa bàn hai huyện Yên Khánh và Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Nhà thầu thi công là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2009 và được Bộ GTVT chọn là công trình trọng điểm để gắn biển chào mừng 70 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9; 70 năm Truyền thống ngành GTVT và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đây là tuyến giao thông huyết mạch phục vụ phát triển KT-XH của hai huyện Yên Khánh, Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung; phục vụ việc kết nối, giao thương giữa Ninh Bình với Thanh Hóa, Nam Định và các tỉnh khác trong khu vực, phục vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận